BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 31/5/2024
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền (suy yếu từ cơn bão số 1)
Sáng ngày 01/6, sau khi đi vào đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 07 giờ ngày 01/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc, 112,0 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Đông Bắc với tốc độ khoảng 10-15km/h.
Dự báo trong 12 giờ tới: Đến 19h/01/6, vị trí tâm ATNĐ ở 23,4 độ Vĩ Bắc, 113,6 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh dưới cấp 6, giật cấp 8, di chuyển theo hướng Đông Bắc, tốc độ khoảng 10-15km/h và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 19,8 và từ kinh tuyến 110,5-114,0.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3 phía Tây Bắc của khu vực Bắc biển Đông.
2. Tin dự báo gió mạnh và sóng lớn trên biển
Ngày và đêm 01/6, phía Tây Bắc của khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-4m; phía Đông của khu vực Bắc và Giữa biển Đông, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2-3m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2; riêng vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông cấp 3.
3. Tình hình xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 01-10/6/2024 với chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sau: Sông Vàm Cỏ Đông: 40-50km; sông Vàm Cỏ Tây: 60-70km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 20-25km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên: 25-30km; sông Hậu: 25-30km.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: cấp 1.
4. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/30/5-19h/31/5): Các khu vực trên cả nước có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 60-100mm; một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Nà Tấu (Điện Biên) 125mm, Chi Nê (Hoà Bình) 155mm, Bến Đế (Ninh Bình) 146mm, Con Cuông (Nghệ An) 172mm, Hương Điền (Hà Tĩnh) 233mm.
- Mưa đêm (19h/31/5-07h/01/6): Các khu vực trên cả nước có mưa nhỏ hoặc không mưa; riêng trạm Long Hẹ 1 (Sơn La) 49mm.
- Mưa 3 ngày (19h/28/5-19h/31/5): Các khu vực trên cả nước có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 60-120mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Chi Nê (Hoà Bình) 155mm, Hương Điền (Hà Tĩnh) 233mm, Con Cuông (Nghệ An) 172mm, Đăk Sin 1 (Đắk Nông) 152mm, Phú Quốc (Kiên Giang) 149mm.
II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 16h30 ngày 31/5, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 25.742 tàu/131.365 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh, cụ thể:
- Hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa: 829 tàu/4.304 người (các phương tiện đã nắm được thông tin về bão và đang di chuyển vòng tránh).
- Hoạt động ở khu vực khác: 4.710 tàu/27.869 người.
- Neo đậu tại các bến: 20.203 tàu/99.192 người.
- Không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.
III. TÌNH HÌNH THỦY VĂN
1. Các sông khu vực Bắc Bộ:
Mực nước sông Hồng tại trạm Hà Nội và mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Mực nước lúc 07h00 ngày 01/6 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,86m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 1,18m.
Dự báo: Đến 07h00 ngày 02/6, mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 2,1m; trong 36h tới mực nước tại Phả Lại cao nhất có khả năng ở mức 1,70m và thấp nhất ở mức 0,60m.
2. Các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên: Mực nước các sông biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo điều tiết hồ chứa và thủy triều.
3. Các sông Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Đến ngày 04/6, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,15m, tại Châu Đốc ở mức 1,35m.
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
1. Thiệt hại do mưa lớn
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái và Cao Bằng, ngày 30-31/5, mưa lớn kèm theo dông, lốc gây thiệt hại như sau:
- Về người: 03 người chết do bị lũ cuốn trôi (Anh Hầu A Túc sinh năm 2001, cháu Hầu Thị Mơ sinh năm 2012 và anh Nguyễn Văn Huy sinh năm 1983 tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai).
- Về nhà ở: 41 nhà bị hư hỏng, tốc mái (Lào Cai: 35, Yên Bái: 02, Cao Bằng: 04).
- Về nông nghiệp: 89,8 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại (Lào Cai: 08; Điện Biên: 17,8; Yên Bái: 55,7; Cao Bằng: 8,3).
- Về chăn nuôi: 156 con gia súc, gia cầm bị chết (Yên Bái).
- Về giao thông: 2.500 m3 đất đá bị sạt lở (Lào Cai); 01 cầu bị hư hỏng (Yên Bái).
- Về giáo dục: 02 điểm trường bị hư hỏng, tốc mái (Lào Cai: 01, Yên Bái: 01).
2. Thiệt hại do sạt lở
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Cần Thơ, ngày 29-31/5, trên địa bàn quận Bình Thuỷ và Thốt Nốt đã xảy ra sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 146m, làm ảnh hưởng 14 căn nhà.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện tại cơ sở khắc phục hậu quả, thông tuyến giao thông và tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân.
V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Ngày 31/5/2024, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành Công điện số 02/CĐ-QG gửi các Bộ, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đề nghị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão MALIKSI.
- Ngày 30/5/2024, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành Công văn số 208/VPTT và Công điện số 01/CĐ-QG gửi các Bộ, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và các tỉnh, thành phố khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ đề nghị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ và mưa lớn.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chuyển bản tin cảnh báo thiên tai đến các địa phương.
2. Địa phương
- Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa lớn theo Công điện số 01/CĐ-QG ngày 30/5/2024 và 02/CĐ-QG ngày 31/5/2024 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai; trong đó, có 17 tỉnh, thành phố[1] đã ban hành công điện, công văn ứng phó với bão, ATNĐ và mưa lớn.
- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
VI. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo ATNĐ, gió mạnh trên biển để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo Công điện số 01/CĐ-QG ngày 30/5/2024; 02/CĐ-QG ngày 31/5/2024 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
2. Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.
3. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
[1] Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau.
Tải file đính kèm