Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Diễn đàn "Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai"

Thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sáng ngày 23/12 Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và PTNT Yên Bái cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai” tại tỉnh Yên Bái - một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.


Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với khoảng 120 đại biểu dự trực tiếp và 150 điểm cầu dự trực tuyến. Diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai cùng nhìn nhận, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống thiên tai. Từ đó đề xuất các phương án, giải pháp, quan điểm tiến tới xây dựng các cộng đồng xã hội an toàn hơn trước thiên tai.

Đồng chủ trì Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai ông Nguyễn Văn Tiến; Phó giám đốc Sở NN và PTNT Yên Bái ông Nguyễn Xuân Sang và Phó Tổng biên tập Báo Nông Nghiệp Việt Nam ông Lê Trọng Đảm  

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, chia sẻ: "Bão Yagi đã gây ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở nghiêm trọng tại Yên Bái, với tổng thiệt hại ước tính gần 6.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là việc khôi phục sản xuất nông nghiệp". Ông Phước nhấn mạnh rằng, dù có sự chuẩn bị từ trước, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Việc sẵn sàng các lực lượng cứu hộ, phương tiện, vật tư và kinh phí là yếu tố then chốt giúp địa phương ứng phó và khắc phục hậu quả nhanh chóng.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái.

Tại diễn đàn Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết: Bão số 3 và mưa lũ sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi. Bão và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích; 2.041 người bị thương; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái; 281.153 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thuỷ lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; 548 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc với khối lượng sạt lở trên 15 triệu m3. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế trên 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng (chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế).

Về công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão ông Nguyễn Văn Hải cho cho biết: Chính phủ đã phân công Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp phối hợp với các địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để khôi phục sản xuất, duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ ngành chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả như sau: Trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2024 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, trong đó tăng mức hỗ trợ từ 1,43-2,83 lần và đơn giản hoá thủ tục hỗ trợ.

Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 430 tỷ đồng cho các tỉnh để khắc phục dân sinh và khôi phục sản xuất; Ban hành 06 văn bản chỉ đạo khôi phục sản xuất đối với từng lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai); 09 loại tài liệu, tờ gấp hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phục hồi cây trồng, vật nuôi sau bão; chỉ đạo, hướng dẫn, khảo sát thực địa, hỗ trợ các địa phương ổn định dân cư, tái định cư cho nhân dân vùng bị thiệt hại sau bão; đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại sau bão và chỉ đạo khôi phục sản xuất nông nghiệp, tái định cư cho nhân dân vùng bị thiệt hại. Kịp thời tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị chuyên đề để bàn giải pháp khắc phục hậu quả do bão gây ra và kêu gọi ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và huy động các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để hỗ trợ, khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất; 

Mưa lớn khiến nhiều nhà dân ở Bản Mù (huyện Trạm Tấu) bị ngập trong nước ngày 89/2024 tại Yên Bái 

Chỉ đạo và huy động hơn 20.000 lượt cán bộ khuyến nông xuống địa bàn, đến từng hộ dân bị ảnh hưởng để trực tiếp hướng dẫn khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất theo tinh thần “nước rút đến đâu, khôi phục sản xuất đến đó”; Hỗ trợ các địa phương 300,09 tấn hạt giống các loại (Lào Cai 89,54 tấn hạt giống các loại; Yên Bái 137,55 tấn giống lúa; Hưng Yên 8 tấn hạt giống ngô; Bắc Giang 7,9 tấn hạt giống ngô; Quảng Ninh 05 tấn hạt giống ngô), hoá chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh trong nông nghiệp (90.000 lit Benkocid cho các tỉnh, tp Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Giang, Hoà Bình); huy động nguồn xã hội hoá hỗ trợ 70 tấn hạt giống cho các địa phương.

Đã kịp thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý giờ đầu tất cả 805 sự cố trên các tuyến đê. Vì vậy, nhiều tuyến đê bị tràn, nhiều sự cố đặc biệt nguy hiểm đã xảy ra nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3; các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ 2.186 tỷ đồng và đã phân bổ 2.040 tỷ đồng/26 tỉnh, thành phố; Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, thành phố của 26 địa phương đã tiếp nhận 1.654,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả trong đó có khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Các tổ chức, cá nhân thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ và cam kết hỗ trợ khoảng 245,46 tỷ đồng để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ trên 25 triệu USD cho Việt Nam để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó cam kết hỗ trợ kinh phí 16,7 triệu USD thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp tiếp nhận hơn 220 tấn hàng cứu trợ (giá trị 2,3 triệu USD) từ Chính phủ Úc, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Nga, Singapore và các tổ chức AHA, JICA, Samaritan’s Purse, UNICEF qua đường hàng không và được vận chuyển ngay đến các địa phươn g: Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn để kịp thời hỗ trợ người dân vùng lũ. Kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế đã được phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề như Yên Bái (5,1 triệu USD), Lào Cai (6,7 triệu USD), Hà Giang (1,4 triệu USD) và Cao Bằng (1,28 triệu USD), Thái Nguyên: 42,4 nghìn USD, Bắc Kạn: 337 nghìn USD.

  

Quảng cảnh diễn đàn 

Tại Diễn đàn các đại biểu đã được nghe tham luận báo cáo tham luận của các đại biểu đến từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai với chuyên đề Công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão; Cục Chăn nuôi với chuyên đề "Tổng hợp thiệt hại hậu quả sau bão số 3 và định hướng khôi phục chăn nuôi"; Cục Trồng trọt với chuyên đề "Tình hình khôi phục phục sản xuất sau bão số 3 các tỉnh phía Bắc", Cục Thủy sản với chuyên đề " Thiệt hịa nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão, giải pháp, kế hoạch hồi phục sau thiên tai", Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái với chuyên đề " Kinh nghiệm và bài học phục hồi hạ tầng, công trình thủy lợi, nông nghiệp sau bão số 3".

Ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết: "Để nhanh chóng khôi phục sản xuất cho bà con, chúng tôi đã chủ động theo dõi sát sao khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế, từ đó điều chỉnh cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp". Cụ thể, tập trung vào phát triển các loại cây vụ đông ưa lạnh, có khả năng bảo quản lâu dài và có thị trường tiêu thụ ổn định. "Ngoài linh hoạt trong các phương thức làm đất, gieo trồng, chúng tôi đặc biệt chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian và lao động. Công tác phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng vụ đông và kiểm soát nguồn vật tư nông nghiệp cũng được triển khai mạnh mẽ", ông Vương nói.

Ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt).

Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Trưởng phòng Thông tin, truyền thông (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai), chia sẻ tại diễn đàn: Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai năm 2024 đã lấy chủ đề là “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”. Đây là vấn đề được đánh giá là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng cần thiết để có thể tự bảo vệ bản thân mình khi có thiên tai sẽ là sự đảm bảo cho tương lai của Trái đất. Một thông tin đáng mừng là ở Việt Nam trong những năm gần đây, hoạt động này được đẩy mạnh; thế hệ trẻ được trang bị đầy đủ kỹ năng liên quan tới vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Trưởng phòng Thông tin, truyền thông (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai), chia sẻ về công tác thông tin, truyeefnthoongtrong phòng, chống thiên tại diễn đàn

Theo ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (Yên Bái), huyện đã kịp thời thực hiện tốt các nội dung quan trọng trong công tác khắc phục hậu quả bão lũ. Cụ thể: Huyện Yên Bình đã tích cực tuyên truyền thông tin cảnh báo, đặc biệt là diễn biến thời tiết để người dân chủ động phòng tránh. Công tác lãnh đạo, chỉ huy được triển khai hiệu quả, huy động sự phối hợp giữa các lực lượng như Công an, quân đội để ưu tiên khắc phục nhà cửa sau bão và đảm bảo giao thông thông suốt. Đồng thời, tập trung khắc phục hậu quả trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

Sau khi thủy điện Thác Bà xả lũ gây ngập úng cho 4 xã, thị trấn thuộc địa bàn huyện, Sở NN-PTNT Yên Bái đã cử chuyên gia lên hướng dẫn khắc phục kịp thời. Sau bão, bà con được khuyến khích tăng cường sản xuất cây vụ Đông, hiện đã bắt đầu thu hoạch để thêm thu nhập trước Tết Nguyên đán. Ông Hưng cho biết, huyện Yên Bình tạo điều kiện giải ngân sớm, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để để hỗ trợ xây dựng nhà cửa cho 102 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất.

“Trong thời gian tới, tôi mong các cơ quan Trung ương và tỉnh Yên Bái sẽ sớm xây dựng và triển khai bản đồ phòng, chống thiên tai, cảnh báo kịp thời để bà con có thể chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, khẩn trương bố trí lại hệ thống giao thông để đảm bảo đưa máy móc, phương tiện cứu trợ vào các khu vực có nguy cơ sạt lở và bổ sung các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà 2 đi vào hoạt động, cần có quy trình điều tiết lũ hợp lý và hệ thống dự báo sớm, tránh tình trạng xả lũ với lưu lượng quá lớn, gây ngập úng và thiệt hại cho bà con trong khu vực”, ông Hưng nói.

Kết luận tại Diễn đàn Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh: Bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất với 281.153 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thuỷ lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; Tổng giá trị thiệt hại trên 38.000 tỷ đồng, chiếm trên 45% tổng thiệt hại về kinh tế.

 

Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến kết luận tại diễn đàn 

Ngay sau bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Bộ ngành, địa phương đã tham mưu và chỉ đạo tập trung triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả, nhất là phục hồi đối với diện tích lúa, hoa màu, thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp,… bị thiệt hại, huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sông và khôi phục, phát triển sản xuất. 

Ngoài nguồn lực từ ngân sách và dự trữ quốc gia, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã đồng hành, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Qua tổng hợp từ các địa phương và báo cáo tại hội nghị, sản xuất lúa, hoa màu, chăn nuôi, thuỷ sản đã từng bước được khôi phục, đảm bảo đời sống của người dân và nguồn cung cho dịp tết nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, một số lĩnh vực như cây ăn quả, cây cảnh, lâm nghiệp, nuôi thuỷ sản quy mô lớn cần tiếp tục được phục hồi trong thời gian tới.

Qua ý kiến của các đại biểu và thực tiễn công tác ứng phó và khắc phục hậu quả, chúng ta cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm và giải pháp trong thời gian tới, trong đó cần: Rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn, an toàn trước thiên tai; Di dời người dân khu vực nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn cùng với việc phát triển sinh kế bền vững; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, quy hoạch vùng; Rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp đảm bảo an toàn trước thiên tai, nhất là đối với nông nghiệp công nghệ cao phải đầu tư nguồn lực rất lớn,…

 

Phòng TTTT