Tham dự buổi lễ có Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Ông Lee Yam Ming, Giám đốc điều hành Trung tâm điều phối ASEAN về nhân đạo trong thiên tai, và các cán bộ Trung tâm điều phối ASEAN về nhân đạo trong thiên tai. Đặc biệt là sự có mặt của các giảng viên, học viên tham gia khóa học.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu Bế giảng khóa học
Theo đó, 31 thành viên mới đã được kết nạp vào đội ngũ ASEAN-ERAT hùng hậu, chuyên nghiệp. Là một trong những cơ chế hợp tác mang tính hành động thiết thực trong khu vực, ASEAN-ERAT được thành lập theo sự đồng thuận của 10 nước ASEAN để tăng cường khả năng sẵn sàng và năng lực của các nước thành viên, đảm bảo ứng phó nhanh, đồng bộ, thống nhất trong nội khối, phát huy sức mạnh tổng hợp của khu vực trong việc hỗ trợ nước thành viên bị ảnh hưởng bởi thảm họa, thiên tai.
Ông Lee Yam Ming, Giám đốc điều hành Trung tâm điều phối ASEAN về nhân đạo trong thiên tai
Cho đến nay ASEAN-ERAT đã có hơn 350 thành viên, được điều động cho 30 nhiệm vụ trong khu vực. Hình ảnh và vai trò của đội ASEAN-ERAT ngày càng nổi bật, cũng như những yêu cầu đặt ra về phạm vi công việc, trách nhiệm, kĩ năng, kiến thức và bản lĩnh của các thành viên cũng được đòi hỏi cao hơn. Có thể nói không quá rằng, ASEAN-ERAT đã dần trở thành biểu tượng của hợp tác ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và biểu tượng của tình hợp tác hữu nghị, hỗ trợ tin cậy của các nước ASEAN, thể hiện rõ tinh thần Tuyên bố Một ASEAN Một Ứng phó của các nhà Lãnh đạo ASEAN.
Trong thời gian tới, với vai trò ngày càng được công nhận của Trung tâm AHA cũng như đội ASEAN-ERAT trong cơ chế hợp tác hành động khu vực, ASEAN-ERAT được kì vọng sẽ tham gia ứng phó các nhiệm vụ mới, thậm chí có thể mở rộng phạm vi ngoài khu vực ASEAN, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đưa ASEAN thành cơ chế hợp tác lãnh đạo mang phạm vi toàn cầu, có ảnh hưởng rộng lớn ngoài khu vực.