Phát biểu khai mạc tại tập huấn, Ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng Phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và truyền thông (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Ông Nguyễn Thành Phương - Trưởng Phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và truyền thông phát biểu khai mạc
Ông cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ các loại hình thiên tai cực đoan như bão, lũ quét và sạt lở đất với dẫn chứng nhiều con số đáng lo ngại: thiên tai ở Việt Nam trong 20 năm qua đã làm trên 300 người chết và mất tích mỗi năm, gây thiệt hại kinh tế từ 1 đến 1,5% GDP. Năm 2024, thiên tai diễn ra dồn dập, mang tính cực đoan, đặc biệt là bão Yagi – cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại 26 tỉnh thành miền núi phía Bắc, đặc biệt, Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau bão Yagi, với nhiều trường học bị sập đổ, hư hỏng.
Trước thực trạng đó, công tác lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai (PCTT) và biến đổi khí hậu (BĐKH) vào các môn học và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đã được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian qua. Đặc biệt, Chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) giai đoạn 2024–2029. 2029 đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động tập huấn, hội thảo vùng, cuộc thi và ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh trên cả nước.
“Để hướng tới một xã hội an toàn trước thiên tai, cần bắt đầu từ việc giáo dục thế hệ trẻ, giúp các em hiểu biết, có kỹ năng ứng phó kịp thời với rủi ro, Việc truyền thông và giáo dục phòng, chống thiên tai thông qua các hoạt động thực tiễn không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực, mà còn góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho một cộng đồng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, đúng như thông điệp của Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2025: ‘Cộng đồng an toàn, bền vững, thích ứng thiên tai’” ông Phương khẳng định.
Trong khuôn khổ tập huấn, các chuyên gia từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giới thiệu và hướng dẫn kế hoạch minh họa về việc tích hợp nội dung PCTT và BĐKH vào hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp THCS. Các thầy cô giáo không chỉ được tiếp cận với tài liệu và phương pháp sư phạm mới mà còn được trao đổi trực tiếp với chuyên gia để tìm ra cách truyền tải kiến thức sinh động, gần gũi và dễ tiếp nhận đối với học sinh.

PGS.TS.Tưởng Duy Hải - Trưởng Bộ môn Vật lý - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn học viên về lồng ghép nội dung PCTT vào hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cấp THCS

TS.Trần Văn Kiên - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi với học viên về cách thức lồng ghép nội dung PCTT vào một số hoạt động trải nghiệm.
Buổi tập huấn tại Lào Cai là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2025. Đây là bước đi thiết thực và ý nghĩa trong hành trình bảo vệ thế hệ trẻ trước những thách thức ngày càng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Một số hình ảnh lớp tập huấn:

Ông Quảng Văn Việt - Phó trưởng phòng, Phòng Công trình thủy lợi và PCTT (Sở NN&MT tỉnh Lào Cai) trình bày về tình hình thiên tai tại Lào Cai.

Các giáo viên trao đổi, thảo luận xây dựng cách thức lồng ghép nội dung PCTT vào môn học

Ảnh tập thể đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lớp tập huấn