Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động ứng phó sự cố đê điều, hồ đập trong mùa mưa, bão

Với phư­­ơng châm “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả’’, các tháng vừa qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (BCH PCTT, TKCN & PTDS) tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng phòng, chống và giảm nhẹ mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trong năm 2025.


Triển khai các phương án ứng phó với mọi tình huống thiên tai

Khảo sát thực tế công tác chuẩn bị PCTT, TKCN & PTDS theo phư­­ơng châm “4 tại chỗ” tại các địa phương, nhìn chung các xã, phường và các ngành đã tổng kết và rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế trong thực hiện công tác PCTT, TKCN & PTDS năm 2024, triển khai nhiệm vụ PCTT, TKCN & PTDS năm 2025. Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị PCTT, TKCN tại cơ sở. Các địa phương đã lập và triển khai thực hiện các ph­ương án như ứng phó với bão mạnh, siêu bão; hộ đê, hồ đập; sơ tán dân vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; sơ tán dân vùng bãi sông khi có lũ lớn; bảo đảm an toàn cho ng­ười và tàu thuyền hoạt động trên biển. Tổ chức lực l­­ượng, chuẩn bị vật tư­­, phương tiện, hậu cần theo ph­­ương án đã lập để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra...

Cần khắc phục ngay những tồn tại, bất cập

Bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCTT, cụ thể như: Khối lượng triển khai thực hiện phát quang mái đê chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Việc chuẩn bị PCTT ở một số xã vẫn nặng tính hình thức. Thực hiện không đầy đủ nội dung của phương châm “4 tại chỗ”, chỉ thực hiện từ một đến hai nội dung (vật tư và lực lượng tại chỗ). Các phương án, kế hoạch PCTT chưa được rà soát, cập nhật, đối chiếu với thực tiễn địa phương; đặc biệt là các địa phương có khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu dân cư tập trung với số lượng dân cư lớn thường xuyên xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, nhưng địa phương chưa xây dựng phương án ứng phó cụ thể, phù hợp...

Trong PCTT, việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết (vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhân lực, hậu cần, chỉ huy) theo phương châm “4 tại chỗ” là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả ứng phó khi xảy ra thiên tai ngay từ giờ đầu. Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, sau khi thành lập các đội xung kích PCTT cấp xã, nguồn nhân lực phục vụ công tác PCTT đã cơ bản đảm bảo yêu cầu, hàng năm các địa phương đều rà soát, kiện toàn lại lực lượng này. Tuy nhiên, đối với việc chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Điển hình như vẫn còn một số xã chưa quan tâm đến công tác rà soát, loại bỏ vật tư cũ hư hỏng và bảo quản vật tư mới. Một số kho chứa vật tư tại một số xã thường được sử dụng kết hợp nhiều mục đích. Thậm chí nằm cách xa tuyến đê, xa vị trí trọng điểm xung yếu, dẫn đến khó khăn trong việc xuất cấp, vận chuyển vật tư khi có tình huống. Nhiều xã ở khu vực miền núi công tác chuẩn bị vật tư “4 tại chỗ” còn hạn chế.

Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về PCTT cho người dân chưa được quan tâm thường xuyên; đến nay đã bước vào thời điểm trọng tâm của mùa mưa, lũ, nhưng vẫn còn nhiều địa phương chưa tổ chức việc diễn tập, tập huấn các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn. Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và PCTT vẫn còn diễn ra, nhất là các vụ việc vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình. Các địa phương chưa quan tâm triển khai, thực hiện quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTT, thủy lợi, đê điều theo quy định tại Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ. Đối với công trình thủy lợi, tình trạng tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Thủy lợi xảy ra nhiều, đặc biệt trên các tuyến kênh chính như trồng cây, xây dựng công trình, chôn cọc bê tông, quây lưới thép làm hàng rào...

