Bối cảnh và tình trạng khai thác cát sông
Bối cảnh và tình trạng khai thác cát sông ở Châu Âu
Liên minh Châu Âu (EU) có một số tiêu chuẩn môi trường cao nhất thế giới, được xây dựng và phát triển trong nhiều thập kỷ. Chính sách môi trường giúp nền kinh tế EU trở nên thân thiện hơn với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của EU và bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của nhân dân sống tại EU.
Chính sách môi trường của EU dựa trên các Điều 11 và 191-193 của Hiệp ước về Chức năng của Liên minh Châu Âu. Theo Điều 191, chống biến đổi khí hậu là một mục tiêu rõ ràng của chính sách môi trường của EU. Phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm của EU, EU cam kết bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường ở mức độ cao (Điều 3 của Hiệp ước về Liên minh Châu Âu).
Ở EU, việc khai thác từ sông bị cấm và được kiểm soát hiệu quả theo Chỉ thị Khung về Nước của EU, cụ thể hơn là Chỉ thị 2000/60/EC của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng Châu Âu thiết lập một khuôn khổ hành động của Cộng đồng Châu Âu (EC) trong lĩnh vực chính sách đối với nước.
Theo chỉ thị này, với mỗi lưu vực sông, phải thiết lập "kế hoạch quản lý lưu vực sông". Các kế hoạch quản lý lưu vực sông được xây dựng nhằm bảo vệ lợi ích nhân dân, các tổ chức môi trường, thiên nhiên, các lĩnh vực sử dụng nước trong nền kinh tế; tóm lại là các thực thể có nhu cầu và sinh kế dựa vào nguồn nước từ sông hồ, nước ngầm, cũng như nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn. Các sáng kiến được thực hiện bởi các quốc gia thành viên có liên quan đến lưu vực các sông Maas, Schelde hoặc Rhine là ví dụ tích cực về cách tiếp cận dựa trên sự hợp tác và thiết lập mục tiêu chung xuyên biên giới các quốc gia thành viên, hoặc thậm chí vượt qua ngoài lãnh thổ EU trong trường hợp Sông Rhine.
Các Chỉ thị khác liên quan đến bất kỳ hoạt động khai thác từ sông được đề xuất là:
- Chỉ thị 2007/60/EC của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 23 tháng 10 năm 2007 về đánh giá và quản lý rủi ro lũ lụt.
- Chỉ thị 2006/118/EC của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 12 tháng 12 năm 2006 về việc bảo vệ nước ngầm khỏi ô nhiễm và suy thoái.
- Chỉ thị (EU) 2020/2184 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 16 tháng 12 năm 2020 về chất lượng nước sinh hoạt.
Hầu hết sông ở EU được quan niệm rất nhạy với đa dạng sinh học, nên bất kỳ hoạt động khai thác nào trên sông đều được yêu cầu có đánh giá tác động môi trường (EIA) theo các điều khoản của Chỉ thị về Môi trường Sống và Chim. Được thông qua năm 1992, Chỉ thị 92/43/EEC ngày 21 tháng 5 năm 1992 của Hội đồng Châu Âu (EC) về bảo tồn các môi trường sống tự nhiên và các loài động, thực vật hoang dã nhằm thúc đẩy duy trì đa dạng sinh học, có tính đến các yêu cầu kinh tế, xã hội, văn hóa và khu vực. Chỉ thị này cùng với Chỉ thị về Chim đã tạo thành nền tảng của chính sách bảo tồn thiên nhiên của EU và thiết lập Mạng lưới Sinh thái Natura 2000 rộng khắp EU, bao gồm các khu bảo tồn được bảo vệ trước các mối đe dọa tiềm ẩn.
Một ngoại lệ đáng chú ý đối với thực hành tốt là khai thác trầm tích được đề xuất từ Sông Drava gần Osijek ở Croatia, dường như không được đánh giá thích đáng theo Chỉ thị về Môi trường Sống và Chim và Chỉ thị khung về Nước. Hoạt động khai thác trầm tích hiện là đối tượng của hành động pháp lý từ Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng. Dự án Grensmaas dưới đây ở Hà Lan được xem như một ví dụ tích cực.
Dự án Grensmaas - kết hợp khai thác, ngăn lũ lụt và bảo tồn thiên nhiên
Hà Lan không xa lạ gì với hoạt động khai thác cốt liệu trên sông. Với 26% diện tích đất nước nằm dưới mực nước biển, cát và sỏi là nguồn cốt liệu quan trọng. Grensmaas là dự án đặc biệt về quy mô, là dự án sông lớn nhất đang trong quá trình thực hiện ở Hà Lan. Công trình này kéo dài trên tuyến đường có chiều dài 43 km từ Maastricht đến Echt-Susteren. Dự án do Liên doanh thực hiện.
Hoạt động từ năm 2008 đến năm 2017, Liên doanh Grensmaas đã đạt được mục tiêu xã hội quan trọng nhất: bảo vệ cho hàng chục nghìn gia đình sống dọc Sông Maas trước nguy cơ lũ lụt. Để đạt được mục tiêu này, liên doanh đã mở rộng lòng sông Maas thêm khoảng 300 ha, hạ thấp độ cao bờ sông, gia cố và nâng đoạn đê dài 12 km.
Với dự án Grensmaas, South Limburg cũng sẽ có một khu bảo tồn thiên nhiên mới ven sông có diện tích khoảng 1000 ha, cùng với các khu bảo tồn thiên nhiên trên bờ Flemish Maas tạo thành Công viên Sông Maasvallei. Kinh phí để phòng chống lũ lụt và xây dựng công viên thiên nhiên mới được lấy từ khai thác và bán 54 triệu tấn cát và sỏi. Tổng đầu tư dự án ước tính 700 triệu euro.
Dự án Grensmaas
Vị trí Trierveld của dự án Grensmaas nhìn từ trên cao
Việc thực hiện dự án Grensmaas là duy nhất theo nhiều cách. Đây là quan hệ đối tác công tư lớn nhất cho đến nay ở Hà Lan. Các đối tác gồm tỉnh Limburg, Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường và Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới. Thay mặt các cơ quan này, Tổng cục quản lý công trình công cộng và nước đảm bảo rằng liên doanh tuân thủ các thỏa thuận hợp đồng. Các công ty sỏi, nhà thầu và Natuurmonumenten (Công viên Tự nhiên) cùng nhau hợp tác chặt chẽ trong Liên minh.
Phạm Thị Thùy Linh