Tại thời điểm này, hầu hết các sông, rạch trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều bị nhiễm mặn với mức độ khác nhau. Ngoài nguồn nước dự trữ trong lu hồ, bễ… đang cạn kiệt, người dân địa phương phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn từ các trạm xử lý nước mặt tập trung, hay nguồn nước chuyển đến bằng sà lan do các đơn vị kinh doanh nước cung cấp. Đặc biệt, nhiều máy lọc RO xử lý nước ở Bến Tre hiện cũng cung cấp cho người dân lượng nước hạn chế nhưng chưa đảm bảo ngọt. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trong phạm vi khai thác của Trung tâm có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Độ mặn cao nhất đo được trong nguồn nước sau xử lý tại huyện Ba Tri dao động từ 1,0 – 5,5‰; khu vực huyện Bình Đại từ 1,5 – 4,8‰; khu vực huyện Thạnh Phú dao động từ 2,0 – 7,4‰.; khu vực huyện Giồng Trôm dao động từ 2,3 – 7,4‰; Khu vực huyện Mỏ Cày Bắc dao động từ 0,1 – 5,5‰; khu vực huyện Mỏ Cày Nam từ 0,8 – 3,1‰; khu vực huyện Châu Thành dao động từ 0,2 – 2,1‰. Hiện nay, các nhà máy nước trực thuộc Trung tâm vẫn hoạt động cấp nước ổn định, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước qua hệ thống lọc RO cho nhu cầu ăn uống của người dân và đã cấp được trên 844m3.
Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã hoàn tất ký hợp đồng vận chuyển nước bằng sà lan về nhà máy nước Phước Long và Lương Phú để xử lý, cung cấp cho người dân trữ nước phục vụ nhu cầu thiết yếu vào những ngày tới. Trung tâm đang lập hồ sơ mời thầu gói thầu: Mua nước chưa qua xử lý, vận chuyển bằng sà lan cho 5 nhà máy nước (Tân Hào, Long Định, Phước Long, Lương Phú, Bình Khánh Đông) theo Quyết định số 633 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đối với các địa bàn ven biển của tỉnh Bến Tre như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, do các trạm cấp nước đã nhiễm mặn, ngoài việc sử dụng nguồn nước dự trữ còn lại, người dân còn khai thác các mạch nước ngầm; đổi nước từ các dịch vụ chuyển nước ngọt với giá 30.000-50.000 nghìn đồng/khối.
Ảnh: Người dân đến các điểm cấp nước ngọt chở nước về nhà
Ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri cho biết: “Tại xã, nước cũng còn cơ bản, cây nước của Trung tâm nước sinh hoạt nông thôn tỉnh cung cấp bị nhiễm mặn chưa tới 1 phần nghìn. Mấy năm nay bà con có chủ động trong việc trữ nước ban đầu, chỉ có một số nhà thiếu nước phải đổi thêm từ me máy cày chở đến 2 khối, giá khoảng 60.000 đồng. Nếu một tháng nữa mà không có mưa thì căng lắm”.
Ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, tỉnh Bến Tre người dân còn phải tốn chi phí "đổi" nước ngọt từ ghe, sà lan chuyển đến để phục vụ sản xuất như phun tưới cho cây giống, hoa kiểng, cho gia súc uống.
Ông Nguyễn Phước Hùng, nông dân xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam cho hay: "Mỗi ngày tôi chở một chuyến xe nước về tưới kiểng, sinh hoạt. Mỗi chuyến sử dụng được khoảng 3 ngày, một xe nước giá 70.000 đồng, nếu thuê trả thêm khoảng 100.000/xe. Năm nào cũng bị thiếu nước, năm ít, năm nhiều".
Ảnh: Dân Bến Tre chắt chiu từng thùng nước ngọt hiện nay rất quý hiếm
Nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt ở tỉnh Bến Tre rất khan hiếm khi vào mùa khô hạn, mặn xâm nhập sâu như hiện nay. Chính quyền, các ngành chức năng và người dân địa phương đang ứng phó bằng các giải pháp, biện pháp cụ thể để giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.