BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 28/9/2022
I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI:
1. Tin cuối cùng về cơn bão số 4 (NORU)
Chiều 28/9, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 4) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào, tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và tan dần.
2. Tin thời tiết nguy hiểm trên biển
Ngày và đêm 29/9, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Trong ngày 29/9, ở vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động. Ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, khu vực phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) và vịnh Thái Lan có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biến cao từ 1,5-3,0m, biển động.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh: cấp 2.
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/27/9-19h/28/9): Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Quỳnh Lưu (Nghệ An) 232mm; Hương Khê (Hà Tĩnh) 262mm; hồ Hố hô (Hà Tĩnh) 202mm; A Bung (Quảng Trị) 224mm; TT Khe Tre-Nam Đông (T.T.Huế) 362mm; Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 233mm; Đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 628mm; Hồ An Long (Quảng Nam) 372mm; Quế Lưu (Quảng Nam) 348mm; Lý Sơn (Quảng Ngãi) 337mm; Đăk Choong (Kon Tum) 277mm.
- Mưa đêm (19h/28/9-07h/29/9): Khu vực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 – 130mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thanh Thủy (Nghệ An) 331mm; Hạnh Lâm (Nghệ An) 297mm; Cầu Treo (Hà Tĩnh) 209mm; Kim Sơn 1 (Hà Tĩnh) 140mm.
- Mưa 3 ngày (19h/25/9-19h/28/9): Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, tập trung chủ yếu vào rạng sáng ngày 28/9, một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: hồ Hố hô (Hà Tĩnh) 328mm; A Bung (Quảng Trị) 322mm; TT Khe Tre-Nam Đông (T.T.Huế) 501mm; Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 360mm; Đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 701mm; Hồ An Long (Quảng Nam) 451mm; Quế Lưu (Quảng Nam) 428mm; Lý Sơn (Quảng Ngãi) 563mm; Đăk Choong (Kon Tum) 323mm.
Dự báo: Ngày và đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 100mm. Khu vực Hoà Bình, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to và dông, lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm; ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1.
4. Tình hình lũ: Lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định đã đạt đỉnh và đang xuống, lũ trên sông Cam Ly và các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang lên:
- Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt đỉnh 8,87m <BĐ3 0,13m (14h28/9), lúc 05h/29/9 là 6,98m >BĐ1: 0,48m.
- Sông Thu Bồn tại Câu Lâu đạt đỉnh 3,41m >BĐ2: 0,41m (21h28/9), lúc 04h29/9 là 2,72m <BĐ2 0,28m.
- Sông Krông Pô Kô tại Đắk Mốt đạt đỉnh 588,95m>BĐ3 2,45m (14h28/9), lúc 01h29/9 là 585,88m >BĐ2 0,38m.
- Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm là 12,02m >BĐ2 0,52m (01h/29/9)
- Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ là 12,05m <BĐ2 0,45m (01h/29/9)
- Sông Cam Ly tại Thanh Bình là 831,98m ở mức BĐ2 (01h/29/9).
Cảnh báo: Từ đêm 28/9 đến ngày 30/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-7m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên sông các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị lên mức BĐ1-BĐ2; riêng sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) có khả năng lên mức BĐ2 và trên BĐ2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, thượng lưu sông Cả (Nghệ An) lên mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu sông Mã, sông Cả ở dưới mức BĐ1.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện Hướng Hóa, Đăkrông (Quảng Trị); Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỚI BÃO SỐ 4 VÀ MƯA LŨ SAU BÃO.
1. Trung ương
- Xuyên suốt chiều, đêm ngày 27/9 và sáng ngày 28/9, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng ban Lê Văn Thành đã họp trực tuyến với 8 tỉnh/thành phố để chỉ đạo công tác ứng phó với bão.
- Ngay sáng 28/9, các đoàn công tác của BCĐ đã tiếp tục đi kiểm tra công tác khắc phục tiệt hại: đoàn do Phó Thủ tướng CP- Trưởng Ban Lê Văn Thành đi kiểm tra tại tỉnh Thừa Thiên Huế; đoàn công tác của BCĐ do Bộ trưởng - Phó Trưởng Ban thường trực Lê Minh Hoan đã đi kiểm tra tại tỉnh Quảng Ngãi; đoàn công tác của BCĐ do Thứ trưởng - Phó Trưởng Ban Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra tại Quảng Nam.
