Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn: Rà Soát Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật Không Còn Phù Hợp...

Ngày 08/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11). Ông cho rằng, đây là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc, khơi dậy ý thức trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi cho mỗi công dân trong các sinh hoạt của đời sống chính trị, xã hội.

Hòa chung không khí của cả nước nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào các hoạt động phổ biến, giới thiệu nội dung văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nhất là các điểm mới, các quy định gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Nông nghiệp.

"Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng và kết quả tích cực đã đạt được của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành nông nghiệp thời gian qua", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Cũng tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến giới thiệu những điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo ông Tuyến, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung 68 điều của Luật năm 2015, gồm 54 điều về nội dung và 14 Điều về kỹ thuật, 8 nội dung chính của lần sửa đổi này là: (1) Cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (2) Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

(3) Hình thức, thẩm quyền, nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật liên tịch; (4) Quy trình xây dựng, ban hành một số loại văn bản quy phạm pháp luật; (5) Quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; (6) Hoạt động thẩm tra, xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh; (7) Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; (8) Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã.

Trong 8 nội dung này, theo ông Tuyến, nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng cần tập trung và chú trọng. Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng lưu ý rằng khi đề ra các văn bản quy phạm pháp luật, các cục, vụ, viện nghiên cứu cần lên kế hoạch sớm, báo cáo lãnh đạo Bộ để có tham vấn từ chuyên gia, nhằm có những đánh giá chính xác, đầy đủ về 5 mặt tác động của chính sách, gồm: xã hội, kinh tế, thủ tục hành chính, giới, và hệ thống pháp luật.

Một số vấn đề khác được ông Tuyến nhấn mạnh, là: Các đơn vị ban hành, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần báo cáo lãnh đạo Bộ những vấn đề phù hợp với thực tiễn, nhưng chưa có trong các văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo Bộ trình lên Bộ Chính trị; Bổ sung hình thức thông tư liên tịch giữa Tổng Kiểm toán Nhà nước với các Bộ và cơ quan ngang Bộ; Bỏ yêu cầu lập đề nghị theo quy trình chính sách đối với nghị định tại Khoản 2 Điều 19 của Luật năm 2015.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phát hiện những văn bản chưa phù hợp với thực tiễn; bổ sung, sửa đổi cụ thể, chi tiết các điều khoản trong văn bản quy phạm pháp luật.

Ông cũng định hướng chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo ra những giá trị mới cho nền nông nghiệp và tích hợp vào chuỗi giá trị ngành hàng, tạo động lực cho sự tăng trưởng.

Để thực hiện hiệu quả những chủ trương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ làm tốt hai vấn đề. Thứ nhất, về công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm nghiên cứu tập trung nguồn lực, cải thiện môi trường kinh doanh; tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính và các quy định liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, về công tác tổ chức thi hành pháp luật, Thứ trưởng đề ra 3 định hướng. Một, là đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Hai, là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước. Ba, là khơi dậy ý thức và lợi ích của việc tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành nông nghiệp.

Cổng TTĐT Bộ Nông nghiệp và PTNT