Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mổ xẻ vấn đề đầu tư công trình thủy lợi giai đoạn trung hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lãnh đạo Bộ NN &PTNT mới đây, đặt ra câu hỏi khá thú vị trong giai đoạn trung hạn, lĩnh vực thủy lợi ở ĐBSCL nên đầu tư vào cái gì để phát huy hiệu quả cao nhất, phải nói rất khó có câu trả lời chính xác.


Nếu viết bài bản về vấn đề nghiên cứu “Đầu tư cho công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long”  (ĐBSCL) thường phải theo logic cách tiếp cận khoa học 6 điểm:

  1. Nguyên tắc đầu tư và thứ tự ưu tiên và hành động
  2. Phát triển và hành động
  3. Nghị quyết 120 và chính sách hành động
  4. Nông nghiệp đi quá sức chịu đựng của ĐBSCL
  5. Nhập đề cho thay đổi
  6. Các chính sách ưu tiên

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, dành riêng cho Tạp chí khoa học nông nghiệp Việt Nam, tôi chỉ tập trung vào các vấn đề như sau:

Lãnh đạo Bộ NN &PTNT mới đây, đặt ra câu hỏi khá thú vị trong giai đoạn trung hạn, lĩnh vực thủy lợi ở ĐBSCL nên đầu tư vào cái gì để phát huy hiệu quả cao nhất, phải nói rất khó có câu trả lời chính xác. Giống như liên tưởng có người hỏi chúng ta sắp tới nhà tôi nên mua xe gì cho hiệu quả”? Rõ ràng là chúng ta không thể nào nói họ nên mua xe tải, xe pickup, hay xe ô tô con loại gì được. Với câu hỏi dạng What (làm cái gì) thì chắc chắn chúng ta phải hỏi lại một loạt câu hỏi khác để làm nền như là vì sao? như thế nào? khi nào?

Tương tự như thế, thì câu hỏi cho thủy lợi cũng phải hỏi lại là làm thủy lợi vì mục đích gì? Tại sao phải làm? Hay nói cách khác, không thể trả lời thỏa đáng về câu hỏi trung hạn chúng ta phải làm gì nếu không có tầm nhìn và dự báo dài hạn, kể cả trước mắt ngắn hạn đang định làm gì?.

Ngoài ra, cần nhìn vai trò của thủy lợi, và rộng hơn là cả nông nghiệp trong từng giai đoạn phát triển. Thực ra thời Nguyễn và thời Pháp các hệ thống thủy lợi đâu phải chỉ có nhằm mục đích nông nghiệp mà khai hoang tạo đường giao thông thủy bộ để đưa dân cư vào là chính, vì lúc đó dân số còn it ỏi, nhu cầu lương thực đâu có nhiều đến nỗi phải dẫn thủy nhập điền để trồng lúa ở ĐBSCL cung cấp cho cả nước như sau này. Các hệ thống thủy lợi lúc đó, thực sự là các hệ thống tổng hợp cho phát triển kinh tế xã hội, bao gồm cả giao thông thủy bộ, các cụm dân cư, sản xuất nông nghiệp thủy sản cây ăn quả… Sau này, chỉ nhìn ĐBSCL như cái vựa lúa rồi định hướng thủy lợi chỉ cho nông nghiệp trồng lúa là chính làm lu mờ các nhiệm vụ khác đi.

Từ đó suy ra, thì công trình thủy lợi không phải là cái đích (cứu cánh) mà là phương tiện để đạt tới cứu cánh. Mà cứu cánh là gì? Tôi nghĩ là để phục vụ cho sự phát triển bền vững, dựa theo tinh thần của Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2017.

1.Về nguyên tắc chung.

+ Tùy theo từng tiểu vùng sinh thái mà quyết định đầu tư, trước tiên phải phân vùng chức năng của nguồn nước, nguồn đất và hệ sinh thái liên quan.

