Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khối tư nhân trong tăng cường hành động sớm.

Sáng ngày 25/1/2024 tại Hà Nội, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Văn phòng đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai) tổ chức Hội thảo về vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khối tư nhân trong tăng cường hành động sớm.


Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai Ông Nguyễn Hoàng Hiệp; Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đồng Chủ tịch Đối tác; Ông Cao Đức Phát, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai; Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Ông Phạm Đức Luận. Cùng tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo và cán bộ một số đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI; Quỹ Cộng đồng phòng chống thiên tai; cùng 22 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ có đóng góp trong công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đồng Chủ tịch Đối tác chia sẻ: “Trong bối cảnh thiên tai ngày một tăng về cường độ và tần suất, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu, viết lên câu chuyện kiên cường ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang đòi hỏi sự quan tâm thích đáng cũng như hợp tác và đối với chúng ta, điều quan trọng là các hành động và chiến lược chúng ta theo đuổi cần phù hợp với bối cảnh trong tương lai”.

Ảnh: Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam phát biểu khai mạc tại Hội thảo vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khối tư nhân trong tăng cường hành động sớm 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh việc triển khai hành động sớm ở Việt Nam cần tập trung vào 3 trụ cột là: (i) cải thiện thông tin; (ii) lập kế hoạch và thực hiện hành động sớm (iii) bố trí nguồn tài chính sẵn, đặc biệt là thông tin và dự báo tốt là điểm mấu chốt để kích hoạt cảnh bảo sớm, và tầm quan trọng của việc tham gia của các quỹ như Quỹ cộng đồng phòng chống thiên tai, các doanh nghiệp và đối tác trong triển khai hành động sớm.

Ảnh: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội thảo vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khối tư nhân trong tăng cường hành động sớm 

Tại hội thảo, Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai giới thiệu về Tuyên bố Hạ Long về Tăng cường hành động sớm trong Quản lý thiên tai tại Hội thảo vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khối tư nhân trong tăng cường hành động sớm sáng 25/01/2024 tại Hà Nội và các nội dung và phương hướng triển khai trong thời gian tới. Ông Phạm Đức Luận cho biết: Năm 2023, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu - ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”. Chủ đề này nhằm nhấn mạnh định hướng mới trong quản lý thiên tai: chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chủ động chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Tại phiên thảo luận, đại diện các tổ chức chia sẻ các bài học kinh nghiệm tốt, các khó khăn thách thức khi triển khai các hoạt động hành động sớm tại Việt Nam. 

Ảnh: Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai và Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc tại Việt Nam (FAO) chủ trì phiên đối thoại về vai trò và đóng góp của các tổ chức phi chính phủ và khối tư nhân trong triển khai Tuyên bố Hạ Long

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai cho biết: Trong 15 năm qua được sự ủng hộ, đồng hành nhiệt tình của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự giúp đỡ phối hợp của chính quyền và đoàn thể xã hội các cấp,… Quỹ chúng tôi đã kết nối sức mạnh của cộng đồng, thực hiện nhiều dự án giúp người dân nâng cao năng lực chủ động phòng tránh thiên tai, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, phục vụ an sinh xã hội và tiến hành một số hoạt động nhân đạo từ thiện khác. Quỹ đã huy động được hơn 610 tỷ đồng (khoảng gần 30 triệu USD) để tài trợ xây dựng hơn 2000 công trình và nhiều hoạt động từ thiện hỗ trợ các cộng đồng và người  dân phòng chống thiên tai.

Ảnh: Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai giới thiệu về Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai và đóng góp của quỹ trong việc triển khai các hoạt động hành động sớm tại Việt Nam tại Hội thảo vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khối tư nhân trong tăng cường hành động sớm 

Tại Hội thảo Bà Trần Hoàng Yến, chuyên gia về hành động sớm của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho biết, trên thế giới hiện có 70 quốc gia thực hiện hành động sớm trước thiên tai, ở khu vực Châu Á có 15 quốc gia trong đó có Việt Nam. 

Ảnh: Bà Trần Hoàng Yến, chuyên gia về hành động sớm của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) chia sẻ bài học kinh nghiệm trong vận hành dự án về Hành động sớm ở Việt Nam: Ưu điểm và khó khăn tại Hội thảo

Ảnh: Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ảnh; Quang cảnh Hội thảo

 #Thông tin về Tuyên bố Hạ Long về Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai

Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là sáng kiến của Việt Nam, và đã được 10 nước thành viên ASEAN cùng đồng thuận thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 diễn ra tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, . Tuyên bố Hạ Long nhằm nhấn mạnh định hướng mới trong quản lý thiên tai, chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chủ động chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, thông qua “hành động sớm”. Trong đó có 3 trụ cột chính: (i) Cải thiện thông tin về rủi ro thiên tai, hệ thống dự báo và cảnh báo sớm; (ii) Tăng cường lập kế hoạch, vận hành và thực hiện các hành động sớm trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai; (iii) Thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn nhằm thực hiện thành công các hành động sớm trong quản lý thiên tai.

Cục Quản lý đê điều và PCTT