- Hồi 10h30, ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 với 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bộ Nông nghiệp và PTNT - Thường trực Ban chỉ đạo: thường xuyên nắm bắt tình hình báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban về diễn biến bão và đề xuất kịch bản chỉ đạo; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, đê điều, hồ chứa và sản xuất nông nghiệp.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo bão, mưa lớn và tăng cường các bản tin khi bão vào biển Đông phục vụ công tác chỉ đạo.
- Bộ Quốc phòng chỉ đạo sẵn sàng 244.768 cán bộ, chiến sỹ, 2.921 phương tiện ứng trực phối hợp với ngành thuỷ sản, chính quyền địa phương kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn di chuyển tránh trú bão; tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu.
- Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến bão, mưa lớn và công tác chỉ đạo ứng phó.
- Các Bộ: Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS HCM và các cơ quan có liên quan đã có các công điện, văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai ứng phó với bão, mưa lũ.
- Văn phòng thường trực tăng cường trực ban, theo dõi sát tình hình, diễn biến của bão số 4, ATNĐ; thường xuyên cung cấp thông tin cho các đoàn công tác và gửi các bản tin cảnh báo, dự báo đến các địa phương để chủ động chỉ đạo, ứng phó với bão, ATNĐ và mưa, lũ sau bão.
2. Địa phương
- 16/16 tỉnh/TP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và Gia Lai, Kon Tum đã có công điện và văn bản chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ.
- Các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã chỉ đạo không cho người dân ra đường khi bão đổ bộ.
- Thực hiện nghiêm công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo.
III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, tình hình thiệt hại ban đầu như sau:
- Về người: 60 người bị thương (Quảng Trị 11; Huế 08; Quảng Nam 41).
- Về nhà: 95 nhà sập (Quảng Trị 03; Huế 06; Quảng Nam 65; Quảng Ngãi 21); 3.264 nhà bị hư hại, tốc mái (Quảng Trị 155; Huế 419; Đà Nẵng 228; Quảng Nam 1.150; Quảng Ngãi 1.278; Gia Lai 7; Kon Tum 27); 1.415 nhà bị ngập (Nghệ An).
- Về nông nghiệp: 295ha lúa, 1.038ha hoa màu, 6ha thủy sản bị ngập; 5.262 cây xanh gãy đổ.
- Về thủy lợi, đê, kè: Sạt mái hạ lưu đập Hóc Cối (Nghệ An), đã xử lý; 500m kênh (Hà Tĩnh); 1.000m đê, kè biển bị hư hỏng sạt lở (Hà Tĩnh: 500m; Quảng Trị: 500m); 12 đập, hồ chứa bị xói lở kênh (Kon Tum);
- Về sạt lở bờ sông, bờ biển: 1.650m bờ biển và 320m bờ sông (Thừa Thiên Huế).
- Về giáo dục: 77 điểm trường bị ảnh hưởng (Quảng Trị 4, Đà Nẵng 25, Quảng Nam 21, Quảng Ngãi 27).
- Về tàu thuyền: 01 ghe (Quảng Nam), 08 tàu nhỏ (Đà Nẵng 04; Quảng Nam 04) bị hư hại, chìm tại khu neo đậu.
- Về chăn nuôi: 1.666 con gia súc, 1.475 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
- Về giao thông: 65 vị trí bị ngập, sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B, 15D, 9D, 14E, 24, 24B, 24C, một số tuyến đường giao thông địa phương và 04 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi.
- Về hệ thống điện: 10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời; các địa phương đã khắc phục xong trong ngày 28/9, riêng các trạm tại Quảng Nam hiện đang tiếp tục khắc phục.
IV. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TIẾP TỤC TRIỂN KHAI
1. Thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại; huy động lực lượng kịp thời, khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão; dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố, khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để nhanh chóng khôi phục hoạt động bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân.
2. Hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...) để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân.
3. Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.
4. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ, tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
5. Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu./.
Tải file đính kèm