Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2023, kế hoạch nhiệm vụ năm 2024.

Sáng nay, 12/04 tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ngành Công Thương năm 2023, kế hoạch nhiệm vụ năm 2024.


Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân – Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, PCTT&TKCN Bộ Công Thương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường; ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Phó Trưởng Ban Phòng thủ dân sự PCTT&TKCN Bộ Công Thương đồng chủ trì.

Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công Thương năm 2023, kế hoạch nhiệm vụ năm 2024.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, năm 2023, tình hình thời tiết, thiên tai có diễn biến phức tạp, bất thường và khó lường. Cả nước đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai, khiến 169 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất; sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương; mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Hội nghị 

 

"Đối với ngành Công Thương, công tác chuẩn bị ứng phó với mưa bão đã được các cấp lãnh đạo và các đơn vị chủ động ngay từ đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai được triển khai kịp thời, sát sao nên toàn ngành Công Thương đã ứng phó hiệu quả với thiên tai trong năm 2023. Theo báo cáo của các tập đoàn và doanh nghiệp, toàn ngành Công Thương đã không để thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản và công trình của các doanh nghiệp trong ngành ở mức thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh được giữ ổn định", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương và sự triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống thiên tai của các đơn vị trong toàn ngành Công Thương. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19 tháng 4 năm 2023 về tăng cường công tác PCTT&TKCN, trong đó chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, các Tập đoàn, Tổng công ty, các chủ hồ thủy điện, cơ sở khai thác khoáng sản và các doanh nghiệp trong ngành Công Thương tăng cường triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống thiên tai.

Đối với các đợt thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương đều ban hành các công điện để chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác chuẩn bị phòng và ứng phó thiêt tai, đồng thời tổ chức kiểm tra tại một số điểm xung yếu. Các Sở Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty cũng đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành thuộc phạm vị quản lý nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được cấp trên giao. Qua đó, công tác phòng chống thiên tai được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho hay, công tác PCTT&TKCN trong ngành Công Thương trong năm qua còn tồn tại một số hạn chế như: Sự phối hợp giữa chủ hồ chưa thủy điện với một số địa phương trong công tác vận hành xả lũ còn chưa chặt chẽ; công tác vận hành xả lũ của một số công trình thuỷ điện vẫn còn tác động, ảnh hưởng đến nhân dân vùng hạ du; một số đơn vị còn chủ quan, chưa thực sự chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; công tác tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập về PCTT&TKCN chưa được thực hiện đầy đủ; công tác truyền thông và phối hợp giữa các địa phương trong công tác ứng phó thiên tai còn chưa thực sự hiệu quả…

"Chính vì vậy, hôm nay Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết này nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được, đồng thời phân tích những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai của ngành. Từ đó, các đơn vị đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để triển khai tốt hơn trong năm 2024", Thứ trưởng thông tin.

Để đạt được những mục tiêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các đại biểu tham luận, góp ý tập trung vào các nội dung: Đánh giá thực chất về những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm của các đơn vị làm tốt, cũng như phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trong công tác chuẩn bị và ứng phó thiên tai, từ đó tìm ra giải pháp hiệu quả để chỉ đạo các đơn vị triển khai trong năm 2024. Đánh giá các khó khăn, vướng mắc, tồn tại chủ yếu của đơn vị trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, vận hành an toàn công trình thủy điện và các công trình công nghiệp khác. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhằm triển khai công tác phòng chống thiên tai hiệu quả.

Được biết, Hội nghị lần này sẽ có phần tham luận của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia về nhận định diễn biến khí tượng thủy văn trên các lưu vực sông năm 2024; Báo cáo công tác PCTT&TKCN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tham luận các phương án chủ động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại công ty, doanh nghiệp; Tham luận những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác vận hành theo quy trình liên hồ, đơn hồ; công tác cảnh báo trước trong quá trình vận hành xả lũ và phát điện công trình thủy điện các chủ hồ thủy điện…

Tổng hợp