Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì cuộc họp.
Khả năng xuất hiện tình huống bão nối tiếp bão vào Biển Đông
Thông tin về diễn biến cơn bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đến 14 giờ chiều 8-11, bão số 7 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700 km về phía đông. Cường độ bão mạnh cấp 14, giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh trên cấp 8 trong 24 giờ tới khoảng 200 km tính từ tâm bão.
Theo ông Khiêm, sáng nay khi bão vừa vào Biển Đông, cấu trúc bão bị vỡ nhưng từ trưa nay hệ thống mây đối lưu quanh tâm bão đã tốt lên.
“Qua quan sát, tính toán, chúng tôi thấy cơn bão này đang có xu hướng mạnh trở lại so với thời điểm bão vừa đi qua bán đảo Luzon. Khả năng từ chiều đến đêm nay, cơn bão có thể tiếp tục mạnh thêm” - ông Khiêm nói.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Tiếp tục phân tích về diễn biến cơn bão, ông Khiêm cho hay trong các phiên dự báo từ ngày 6-11 đến nay, các mô hình, hệ thống dự báo trên thế giới vẫn còn phân tán, chưa thống nhất.
Đơn cử, tổ hợp của 51 phương án tính toán theo mô hình của châu Âu thì chỉ có 1-2 phương án dự báo bão đi qua đảo Hải Nam, còn lại dự báo sau khi đi qua phía bắc quần đảo Hoàng Sa thì bão hướng về phía vùng biển Trung Bộ.
Dự báo của Nhật thì cho rằng hiện nay đang là thời điểm mạnh nhất của bão, sau đó bão suy yếu dần, nhất là khi vào đến vùng biển miền Trung.
Dự báo của Trung Quốc, Mỹ cũng nhận định bão có hướng đi như vậy nhưng cường độ bão tại thời điểm mạnh nhất có thể tăng lên cấp 14-15.
Về dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Giám đốc Mai Văn Khiêm cho hay khi phân tích các yếu tố như tác động của đợt không khí lạnh khô, bề mặt nước biển lạnh nên cường độ bão nhiều khả năng có xu hướng suy yếu.
“Cường độ bão mạnh nhất chỉ ở thời điểm từ nay đến khi vào phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Sau đó nhiều khả năng bão suy yếu” - ông Khiêm nói.
Về hướng di chuyển, do chi phối của dòng dẫn môi trường cao cận nhiệt đới đang khống chế phía trên, tác động không khí lạnh nên cơ quan dự báo khí tượng quốc gia nhận định bão khó có khả năng đi lên phía bắc. Khả năng cao khi vào đến phía bắc quần đảo Hoàng Sa thì bão có xu hướng lệch về phía Tây Nam đi về phía vùng biển Trung Trung Bộ.
Các chuyên gia cũng dự báo cơn bão này có thể suy yếu khi vào đến vùng biển miền Trung. Bão suy yếu gặp tác động của không khí lạnh khô nên khả năng hoàn lưu gây mưa lớn cực đoan là không có.
“Chúng tôi cảnh báo Khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4,0-6,0 m, vùng gần tâm 8-10 m; biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi Quảng Bình - Quảng Ngãi khả năng có gió cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12. Chúng tôi đặc biệt lưu ý tới tác động của sóng ở khu vực này” - ông Khiêm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo, ứng phó với bão số 7 (YINXING)
Đáng chú ý, lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết qua phân tích từ vệ tinh, hiện ngoài cơn này còn có dải hội tụ nhiệt đới với rất nhiều nhiễu động. Do vậy không loại trừ khả năng những nhiễu động phía xa ở khu vực vùng biển Philippines có thể hình thành áp thấp nhiệt đới.
“Những nhiễu động này xuất hiện liên tục trong 10 ngày tới. Ngoài cơn bão số 7, có thể chúng ta phải lo ứng phó với những cơn tiếp theo ngay sau đó” - ông Khiêm lưu ý.
Đại tá Phạm Hải Châu - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn phát biểu tại cuộc họp.
Các địa phương tham dự cuộc họp tại các điểm cầu.
Thiên tai liên tiếp, người dân mệt mỏi nhưng tuyệt đối không chủ quan
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay theo dự báo thì hiện nay đang là thời điểm mạnh nhất của bão, sau đó bão yếu dần đi. Tuy nhiên, ông Hiệp nhấn mạnh chúng ta không được chủ quan.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.
“Dự báo hiện nay còn khác nhau về đường đi, cường độ nhưng cơ bản các dự báo đều thống nhất bão sẽ đổ bộ vào Trung Trung Bộ. Đây là khu vực mà 10 ngày qua liên tiếp chịu ảnh hưởng của ba đợt thiên tai, mưa lớn, người dân rất mệt mỏi, chưa kịp khắc phục” - ông Hiệp nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra các vấn đề để không thể chủ quan với cơn bão này. Trước hết, về vấn đề hồ chứa, hiện nhiều hồ ở khu vực này đã đầy, nhiều hồ đang xả tràn. Thứ hai, khu vực miền núi ở vùng này 10 ngày qua có mưa lớn đất đã ngậm no nước nên rất dễ xảy ra sạt lở.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương tập trung thực hiện Công điện 114 của Thủ tướng ban hành ngày 7-11. Hiện bão chưa vào, do vậy đề nghị các địa phương tranh thủ khắc phục nhanh hậu quả của cơn bão số 6 và mưa lớn, ngập lụt thời gian qua” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo công tác ứng phó, bảo đảm an toàn trên biển.