+ Ưu tiên cung cấp nước sinh hoạt cho các trường hợp nguồn nước đến ở mức trung bình và thời kỳ khô hạn, sau đó mới đến thủy sản và nông nghiệp.

+ Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước ô nhiễm, cạn kiệt.

+ Kiểm soát hình thái sông ngòi, giới hạn khái thác cát, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Khai thác cát cũng nên theo tinh thần liên kết vùng của Quyết định 593 của Chính phủ, bởi vì dòng sông là một hệ sinh thái, khi khai thác cát ở nơi này là ảnh hưởng đến chỗ khác kể cả bờ biển.

+ Phát triển hệ thống giám sát biến động tài nguyên nước, ghi nhận các thay đổi nguồn nước, sinh thái, sinh kế (cả tốt/xấu) từ các dự án thủy lợi. + Chủ đồng đối phó, cảnh báo các nguy cơ từ khai thác nguồn nước từ thượng nguồn (thủy điện, tai biến từ các dự án khai thác nước).

  1. Về phát triển bền vững

Cần cần phân biệt tăng trưởng và phát triển. Thời gian qua, chúng ta quá chú trọng vào tăng trưởng. Lúa vụ ba là ứng cử viên sáng giá cho thí dụ về chuyện tăng trưởng mà không phải là phát triển mang tính bền vững.  Hơn nữa, trong phát triển thì cần quan tâm tới không chỉ lợi ích mà còn là giá thành, phải tính đúng, tính đủ, về mặt không gian (tại chỗ, trên toàn đồng bằng, và bình diện quốc gia) và thời gian (bây giờ và mai sau) kể cả những giá trị mà đôi khi không thể thấy được trong các báo cáo GDP. Sự phát triển bền vững phải đứng trên cả ba chân là kinh tế, xã hội, và môi trường.. Sự phát triển nếu thiếu bền vững thì sẽ có những điều phát sinh và những cái giá phải trả, sớm hay muộn và chi phí để phục hồi cái mất đi sẽ rất đắt.

  1. Tinh thần Nghị quyết 120

Nghị quyết 120 phát triển bền vững ở ĐBSCL bao gồm chính sách và chiến lược tăng trưởng xanh của ĐBSCL, trong đó chú ý những yếu tố chiến lược như : Con người, khoa học và hạ tầng cơ sở. 

Theo tôi hiểu về lĩnh vực nông nghiệp có 2 điểm cần lưu ý:

(a)   Chuyển từ nền nông nghiệp thuần túy sản xuất chạy theo số lượng, sang làm kinh tế nông nghiệp, tập trung vào chất lượng và chuỗi giá trị.

(b)  Xoay trục ưu tiên sang hủy sản; rau, quả; rồi mới tới lúa. Tôi e rằng sự xoay trục này sẽ rất khó. Vì nói tới thủy sản là phải nói tới nguồn nước và để làm giàu nhờ thủy sản thì phải nghĩ tới thị trường EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, mà nước của sông ngòi ĐBSCL bây giờ chảy lờ đờ nên đã mất rất nhiều khả năng tự làm sạch (self-purification capacity) và phải tiếp nhận một lượng lớn ô nhiễm từ phân bón, thuốc trừ sâu, từ bản thân thủy sản không sạch, từ công nghiệp.

Ngẫm suy, ĐBSCL cần có chiến lược phát triển dựa trên nguồn nước. NQ120 muốn thay đổi cơ cấu sang thủy sản, trái cây và lúa gạo nhưng cần xem xét đến tác động tổng thể, không chỉ nên dựa trên giá trị xuất khẩu. Sự xoay trục này là đúng, nhưng chúng ta không nên say sưa quá đà để đi từ thái cực này sang thái cực kia. Lúa gạo về lâu dài vẫn có vai trò rất quan trọng, nhưng cần giảm thâm canh và chú trọng chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 120.

