Từ ngày 13 đến 17/11, các tỉnh miền Trung hứng chịu mưa lớn, lũ các sông lên nhanh gây ngập lụt trên diện rộng. Mưa lũ đã làm 7 người chết và 2 người mất tích.
Cụ thể, tỉnh Quảng Trị có 3 người chết; Thừa Thiên Huế ghi nhận 3 người chết; Bình Định có 1 người chết. Hai người mất tích ở các tỉnh Quảng Nam và Phú Yên.
Tính đến chiều tối ngày 17/11, tại tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn 1.000 nhà ngập ngoài sân, vườn ở mức khoảng 0,2m. Thời điểm lớn nhất 20.761 nhà ngập, nơi sâu nhất đến 1m (Quảng Trị: 3.064 nhà, Thừa Thiên Huế: 17.453 nhà, Đà Nẵng: 83 nhà, Quảng Ngãi: 140 nhà).
Mưa lũ cũng làm thiệt hại gần 500ha lúa, cây ăn quả, hoa màu và hơn 1.600 con gia súc, gia cầm của các tỉnh từ Quảng Trị tới Phú Yên.
Hiện tại nước lũ đang rút, các tuyến quốc lộ 1A (đoạn qua Thừa Thiên Huế), quốc lộ 27C (đoạn qua địa bàn huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) đã thông tuyến.
Các tỉnh miền Trung đang tập trung nguồn lực, nhân lực khắc phục hậu quả ngập lụt với phương châm nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh đến đó nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, hiện nay, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế đang xuống chậm, lũ hạ lưu sông Kôn (Bình Định) đã đạt đỉnh và đang xuống.
Mực nước lúc 6 giờ ngày 18/11 trên các sông như sau: Sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc 2,76m, dưới báo động (BĐ)2 0,24m; Sông Hương (Thừa Thiên Huế) tại Kim Long 1,53m, dưới BĐ2 0,47m; Sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa 7,16m, trên BĐ2 0,16m.
Dự báo, trong 36 giờ tới, lũ hạ lưu sông Kôn, các sông ở Thừa Thiên Huế tiếp tục xuống; mực nước hạ lưu sông Kôn ở mức BĐ2, các sông ở Thừa Thiên Huế xuống dưới mức BĐ1. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 2.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Trung Bộ đạt trung bình khoảng 85% - 100% dung tích thiết kế, trong đó: Hà Tĩnh 100%, Quảng Trị 98%, Thừa Thiên Huế 94%.
Khu vực Nam Trung Bộ, lượng nước trữ trong hồ chứa hiện tại đạt khoảng từ 65% đến 100% dung tích thiết kế, trong đó các hồ chứa thủy lợi ở tỉnh Quảng Nam đã đạt 100%.
Tại khu vực Tây Nguyên, lượng nước trữ trung bình các hồ thủy lợi đạt khoảng 84% - 98% dung tích thiết kế, trong đó, Đăk Nông 95%, Lâm Đồng 98%.
Đối với hồ chứa thủy điện, hiện khu vực Bắc Trung Bộ có 4 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn; khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có 16 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn; khu vực Tây Nguyên có 21 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hỗ trợ 2.000 thùng mì tôm cho người dân và 340 máy lọc nước cho trường học, trạm xá là địa điểm sơ tán khi thiên tai xảy ra cho 9 huyện, thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước đó, ngày 16/11, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam thực hiện hành động sớm để tăng cường khả năng chống chịu trong mưa lũ cho 731 hộ gia đình tại 07 xã tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Huơng Xuân tại Thị xã Huơng Trà; Quảng Phú, Quảng Thái, Quảng An tại huyện Quảng Điền; Phong Sơn, Phong Hòa, Phong Bình tại huyện Phong Điền), mỗi hộ gia đình 1.800.000 VND để mua lương thực, nhu yếu phẩm.