Skip Ribbon Commands
Skip to main content

“Không để nợ thủ tục hành chính thuộc diện cắt giảm, rút gọn"

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đối với tập thể Bộ NN&PTNT về việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính được rút gọn, đổi mới trong năm 2018.


Ngày 14/11, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính và đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ nhằm đánh quá kết quả triển khai và định hướng chỉ đạo trong thời gian tới.

Thực hiện có lộ trình và đảm bảo tiến độ

Bộ NN&PTNT xác định quan điểm xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo trong phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ.

Tính đến tháng 10/ 2018, số lượng hồ sơ điện tử các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia nhiều hơn cả năm 2017 là 17.979 hồ sơ (tăng 8,1%); mặc dù tiếp nhận số lượng hồ sơ tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng việc xử lý, giải quyết cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử vẫn được đảm bảo kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, một số đơn vị như Cục Chăn nuôi, Chi cục Thú y Vùng II, Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài… đạt trên 98% hồ sơ cấp phép điện tử.

Theo số liệu chính thức tại Hội nghị Công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, TP Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 do BCĐ Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức sáng 2/5/2018 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT có sự bứt phá trên bảng xếp hạng, từ vị trí 13 lên số 7 (82.40 điểm) trong tổng số 19 Bộ và cơ quan ngang Bộ.

Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính và đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ là việc khó. Vì vậy, năm 2018 Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định phải có lộ trình thực hiện và trong mỗi thời điểm, thời gian phải chọn ra việc cụ thể để làm.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, ông Ngô Hồng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh văn phòng Cải cách hành chính (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Ngày 30/10/2018, Bộ đã ban hành Thông tư bao gồm 2 danh mục: danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu gắn mã HS là 2.873 dòng hàng; danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan kèm mã HS là 1.800 dòng hàng (tỷ lệ cắt giảm trên 76%). Điều này đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Trong năm 2017, Bộ NN& PTNT đã xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 18 thủ tục hành chính tại 5 đơn vị của Bộ. Theo kế hoạch năm 2018, Bộ NN& PTNT sẽ hoàn thành triển khai 10 thủ tục hành chính mới. Như vậy, với việc triển khai 28 thủ tục hành chính qua Cổng một cửa quốc gia thì có tới 95% các hồ sơ xuất nhập khẩu được xử lý qua cấp phép điện tử.

Không cải cách không thể tồn tại

Ở Việt Nam, yêu cầu cải cách hành chính càng làm vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) trở nên cấp thiết. Vì vậy, đẩy nhanh quá trình xây dựng CPĐT để hướng tới một nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính là yêu cầu bắt buộc, nếu không cải cách sẽ thụt lùi so với các ngành khác. Trong cải cách thủ tục hành chính thì tư tưởng phải thay đổi, tinh thần tích cực, minh bạch, lập các đương dây nóng để giải quyết kịp thời. Cuối năm nay, tổ công tác của Chính phủ sẽ quay lại kiểm tra toàn bộ công tác cải cách của Bộ. Do vậy, các đơn vị trong bộ phải quyết liệt cải cách thủ tục hành chính. 

Quán triệt tinh thần triển khai công việc tới cán bộ Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Không có bất cứ lý do nào bào chữa cho việc chậm trễ việc ra các văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn hành chính cho người dân và doanh nghiệp trong khi tất cả các Luật thuộc phạm vi của ngành nông nghiệp đã được thông qua.

Theo ông Nguyễn Hồng Giang, Bộ NN&PTNT có 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp với 345 điều kiện cụ thể. Qua rà soát, Bộ đã sửa và giảm 131/170 điều kiện; số điều kiện còn lại sửa và giảm trong Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản đã ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2019) và các nghị định tới đây ban hành của 2 luật này tiếp tục được cắt giảm. Theo tính toán, tổng số điều kiện cụ thể sẽ giảm tới 69%.

Thứ hai, giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan xuất nhập khẩu. Đầu năm 2017, Bộ đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở hàng hóa được gắn mã HS thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ là 7.698 dòng hàng quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT.

Theo Chinhphu.vn