Suy ra, muốn xoay trục thì phải nói tới chất lượng nước, vậy thì phải (a) chuyển hướng, cải tạo nền nông nghiệp và (b) cho sông ngòi thông thoáng trở lại và (c) tăng cường quản lý môi trường.

  1. Thủy lợi ĐBSCL sau 1975

Đó là thời kỳ khai hoang và “dẫn thủy nhập điền”. Kiểu làm này là rất chính xác vì nhờ có thủy lợi mới khai hoang, thau chua, xổ phèn, mở rộng diện tích canh tác, giải quyết được chuyện an ninh lương thực, cứu đói cho cả nước và xuất khẩu từ 1989.

Rất tiếc, là sau đó chúng ta đã đi quá đà với cây lúa, và không chú trọng các giá trị tự nhiên (như cá tôm nước ngọt, cá tôm ven biển) để rồi thủy lợi đã phục vụ cho mục tiêu đẩy cây lúa lên tới nóc nhà, tới 3 vụ và vì vậy chuyển sang giai đoạn ngược với giai đoạn trước 1995. Trước là mở ra, sau 1995 tới nay là đóng lại. Đồng bằng mất đi khả năng đệm, và sức chống chịu với tác động bên ngoài. Sang mùa khô, khi nào thiếu nước ở lưu vực Mekong thì bị mặn xâm nhập sâu. Vì cái nền nông nghiệp hiện tại (status quo) nên mình rất sợ mặn và phải đắp bít lại để bảo vệ cho bằng được cái “status quo”.

  1. Sự cần thiết của các công trình thủy lợi.

Rất cần các công trình thủy lợi nhưng không phải để bảo vệ cho bằng được cái status quo. Phải xét vấn đề trong trạng thái động, chứ không phải trạng thái tĩnh. Kiểu như trong “Cổ học tinh hoa” có kể chuyện một anh rớt cây búa dưới sông, đánh dấu trên mạn thuyền, chèo thuyền về nhà kêu bạn bè ra lặn giúp tìm cây búa ở chỗ đánh dấu trên mạn thuyền. Cái ông rớt búa là tìm búa theo status quo, trong khi vị trí thuyền đã thay đổi. Suy luận, thủy lợi cho tương lai, không nên chỉ dựa vào những thông tin về hạn-mặn hiện nay của tình trạng hiện tại (status quo) để bảo vệ bằng mọi giá mà cần nhắm tới phục vụ cái đích của tương lai mà Nghị quyết 120 đã vạch ra.

Cần có tư duy chiến lược tổng hợp lâu dài về biến đổi khí hậu, cực đoan thời tiết, hệ thông đập thủy điện, thủy nông thượng nguồn, mức gia tăng dùng nước cho phát triển, môi trường tự nhiên nhất là lớp phủ suy giảm.

Hệ thống đập thủy điện và thủy nông thượng lưu sông Mekong tiếp tục “sinh sôi nảy nở” sẽ có tác động lớn đến dòng chảy sông Mekong trong đó có hạ nguồn theo xu thế “cắt lũ-để giảm lũ trong mùa lũ” và “cấp thêm ngọt – để giảm kiệt trong mùa khô”. Đó là lý thuyết “muôn thuở” về ưu điểm chung của các đập thủy điện được quy hoạch, xây dựng, vận hành vì lợi ích cơ bản của cả lưu vực sông trong đó có châu thổ. Song  điều này chắc chắn khó xẩy ra đối với lưu vực sông quốc tế Mekong. Chỉ cần nhìn vào hệ thống đập thủy điện sông Hồng (ta làm chủ 100%) trong suốt nhiều thập niên qua, đã thấy rõ các bất cập, điều tiết lũ thì tạm ổn, nhưng điều tiết kiệt thì gặp nhiều khó khăn, nhất là vào các năm ít mưa (cực đoan thời tiết, biến đổi khí hậu,..), nước trong các hồ thủy điện tích không đủ theo thiết kế, nhu cầu dùng nước cho phát triển liên tục gia tăng.

