Đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm đầy sáng tạo dưới dạng các giải pháp kỹ thuật số là cách hiệu quả để bù đắp những tổn thất kinh tế và bảo vệ mạng sống con người
Đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền bắc trong 30 năm qua có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố của toàn miền bắc và Thanh Hóa - khu vực chiếm hơn 41% GDP và 40% dân số của cả nước ta. Theo các chuyên gia, siêu bão Yagi thêm chứng tỏ biến đổi khí hậu đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt. Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi có số liệu quan trắc, chỉ có ba cơn bão mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông gồm Yagi (năm 2024), bão Saola (năm 2023) và bão Rain (năm 2021). Điều đáng lo ngại, siêu bão có thể sẽ xuất hiện càng lúc càng nhiều trên Biển Đông.
Tại nước ta trong tháng 9, khi miền bắc chưa khắc phục xong hậu quả thảm khốc từ cơn bão số 3, miền trung đã hứng chịu bão số 4. Dù cường độ không mạnh, thời gian tác động nhanh, bão số 4 cũng gây lũ lụt, ngập úng ở một số tỉnh miền trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, đỉnh điểm mùa mưa bão năm nay ở miền trung có thể xuất hiện trong tháng 10 và tháng 11, không loại trừ nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ như từng xảy ra trong mùa mưa bão lịch sử năm 2020.
Thời tiết cực đoan đã xảy ra cho thấy các quốc gia, trong đó có Việt Nam dễ bị tổn thương thế nào trước biến đổi khí hậu. Bởi vậy, Việt Nam cần tăng tốc trong ứng phó cũng như cần đóng vai trò tích cực và trách nhiệm hơn trong nỗ lực của toàn cầu. Trong ngắn hạn, giám sát chặt chẽ phát thải khí nhà kính, thực hiện các chương trình giảm phát thải và nhanh chóng triển khai thị trường mua bán tín chỉ carbon - cần phải là ưu tiên của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Trong đó, Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, được phê duyệt từ năm 2023 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần được tăng tốc thực thi. Mặt khác, việc tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng và luyện tập các tình huống ứng phó phù hợp điều kiện vùng, miền, đặc thù của từng địa phương cho cộng đồng và người dân hết sức cấp thiết.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, những thảm họa thiên tai với tần suất và mức độ tàn phá gia tăng. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia. Vì vậy, khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, cũng như ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bộ đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Cụ thể hơn, từ nhiều năm nay, cảnh báo sớm để hành động sớm đã trở thành phương châm hành động của ngành khí tượng thủy văn, không chỉ trong các tình huống thiên tai cụ thể mà xuyên suốt tất cả các ngày trong năm. Điều này có ý nghĩa quan trọng để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu, đồng thời góp phần bảo vệ cuộc sống, sinh kế bền vững cho người dân. Hiệu quả mang lại từ các bản tin dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn là rất lớn.
Đổi mới công nghệ có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế số và kinh tế xanh. Đổi mới công nghệ giúp giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu: Thay thế 1 triệu xe máy truyền thống bằng xe máy điện giúp giảm 1,8 triệu tấn CO2 mỗi năm; áp dụng công nghệ Carbon Capture, Utilization and Storage (CCUS) có thể giảm 20-40% lượng khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than. Đổi mới công nghệ góp phần phát triển các ngành công nghiệp môi trường: Thị trường xử lý nước thải, chất thải và tái chế của Việt Nam được dự báo đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng 12-14%/năm… TS Chử Đức Hoàng (Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ)
Mục tiêu phát triển của ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030 hướng đến đạt trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, ngành sẽ nâng tổng số trạm quan trắc tự động trên toàn mạng lưới đạt 95% đối với các trạm khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao và tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng nước. Nghiên cứu áp dụng công nghệ quan trắc từ xa bằng vệ tinh, camera, viễn thám, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quan trắc phục vụ giám sát, dự báo trên diện rộng.
Nhằm tăng cường hiệu quả thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đang ứng dụng Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực. Đây là công cụ tích hợp để giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu, kết nối dữ liệu đa nguồn trên nền WebGIS. Trên cơ sở đó, hệ thống cảnh báo sẽ hỗ trợ truyền thông tin cảnh báo theo thời gian thực trên cơ sở tự động cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, mặc dù các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư khoa học và công nghệ cho cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, song với loại thiên tai này, thế giới không có nhiều kỳ vọng về tính dự báo. Hiện trạng dự báo với loại hình thiên tai này mới đạt mức từ kém đến thấp và kỳ vọng đến năm 2040, khoa học có thể nâng lên mức kém đến trung bình.
Vì vậy, ông Thục lưu ý cùng với nhiệm vụ tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương là rất quan trọng để có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.
Về vấn đề này, bà Bùi Thị Phượng (Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam) cũng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường đã và đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, sương muối, rét đậm gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và đời sống của người dân.
Thời gian tới, ngoài các thông tin dự báo dưới dạng bản tin thời tiết, khí hậu thuần túy, cơ quan khí tượng thủy văn cần cụ thể hóa, chi tiết hóa thông tin dưới dạng cảnh báo tại địa điểm, vị trí cụ thể, đặc biệt là thông tin dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, mưa lớn dưới dạng dự báo tác động. Cơ quan khí tượng thủy văn cần huy động các nguồn hỗ trợ để đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng chuyển đổi số; cải thiện hệ thống thu thập dữ liệu để tăng cường khả năng dự báo thời tiết và cảnh báo sớm.