Skip Ribbon Commands
Skip to main content

THỰC TRẠNG KHAI THÁC CÁT SÔNG Ở MYANMAR


Bối cảnh và tình trạng khai thác cát sông

Sông Ayeyarwady (Irrawaddy), dài 2,170km, là một trong những dòng sông chảy tự do dài nhất Đông Nam Á. Lưu vực của sông, chiếm 61% tổng diện tích của Myanmar, với năm thành phố lớn nhất đất nước và 2/3 dân số của quốc gia 54 triệu dân này. Đây cũng là một trong những khu vực đa dạng sinh học bậc nhất thế giới, với hơn 1400 loài động vật có vú, chim và bò sát, trong đó có nhiều loài đang bị đe dọa trên toàn cầu.

Ayeyarwady bắt đầu từ Trung Quốc ở độ cao 5000m so với mực nước biển, tiếp tục chảy qua Ấn Độ, với 91% chiều dài sông nằm trên lãnh thổ Myanmar. Từ thượng nguồn, sông chảy dọc theo các nhánh sông dốc, đồng thời giải phóng lượng trầm tích lớn. Phá rừng quy mô lớn và hoạt động khai thác ở thượng nguồn tạo ra lượng trầm tích bổ sung, tích tụ khi lòng sông trở nên phẳng dần ở phía hạ nguồn, phía nam Bang Kachin. Giảm độ sâu làm lòng sông mở rộng, gây ứ đọng quá lớn lượng trầm tích ở phần trung lưu của sông, làm trầm trọng thêm lũ lụt; xói lở bờ sông, đặc biệt ở các vùng Magway, Bago, và Ayeyarwady. Hoạt động giao thông trên các cung đường thủy nội địa này giờ đây chỉ có thể xảy ra vào mùa mưa.

Bản đồ sông Ayeyarwady

“Đánh giá Tình trạng Lưu vực Sông Ayeyarwady, Năm 2017: Báo cáo Tổng hợp” kết luận rằng hoạt động khai thác khoáng sản không được kiểm soát, khai thác gỗ trái phép, quản lý kém đồn điền và ngành đánh bắt cá đã tạo ra các vấn đề xã hội và môi trường dài hạn. Người ta nhận thấy hoạt động khai thác cát và sỏi ảnh hưởng đến địa mạo và các hệ sinh thái trên sông. Gia tăng các vấn đề về quản lý tài nguyên thiên nhiên một phần có thể do hệ thống quản lý đất và nước kém hiệu quả.

Người ta lo ngại hoạt động khai thác cát hiện nay có thể làm khan hiếm nguồn trầm tích quý giá của vùng châu thổ và gây nguy hiểm cho cả hệ sinh thái của sông và 34 triệu người sống ở lưu vực. Giảm trầm tích - nguồn thức ăn cho cá và phân bón cho cây trồng – cũng làm giảm nguồn dinh dưỡng cần thiết cho vùng châu thổ để duy trì nguồn cung lương thực. Giảm trầm tích còn làm trầm trọng thêm tình trạng che phủ rừng ngập mặn, gây áp lực cho vùng đồng bằng, có thể khiến nó dễ bị tổn thương hơn trước các cơn bão nhiệt đới và mực nước biển dâng.

Nghiên cứu của WWF năm 2018 “Sông Ayeyarwady và Kinh tế Myanmar” không chỉ coi lưu vực Ayeyarwady là động lực kinh tế quan trọng của đất nước mà còn nhận thấy dòng sông hỗ trợ các ngành nông nghiệp, đánh bắt cá và du lịch, cũng như một loạt các ngành công nghiệp nhỏ bao gồm ngành dầu khí đang còn trong giai đoạn phôi thai. Cùng với đó, WWF quan ngại về loạt hoạt động biệt lập đang diễn ra ngày càng mạnh như xây dựng thủy điện, mở rộng công nghiệp, đánh bắt thủy sản và tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Các hoạt động rời rạc, chỉ tính đến lợi ích trước mặt, cục bộ của riêng ngành mình mà thiếu phối hợp, tính toán tổng thể, thiếu tri thức và tầm nhìn dài hạn, có thể khiến các tình trạng đáng báo động nêu trên trở nên trầm trọng hơn trong tương lai không xa. Trên cơ sở nhận định một số ngành đã góp phần làm suy thoái hàng hóa và dịch vụ của hệ sinh thái mà dòng sông mang lại, WWF ủng hộ một giải pháp tổng thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xã hội ở Myanmar mà vẫn có thể hạn chế tối đa mức ảnh hưởng tiêu cực đến tính toàn vẹn của các dòng sông. 

Trong “Báo cáo Đánh giá Cơ bản Ban đầu - Báo cáo Địa mạo và Trầm tích” năm 2018 của IFC, một đánh giá môi trường chiến lược về lĩnh vực thủy điện ở Myanmar, cũng nhắc lại quan ngại về tác động của các công trình thủy điện.

Hoạt động khai thác cát trái phép trên Sông Ayeyarwady

Bờ sông không ổn định có thể do tác động của hoạt động khai thác trái phép

Thiết lập trữ lượng có thể khai thác một cách bền vững

Trầm tích được xếp loại từ các hạt nhỏ lắng xuống tạo thành đất sét, đến bùn, cát, sỏi và đá lớn. Trầm tích thô ngày càng khan hiếm hơn và có vai trò rất lớn đối với ổn định của dòng sông; trầm tích thô cũng được ngành xây dựng ưu chuộng nhất. Dường như không có đánh giá chính xác về lượng trầm tích bồi lắng hằng năm. WWF đã ước tính lượng trầm tích bồi lắng hằng năm khoảng 20 triệu tấn, chiếm khoảng 10% tổng lượng trầm tích chảy qua sông Ayeyarwady được khai thác mỗi năm. Đương nhiên ước tính này có thể thấp hơn so với thực tế. Mùa mưa hằng năm (tháng 7 - 9) là mùa trầm tích bồi lắng. Chúng được khai thác để cung cấp cho ngành xây dựng hoạt động rầm rộ vào mùa khô kế tiếp ngay sau đó.

Kể từ năm 2010, ngành xây dựng bùng nổ ở Myanmar khiến hoạt động khai thác cát trên Sông Ayeyarwady tăng mạnh. Trong khi không có dữ liệu chính xác về tổng cầu ở Myanmar, GAIN tạm tính nhu cầu của quốc gia này dao động trong khoảng 100-120 triệu tấn/năm. Mặt khác, có khả năng cát và sỏi khai thác trên sông chiếm ưu thế hơn dù không có dữ liệu về phân chia giữa đá dăm từ khai thác mỏ đá cứng và cát và sỏi khai thác trên sông.

Ủy ban Tài nguyên Nước Quốc gia (NWRC) năm 2017 đã xác định các chênh lệch đáng kể trong dữ liệu trầm tích có sẵn. Ủy ban nhận thấy tốc độ khai thác cát và sỏi hiện nay đạt “gần hoặc vượt quá giới hạn bền vững” làm gia tăng xói mòn gần cửa các nhánh sông. Báo cáo của NWRC kêu gọi thiết lập một hệ thống giám sát trầm tích có thể thu thập thông tin chính xác và tiêu biểu. Báo cáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi các đập thủy điện quy mô lớn được xây dựng trên sông. Các quan điểm tương tự cũng được đưa vào bài báo “Tìm hiểu Hoạt động Khai thác Cát ở Yangon, Myanmar: Hiện trạng, Quy định và Tác động” năm 2018 của Bethia Kadoe.

Nguyễn Thị Quỳnh Giao