Thí dụ năm 2019 sẽ thiếu khoảng 7,2 tỷ mét khối nước để điều tiết dòng chảy kiệt trong mùa khô năm 2020 cho châu thổ sông Hồng. Đó là chưa kể, trên lưu vực sông Hồng, tập trung nhiều nhất vào châu thổ, tại đây, nguồn thủy sản sông ngòi giảm 70-80%, nguồn phù sa sông ngòi giảm 40-60%, đáy sông bị hạ thấp, sạt lở bờ sông gia tăng, dòng chảy kiệt và mực nước kiệt giảm sút, hệ sinh thái lưu vực suy thoái.

Riêng nguồn nước sông kênh ĐBSCL ngoài các tác động như trên, còn chịu tác động nước biển dâng do biến đổi khí hậu, sụt lún đất do xây dựng và khai thác nước ngầm.

  1. Vậy cụ thể là gì?

Từ cái nhìn chung và từ thực tế cụ thể của lưu vực sông Hồng vừa nêu trên, cần phải soi rọi thật thấu đáo vào lưu vực sông Mekong hiện tại và tương lai mà phỏng đoán, cảnh báo, dự báo để làm thủy lợi (quy hoạch, xây dựng, khai thác,..) sao cho ngày càng đúng hơn, hiệu quả hơn.

Trước hết, cần phải xác định ranh giới cứng và mềm cho 3 vùng đất có chế độ dòng chảy khác nhau là ngọt, lợ và mặn của ĐBSCL. Sau đó ngành thủy lợi cùng ngành nông nghiệp quy hoạch sản xuất (cây trồng, vật nuôi, mùa vụ,..) cứng và mềm tương thích với 3 vùng nước ngọt, lợ mặn. Trên cơ sở đó mới nghĩ đến thiết kế các hệ thống công trình thủy lợi tương ứng.

Mặt khác, phải hết sức chú trọng khai thác tối đa các đặc thù riêng (về địa hình, đất đai, thủy văn) của các vùng đất tự nhiên như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau vv... kết hợp quy hoạch thủy lợi mềm dẻo, linh hoạt, hợp lý để không gây ra lảng phí, trùng lắp, đối nghịch không đáng có.

Trên cơ sở thực hiện thật vững chắc các bước nói trên, mới nghĩ đến thiết kế, xây dựng và khai thác các hệ thống công trình thủy lợi tương ứng,

Cần có những biện pháp cụ thể để cải thiện chất lượng nước, chẳng hạn như hạn chế việc xả chất thải rắn vào sông ngòi và nước thải kỹ nghệ cần phải được thanh lọc trước khi xả vào sông.

  1. a) Vùng ven biển, để phục vụ công cuộc chuyển đổi thích ứng sang tận dụng lợi thế mặn và lợ thì nên có công trình kiểm soát mặn chủ động (cống 2 chiều) chứ không phải đập ngăn mặn để người dân và cộng đồng có đường lấy nước và tháo nước riêng ra, và có xử lý nước thải trước khi ra môi trường. Chuyện lớn của thủy sản ven biển hiện nay là nước thải thải ra chảy lòng vòng, ông nọ lấy nước thải của ông kia cho vào ao.
  2. b) Vùng giữa, cây trái bây giờ sống nhờ phân thuốc là chủ yếu, bởi vì vườn tược bây giờ nhận được rất ít phù sa và hạn chế trao đổi nước với sông ngòi. Ở ven các sông rạch nhỏ đều có hai con lộ ven sông mà khi làm đường thì chính quyền địa phương hay ngành giao thông ít để ý đến các tiến trình sinh thái. Các con lộ ven sông cũng là đê bao nên bít hết các đường mương nhỏ, sau đó cách nhau vài km thì đặt một cái cống. Do đó, nước ít được trao đổi, phù sa không vào được, tích tụ ô nhiễm bên trong, đất đai cạn kiệt dinh dưỡng nhanh, tôm cá cũng cạn kiệt nhanh vì không vào ra được giữa sông rạch và ruộng vườn.

