Skip Ribbon Commands
Skip to main content

ẤN ĐỘ SẼ QUYẾT ĐỊNH CUỘC CHIẾN CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TOÀN CẦU ?!!!

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ấn Độ 2021 được công bố tuần trước của của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra một nhận định gây sốc: Tương lai của trái đất phụ thuộc vào chính sách năng lượng của Ấn Độ.


Giải thích cho nhận định này, báo cáo cho biết Ấn Độ hiện là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, và sử dụng năng lượng của nước này đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua, với 80% năng lượng tiêu thụ đến từ than, dầu và củi. Tuy nhiên, lượng khí thải trên đầu người của Ấn Độ vẫn chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Ấn Độ về cơ bản vẫn là một nước nghèo, có nhu cầu và tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn. Do đó, hướng đi của Ấn Độ về mặt năng lượng sẽ ảnh hưởng lớn đến sự nóng lên toàn cầu.

Nếu Ấn Độ tiếp tục đi theo con đường phát triển dựa trên phát thải carbon cao mà các nền kinh tế khác đã theo đuổi trong quá khứ, lượng khí nhà kinh mà nước này thải ra trong tương lai sẽ vô cùng lớn. Nếu không có những bước chuyển quan trọng trong cơ cấu sử dụng năng lượng, lượng khí thải tăng lên của Ấn Độ đến năm 2040 sẽ ngang với lượng khí thải mà Liên minh Châu Âu (tổng hợp toàn khối là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới) cắt giảm được trong cùng thời kỳ.

Báo cáo của IEA khuyến nghị Ấn Độ phát triển mạnh năng lượng mặt trời (hiện mới chiếm 4% sản lượng điện của nước này), tiến tới việc cân bằng với điện từ đốt than (hiện chiếm 70% sản lượng). Với thêm 25 triệu xe tải và 300 triệu phương tiện di chuyển được đưa vào sử dụng từ nay đến năm 2040, ngành giao thông của Ấn Độ cần được “điện khí hóa” để thân thiện với môi trường hơn. Sản xuất xi măng và thép, hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, cũng cần phải thay đổi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, báo cáo của IEA cũng chỉ ra rằng chi phí để Ấn Độ cải cách ngành năng lượng triệt để có thể lên tới 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ từ nay đến 2040.