Về công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khai thác hải sản trên biển, thực tế đối phó với một số cơn bão trong các năm vừa qua cho thấy một số xã chưa chủ động nắm bắt số lượng người, phương tiện và khu vực hoạt động của ngư dân trên biển trước và trong bão, số liệu thu thập chưa chính xác, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều động ứng cứu. Nhiều ngư dân ở các xã ven biển chưa nghiêm túc chấp hành quy định của Nhà nước, địa phương về đảm bảo an toàn hoạt động trên biển, cụ thể như còn chưa trang bị các thiết bị an toàn cho lao động và phương tiện đi biển. Tuy trong kho có phao và áo phao, nhưng thực tế kiểm tra trên một số tàu chuẩn bị rời bến lại không có. Trong khi đó phương tiện tham gia cứu nạn trên biển của lực lượng chức năng còn nhỏ, sức chịu đựng sóng gió kém, nên việc triển khai cứu nạn còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết...

Đến tháng 7/2025, toàn tỉnh có 610 hồ chứa nước. Qua thực tế kiểm tra trước mùa mưa bão năm 2025, các ngành chức năng đã xác định 57 hồ chứa chủ yếu tập trung ở các xã khu vực miền núi đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng gây bất lợi cho sản xuất và dân sinh trên địa bàn cũng như gây ra thảm họa nếu bị vỡ hồ chứa.

Tăng cường kiểm tra, rà soát, đảm bảo vận hành thông suốt, kịp thời

Để sẵn sàng đối phó, ngăn chặn có hiệu quả kể cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi có mưa to, lũ lớn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, BCH PCTT, TKCN & PTDS các cấp cần tăng cường kiểm tra, rà soát, chủ động khắc phục những tồn tại, bổ sung hoàn tất công tác chuẩn bị PCTT, TKCN & PTDS. Các xã vùng biển cần rà soát, bổ sung hoàn thiện phương án quản lý phương tiện, kêu gọi tàu thuyền ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn. Các xã miền núi bổ sung, hoàn thiện phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; phương án bảo đảm an toàn cho các hồ, đập.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, kiêm Phó Chánh Văn phòng thường trực chỉ huy PCTT tỉnh Khương Anh Tấn cho biết: Ngay sau khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, các xã, phường mới cần triển khai ngay các nội dung của công tác PCTT, đảm bảo công tác PCTT được vận hành thông suốt, kịp thời, hiệu quả. Thành lập “Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự” để chỉ huy, điều hành công tác PCTT trên địa bàn; quy định chức năng, nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Kiện toàn (đối với các địa phương không thực hiện sắp xếp) hoặc tổ chức thành lập ngay (đối với các địa phương thực hiện sắp xếp) các đội xung kích PCTT cấp xã. Các địa phương chỉ đạo, quán triệt khắc phục ngay tâm lý chủ quan, lơ là; tập trung ngay vào các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTT. Hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị PCTT năm 2025, bao gồm chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, nhân lực phục vụ công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”; tập huấn, diễn tập cho các lực lượng; phát quang mái đê; xây dựng, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, phê duyệt đầy đủ các phương án, kế hoạch về công tác PCTT theo quy định xong trước ngày 20/7/2025.

Cùng với đó, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình PCTT khác, đặc biệt là các vị trí trọng điểm xung yếu, các công trình hư hỏng, mất an toàn và các công trình đang thi công dở dang. Đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công tác tu bổ đê, kè, cống, hồ đập và các công trình phục vụ công tác PCTT khác. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi pháp luật về PCTT, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức và mọi người dân, tránh tư tưởng chủ quan. Phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về phòng tránh thiên tai đến tất cả các cấp, ngành, cộng đồng dân cư để mọi người, mọi nhà chủ động phòng tránh. Kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và PCTT.

Về lâu dài, ngoài đầu tư xây dựng các công trình PCTT, các địa phương cần tích cực trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, tạo nguồn sinh thủy, giữ nguồn nư­ớc cho các hồ, đập phục vụ sản xuất, dân sinh và hạn chế lũ ống, lũ quét.

Báo Thanh Hóa