Cách làm như thế đã đạt được mục đích giao thông nông thôn, chống ngập để bảo vệ vườn cây ăn trái bên trong, nhưng tạo ra nhiều vấn đề hệ lụy khác. Khi vườn cây được bảo vệ thì nước dâng cao trong sông và tìm nơi khác để đe dọa, nơi khác lại phải làm đê bao.

Để phục hồi sức khỏe đất đai, sông rạch ở vùng giữa thì cần giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề nằm trong tay các chi cục thủy lợi cấp tỉnh và chính quyền địa phương chứ không thuộc các quy hoạch thủy lợi tổng thể.

Hiện nay, lần đầu tiên VN đã có luật Quy hoạch 2017 theo tinh thần tích hợp, đa ngành. Tinh thần này cần được quán triệt trong mọi quy hoạch ở các cấp để có cái nhìn rộng hơn, tránh được cách làm với cách nhìn hẹp theo ngành, cục bộ theo địa phương, chỉ đạt được một vài mục tiêu ngành hay địa phương mà quên cái tổng thể.

  1. c)  Vùng đầu nguồn, các công trình đê lửng để phục vụ cho sinh kế mùa lũ (flood-based livelihoods) để kiểm soát lũ ở những lúc giao mùa (chủ yếu là thời đoạn cho đủ dài và đủ tin cậy để người dân nuôi tôm, cá) và các công trình đê lửng để phục vụ cho 2 vụ lúa còn lại theo hướng nông nghiệp sạch. Cần phải thông thoáng để rửa môi trường đất khoảng 10 năm để sản phẩm nông nghiệp có thể ra thị trường quốc tế được.

Thay cho lời kết

Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải thích rõ quan điểm thuận thiên trong Nghị quyết 120 là lợi dụng triệt để các mặt thuận lợi của tự nhiên nhưng khi cần thiết vẫn phải xây dựng các công trình nhưng quy mô và vị trí xây dựng cần theo bài toán hệ thống, phải làm sao cho có lợi nhiều nhất và bất lợi ít  nhất kèm theo biện pháp giảm thiểu các tác hại do công trình gây ra.

Đại hội Đảng khóa 13 sắp tới sẽ có những cái nhìn mới về mọi mặt, liên quan đến quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Đầu tư phải trên cơ sở Quy hoạch, cho nên mọi con đường đều phải dẫn đến cho rà soát quy hoạch phòng tránh thiên tai và thủy lợi trước đã. Ví dụ như Dự án JICA3 Bến Tre chẳng hạn, đã bổ sung trạm bơm Tân Phú ở thượng nguồn để tiếp nước cho toàn hệ thống trong thời kỳ mặn lên cao. Hệ thống công trình cống Cái Lớn-Cái Bé ở bán đảo Cà Mâu mới khởi công có phù hợp và chi phối thế nào về phát triển dài hạn của ĐBSCL, và đầu tư ngắn hạn này xong, thì trung hạn phải làm gì tiếp trong khu vực đó để phát huy tác dụng?

Các ý kiến được phân tích nêu ở phần trên trong bài viết này chính là hướng gợi mở cần phải có tầm nhìn một cách dài hạn về ngành thủy lợi rồi mới xác định trước mắt và trung hạn các bước đi như thế nào, khi nào để xác định các công trình ưu tiên, kết hợp với các giải pháp phi công trình trong bài toán tổng thể phát triển bền vững ở ĐBSCL.

Đây là quan điểm, ý kiến khoa học của tác giả, không phải là ý kiến chính thức của Tổng cục Phòng chống thiên tai

Tô Văn Trường - Chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường