I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT (Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia)
Tin mưa lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh nên từ ngày 30/3 đến 02/4, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong đó khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình phổ biến từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; các khu vực khác phổ biến từ 50-150mm/đợt, có nơi trên 200m/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
II. TÌNH HÌNH MƯA
- Mưa ngày (từ 19h/27/3-19h/28/3): Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 20-30mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Châu Đốc (An Giang) 81mm, Mỏ Cày (Kiên Giang) 63mm, Sa Đéc (Đồng Tháp) 59mm, U Minh (Cà Mau) 54mm.
- Mưa đêm (từ 19h/28/3-07h/29/3): Khu vực miền núi phía Bắc và Nam Bộ có mưa phổ biến dưới 30mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Mường Chà (Điện Biên) 43mm, Thân Thuộc (Lai Châu) 34mm, Đức Hòa (Long An) 43mm, Vĩnh Điền (Bến Tre) 34mm.
- Mưa 03 ngày (từ 19h/25/3-19h/28/3): Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, tổng lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Hoài Đức-Lâm Hà (Lâm Đồng) 94mm; Rạch Giá (Kiên Giang) 77mm, Đắk Nông (Đắk Nông) 75mm; Sông Trà (Quảng Nam) 68mm.
III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI DO THIÊN TAI
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, An Giang và Cà Mau, mưa lớn, mưa đá, dông lốc, sét xảy ra ngày 27/3 đã gây thiệt hại như sau:
- Về người: 01 người chết (Ông Nguyễn Phải Giỏi, sinh năm 1989 tại xã Nam Linh, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận bị chết do sét đánh).
- Về nhà ở: 183 nhà tốc mái, hư hỏng (An Giang: 158 nhà; Đắk Nông: 20 nhà; Gia Lai: 04 nhà; Bình Phước: 01 nhà; Cà Mau: 01 nhà).
- Về nông nghiệp: 43,5 ha hoa màu, 22.530 cây trồng lâu năm, 350 cây cao su bị gãy đổ; 2,1 ha nhà kính và 01 trang trại trồng nấm bị thiệt hại.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân thiệt mạng, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương:
- Ngày 28/3/2022, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT đã có văn bản số 167/VPTT gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đề nghị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chuyển các bản tin cảnh báo, dự báo đến các địa phương để chủ động triển khai ứng phó.
2. Địa phương:
Các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo chỉ đạo tại văn bản số 167/VPTT ngày 28/3/2022 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo QG về PCTT.
V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các nội dung tại văn bản số 167/VPTT ngày 28/3/2022 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo QG về PCTT; theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động ứng phó khi có tình huống, huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, sản xuất nông nghiệp và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.
2. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT và Văn phòng UBQG ƯPSC,TT&TKCN./.
Tải file đính kèm