Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai – nhấn mạnh rằng bão Yagi năm 2024 được ghi nhận là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam. Với sức gió mạnh cấp 14–15 và hoàn lưu kéo dài, bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản. Theo thống kê, hơn 345 người đã chết và mất tích, hơn 50.000 hộ dân mất nhà cửa, cùng với những tổn thất lớn đối với cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của hàng trăm ngàn người dân. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính tương đương 0,7% GDP quốc gia – một con số phản ánh rõ mức độ tàn phá và hậu quả nặng nề của thiên tai này.

Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh 9 tháng sau bão – thời điểm then chốt để tổng kết, nhìn nhận một cách toàn diện những kết quả đã đạt được trong công tác phục hồi, cũng như những điểm còn hạn chế cần cải thiện. Đây cũng là dịp để các bên liên quan chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng kế hoạch cho mùa mưa bão năm 2025, với tinh thần chủ động, sẵn sàng và phối hợp hiệu quả hơn.

Bà Pauline Tamesis – Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Trong bối cảnh mùa mưa bão 2025 đang diễn ra, Hội thảo đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm rà soát toàn diện công tác phục hồi, nhận diện những tồn tại trong ứng phó và đề ra các giải pháp thực tiễn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nội dung trọng tâm của Hội thảo gồm đánh giá hiệu quả của các hoạt động khắc phục hậu quả sau thiên tai, trong đó có triển khai hỗ trợ tiền mặt, phục hồi sinh kế và tái thiết cơ sở hạ tầng; thảo luận về việc rà soát và hoàn thiện Nghị định số 50 về tiếp nhận và sử dụng viện trợ quốc tế trong bối cảnh thiên tai nhằm đảm bảo việc cứu trợ khẩn cấp được triển khai kịp thời, minh bạch và đúng đối tượng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình hỗ trợ tiền mặt mà các tổ chức quốc tế đã triển khai trong thời gian qua.

Đại diện các nhóm lĩnh vực như nhà ở, nông nghiệp, y tế, nước sạch – vệ sinh cũng đã chia sẻ kết quả khắc phục thiệt hại tại các địa phương và đề xuất những điểm cần lưu ý cho mùa thiên tai sắp tới. Đặc biệt, phần thảo luận về hoạt động hỗ trợ tiền mặt đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các tỉnh, tổ chức quốc tế và các nhóm kỹ thuật chuyên môn, nhằm hoàn thiện quy trình và mở rộng triển khai trên thực tế.

Phát biểu bế mạc, Ban tổ chức đánh giá cao sự tham gia tích cực và tinh thần hợp tác của các đại biểu, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức phát triển và chính quyền địa phương trong công tác phục hồi sau bão. Những nội dung trao đổi tại Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch của Đối tác cho mùa thiên tai năm 2025, với mục tiêu không chỉ giảm nhẹ thiệt hại mà còn nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của người dân và cộng đồng trước các rủi ro ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu.