Sông Mê Công chảy qua sáu quốc gia bao gồm Trung Quốc, Myanmar, CHDCND Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Khoảng 70 triệu người sống tại lưu vực sông, trong đó khoảng 60 triệu người ở hạ lưu (LMB) và 10 triệu ở Thượng lưu Sông Mê Công (UMB).
Mê Công là sông dài thứ mười trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy qua một hẻm núi sâu, hẹp, hơi song song với sông Salween (hay Nộ Giang, cũng bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Myanmar, và Thái Lan) và sông Dương Tử (dài thứ ba thế giới, nằm trọn trong lãnh thổ Trung Quốc), cùng nhau tạo thành Tam Giang Tịnh Lưu. Sông Mê Công tiếp tục chảy qua Myanmar, CHDCND Lào, Thái Lan và Campuchia cuối cùng đổ ra biển tạo nên một vùng đồng bằng rộng lớn ở Việt Nam.
Với diện tích khoảng 40.500 km² thuộc 12 tỉnh và một thành phố trực thuộc trung ương, ĐBSCL là nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người, với hơn chín triệu người sống ở vùng lân cận Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).
Mặc dù khu vực này có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, sinh kế và an ninh lương thực ở lưu vực Sông Mê Công vẫn phụ thuộc trực tiếp vào dòng sông này.
Sông Mê Công giàu phù sa bồi tụ, một phần có thể là hệ quả của đặc tính xung lũ của sông. Chủ yếu vào giai đoạn cuối mùa mưa, nước di chuyển từ thượng nguồn mang theo lượng lớn trầm tích bồi đắp cho đồng bằng.
Các vật liệu mịn hiếm khi lắng đọng mà lơ lửng trong nước và thường đổ ra biển. Tùy thuộc vận tốc dòng chảy và lưu lượng của sông, vật liệu thô hơn một chút có thể đọng lại ở các vùng ngập lũ và hai bên bờ, trở thành nguồn phân bón tự nhiên cho các cánh đồng và nguồn thức ăn cho ngành thủy sản. Các hạt kích thước lớn hơn như cát, sau nhiều thập kỷ hoặc lâu hơn để di chuyển, thường bị lắng tạm thời ở lòng sông, bãi cát hoặc bờ sông. Toàn bộ sự phân bố mang tính tự nhiên các hạt có kích thước khác nhau như vậy diễn tra trong một quãng thời gian dài không kém chiều dài lịch sử loài người, nếu không muốn nói còn cổ xưa hơn nhiều, góp phần tạo ra sự ổn định hình thái sông và bờ sông. Quá trình can thiệp khai thác các vật liệu tự nhiên càng ít làm mất cân bằng trạng thái vốn có của dòng sông bao nhiêu, sẽ càng tăng tính chống chịu cho các kênh rạch, mang đến môi trường sinh thái và các tuyến đường giao thông đường thuỷ quan trọng một cách lâu dài và bền vững bấy nhiêu.
Theo một số báo cáo, tình trạng bùng nổ việc xây dựng các đập thủy điện (xem Hình 3 ở trang sau) và khai thác trầm tích (xem Hình 2 ở trang sau) phục vụ xây dựng đang làm giảm lượng trầm tích được vận chuyển về ĐBSCL khoảng 77% từ năm 1992 (160 triệu tấn/ năm) đến năm 2014 (75 triệu tấn/năm), Theo kết quả nghiên cứu được sự đồng thuận đại đa số các nhà nghiên cứu, lượng trầm tích hiện tại đổ về ĐBSCL có thể ít hơn 50 triệu tấn/năm.
Các đập trên Sông Mê Công
Các địa điểm khai thác cát dọc sông Mê Công
Khai thác quá mức và các tác động của nó có thể được tìm hiểu thêm trong một số ấn phẩm những năm gần đây, liệt kê ở phần tài liệu tham khảo từ 1 đến 14. Các nghiên cứu này đề cập cả về tình trạng thâm hụt cát ở ĐBSCL (1,4,8,11), cũng như các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học, năng suất nông nghiệp, hàng hải và cộng đồng địa phương (2,3,5,8,9,14). Ở Việt Nam, nhận thức của công chúng và báo chí về các hoạt động khai thác cát sông không bền vững có vẻ đang gia tăng mạnh (19); nếu đúng, đây có thể được cho là nền tảng xã hội cho việc thay đổi công tác soạn thảo và tổ chức thực thi các hoạt động lập pháp và hành pháp cho phù hợp với cuộc sống liên tục biến đổi.
Các tác động như vậy không chỉ xảy ra ở ĐBSCL. Tiến sĩ Koehnken và cộng sự (12) đã thực hiện một đánh giá nhanh 505 ấn phẩm quốc tế (trong đó 75% số ấn phẩm xuất bản trong vòng năm năm gần đây) về tác động của khai thác cát ven sông đối với hệ sinh thái nước ngọt toàn cầu. Từ đây, nhóm nghiên cứu xác định 107 tác động do khai thác cát gây ra, trong đó có các thay đổi đối với hình thái lòng sông, thay đổi thành phần và chuyển động của trầm tích, thay đổi đối với các đặc điểm sông trên quy mô lớn hơn, thay đổi chế độ dòng chảy và các tác động đến chất lượng nước, v.v.
Bài báo kết luận rằng “tác động phổ biến nhất là các thay đổi hình thái lòng sông, trong đó thường gặp nhất là tình trạng lòng sông bị xói sâu hơn. Các tác động đối lập được báo cáo từ các hệ thống sông ngòi khác nhau đã phản ánh phần nào cơ chế của tác động tùy theo địa điểm cụ thể, bao gồm mở rộng và thu hẹp lòng sông, tăng/giảm lượng trầm tích được vận chuyển (do sự tiếp xúc và vận chuyển trầm tích mịn trong quá trình khai thác và thủy lực lòng sông thay đổi), tăng/giảm dòng chảy, tăng/giảm khả năng kiểm soát lũ.”
Vũ Đức Tùng