Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Các cơn bão được đặt tên như thế nào?

Bão nhiệt đới có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn do đó có thể có nhiều hơn một cơn bão tại một thời điểm. Vậy nên các nhà dự báo thời tiết đặt tên cho từng cơn bão để tránh nhầm lẫn. Nói chung bão được đặt tên theo quy tắc ở cấp khu vực.


Ở Đại Tây Dương và Nam Bán Cầu (Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương) các cơn bão được đặt tên theo thứ tự bảng chữ cái và tên của phụ nữ và nam giới được xen kẽ. Các quốc gia ở Bắc Ấn Độ Dương bắt đầu sử dụng một hệ thống mới để đặt tên cho các cơn bão nhiệt đới vào năm 2000; tên được liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái theo quốc gia và có giới tính trung lập.

Quy tắc chung là danh sách tên được đề xuất bởi Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NMHSs) của các Thành viên WMO của một khu vực cụ thể và được các cơ quan tương ứng cấp khu vực phê duyệt tại các phiên họp hàng năm/hai năm một lần. Việc đặt tên cho các cơn bão đã bắt đầu từ nhiều năm trước nhằm giúp xác định nhanh các cơn bão trong các thông báo cảnh báo vì tên được cho là dễ nhớ hơn nhiều so với các con số và thuật ngữ kỹ thuật. Nhiều người đồng ý rằng việc đặt tên các cơn bão sẽ giúp các phương tiện truyền thông đưa tin dễ dàng hơn, nâng cao sự quan tâm đến các cảnh báo và tăng khả năng sẵn sàng ứng phó của cộng đồng. Kinh nghiệm cho thấy rằng việc sử dụng các tên riêng, ngắn gọn trong giao tiếp bằng văn bản cũng như bằng giọng nói nhanh hơn và ít bị lỗi hơn so với các phương pháp xác định kinh độ-vĩ độ cũ hơn, rườm rà hơn. Những ưu điểm này đặc biệt quan trọng trong việc trao đổi thông tin chi tiết về cơn bão giữa hàng trăm trạm, căn cứ ven biển và tàu trên biển phân tán rộng rãi.

Ban đầu, các cơn bão được đặt tên tùy tiện. Một cơn bão Đại Tây Dương đã xé toạc cột buồm của một chiếc thuyền có tên Antje được gọi là bão Antje. Sau đó, giữa những năm 1900 chứng kiến ​​sự bắt đầu của việc sử dụng tên nữ tính cho các cơn bão. Để theo đuổi một hệ thống đặt tên có tổ chức và hiệu quả hơn, các nhà khí tượng học sau đó đã quyết định xác định các cơn bão bằng cách sử dụng tên từ một danh sách được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Vì vậy, một cơn bão có tên bắt đầu bằng chữ A, giống như Anne, sẽ là cơn bão đầu tiên xảy ra trong năm. Trước cuối những năm 1900, các nhà dự báo bắt đầu sử dụng tên nam cho những cơn bão được hình thành ở Nam bán cầu.

Kể từ năm 1953, các cơn bão nhiệt đới Đại Tây Dương đã được đặt tên từ danh sách do Trung tâm Bão Quốc gia cung cấp. Hiện chúng được duy trì và cập nhật bởi một Ủy ban quốc tế của Tổ chức Khí tượng Thế giới. Danh sách tên ban đầu chỉ có tên phụ nữ. Năm 1979, tên nam giới được giới thiệu và chúng thay thế cho tên nữ giới. Sáu danh sách được sử dụng luân phiên. Do đó, danh sách năm 2019 sẽ được sử dụng lại vào năm 2025.

Duy nhất có sự thay đổi trong danh sách là nếu một cơn bão gây chết người hoặc tốn kém đến mức việc sử dụng tên của nó trong tương lai cho một cơn bão khác sẽ không phù hợp vì lý do nhạy cảm. Nếu điều đó xảy ra, thì tại cuộc họp thường niên của Ủy ban bão nhiệt đới WMO, tên vi phạm sẽ bị loại khỏi danh sách và một tên khác được chọn để thay thế. Những tên bão nổi tiếng như Mangkhut (Philippines, 2018), Irma and Maria (Caribbean, 2017), Haiyan (Philippines, 2013), Sandy (USA, 2012), Katrina (USA, 2005), Mitch (Honduras, 1998) và Tracy (Darwin, 1974) là những ví dụ cho điều này.

Nguồn: WMO

Vụ KHCN&HTQT dịch