Bối cảnh và tình trạng khai thác cát sông
Hoạt động nạo vét cát và sỏi từ đáy biển đã được thực hiện từ lâu ở Anh (cũng như ở các nước Châu Âu khác giáp Biển Bắc hay Bạch Hải) để phục vụ nhu cầu vật liệu được sử dụng làm cốt liệu xây dựng, bồi đắp bãi biển và cải tạo đất. Cốt liệu từ các nguồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì nguồn cung, đặc biệt là cho các thị trường ở Luân Đôn và khu vực Đông Nam của Anh, những nơi thiếu các nguồn tài nguyên địa phương trên đất liền.
Hoạt động khai thác cốt liệu trên biển được thực hiện bằng các tàu cuốc. Tàu cuốc phễu hút sử dụng máy bơm công suất lớn để hút nước biển và trầm tích từ đáy biển. Hỗn hợp nước và trầm tích sau đó được bơm vào khoang chứa của tàu cuốc. Khoang này giữ lượng trầm tích cần thiết, hoàn lưu nước và trầm tích lơ lửng (dạng huyền phù) trở lại biển. Trầm tích được vận chuyển đến cầu cảng tại cảng, từ đó, được bốc dỡ và xử lý.
Hoạt động nạo vét cốt liệu trên biển – gồm cả lập kế hoạch, đánh giá môi trường, cấp phép, giám sát - phát triển đáng kể những năm gần đây. Cùng với thay đổi chế độ cấp phép theo luật định, và tiến bộ trong hiểu biết khoa học về tác động của hoạt động nạo vét cốt liệu, ngành cốt liệu hàng hải cũng thực hiện các thực hành tốt tự nguyện để giảm thiểu và quản lý các tác động do hoạt động nạo vét gây ra.
Đối với hoạt động này, Hướng dẫn Thực hành Tốt, Khai thác Bằng cách Nạo vét Cốt liệu từ Đáy biển của Anh, 2017 được xây dựng bởi Hiệp hội Các nhà Sản xuất Cốt liệu Từ biển của Anh (BMAPA) và công ty The Crown Estate. Tài liệu bao gồm các quy hoạch, cấp phép, đánh giá môi trường, giám sát, phương pháp quản lý và giảm thiểu được sử dụng để bảo vệ môi trường và các lợi ích khác dưới đáy biển và đảm bảo tính bền vững của ngành.
Xây dựng khung quản trị
Quy định và thủ tục cấp phép
Giấy phép hàng hải được cấp theo Quy định về Công trình Hàng hải (Đánh giá Tác động Môi trường) 2007 (được sửa đổi năm 2011), dựa trên Chỉ thị Đánh giá Tác động Môi trường của EU. Ngoài ra, bất kỳ giấy phép hàng hải nào được cấp sẽ phải xem xét các yêu cầu của Quy định Bảo tồn (Môi trường sống Tự nhiên) 1994 và Quy định Bảo tồn Môi trường sống và Loài 2010 và Quy định Bảo tồn Biển Ngoài khơi (Môi trường sống Tự nhiên) 2007.
Quy định liên quan đến thực hành khai thác
Phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo khu vực, địa điểm khai thác cụ thể, ven biển và lũy tích. Các đánh giá này bao gồm:
Các tác động vật lý tiềm ẩn, ví dụ gồm:
- Thay đổi điều kiện sóng, độ cao, tần số, v.v.
- Giảm tác dụng che chắn của các bờ cát.
- Gián tiếp loại bỏ vật liệu từ các bãi biển.
- Thay đổi dòng chảy thủy triều.
- Thay đổi đường dẫn bồi tụ trầm tích.
Các tác động sinh học tiềm ẩn bao gồm:
- Môi trường sống và sinh vật trú ngụ dưới đáy biển.
- Cá và động vật thủy sinh có vỏ.
- Các loài chim biển và chim ven biển.
- Động vật biển có vú.
Tác động kinh tế và xã hội tiềm ẩn bao gồm:
- Hiện diện của tàu cuốc.
- Ảnh hưởng đến các hệ thống lắp đặt và di sản dưới đáy biển.
- Di dời khỏi các khu vực nạo vét được cấp phép.
- Tạo các mảng trầm tích đục.
Trần Quang Đại