BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 28/10/2024
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin dự báo mưa lớn ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và tin mưa dông, cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Nam Bộ
Từ ngày 29/10 đến hết đêm 30/10, khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 400mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h). Từ ngày 31/10, mưa lớn ở khu vực Trung Bộ giảm dần.
Ngày và đêm 29/10, khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1
2. Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển
Ngày và đêm 29/10, khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển Quảng Trị và từ Khánh Hòa đến Cà Mau, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8. Ngoài ra, ngày và đêm 29/10, khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/27/10-19h/28/10): Khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, phổ biến từ 80-150mm, riêng Quảng Bình từ 200-300mm; một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 341mm, Hồ Thượng Sông Trí (Hà Tĩnh) 308mm, Hồ Sông Thai (Quảng Bình) 529mm, Lâm Thủy (Quảng Bình) 437mm, Trường Xuân (Quảng Bình) 376mm.
- Mưa đêm (19h/28/10-07h/29/10): Khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 40-70mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Hồ Sông Rác (Hà Tĩnh) 74mm; Hồ Sông Thai (Quảng Bình) 145mm; Hồ Trúc Kinh (Quảng Trị) 186mm; Tà Long (Quảng Trị) 176mm; Thị trấn Sịa (Thừa Thiên Huế) 87mm.
- Mưa đợt (19h/25/10-07h/29/10): Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, phổ biến từ 200-400mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Hồ Sông Rác (Hà Tĩnh) 589mm; Hồ Sông Thai (Quảng Bình) 1.142mm; Hồ An Mã (Quảng Bình) 866mm; Lệ Ninh (Quảng Bình) 798mm; Thủy điện La Tó (Quảng Trị) 771mm; Tà Long (Quảng Trị) 771mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 645mm.
II.TÌNH HÌNH THỦY VĂN
1. Các sông khu vực Trung Bộ:
Mực nước lúc 07h/29/10, trên các sông như sau:
- Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 4,08m, trên BĐ3 1,38m (đã đạt đỉnh từ 20h/28/10-01h/29/10 là 4,14m, thấp hơn 0,74m so với mức lũ lịch sử năm 2020 là 4,88m), đang xuống.
- Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn 4,16m, dưới BĐ2 0,34m, đang lên.
Dự báo: Trong 12-24h tới, lũ trên sông Kiến Giang xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ3, lũ trên sông Thạch Hãn xuống dưới BĐ1.
2. Các sông khu vực Bắc Bộ: Mực nước lúc 07h00 ngày 29/10 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,22m; sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 0,29m. Dự báo đến 07h/30/10, mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 1,45m, mực nước tại Phả Lại cao nhất dự báo là 1,55m, thấp nhất là 0,35m.
3. Các sông khu vực Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Mực nước lúc 07h/29/10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,50m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,48m. Dự báo: Đến ngày 01/11, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,55m, tại Châu Đốc ở mức 2,55m.
III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU
1. Hồ chứa thuỷ điện (cập nhật đến 06h ngày 29/10/2024 theo báo cáo của Bộ Công Thương)
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Có 03 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả tràn/lưu lượng về hồ (m3/s): A Lưới: 110/153; Đa krong 1: 397/426; La Tó: 93/100;
- Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ: Có 04 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả tràn/lưu lượng về hồ (m3/s): An Điềm 1: 53/60; Đăk Mi 3: 45/111; Sông Côn bậc 2: 23/46; Za Hưng: 111/153.
2. Hồ chứa thuỷ lợi (cập nhật đến 17h ngày 28/10/2024 theo báo cáo của Cục Thủy lợi)
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Tổng có 2.323 hồ, đạt 52% - 86% dung tích thiết kế, trong đó 05 hồ đang vận hành xả tràn: Cửa Đạt (Thanh Hóa) xả 171 m3/s; Vực Mấu (Nghệ An) xả 4 m3/s; Ngàn Trươi (Hà Tĩnh) xả 6 m3/s; Bảo Đài (Quảng Trị) xả 61 m3/s; Tả Trạch (TT. Huế) xả 231 m3/s; 145 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp; 52 hồ chứa đang thi công.
- Khu vực Nam Trung Bộ: Tổng có 517 hồ, đạt 33% - 59% dung tích thiết kế, trong đó 04 hồ đang vận hành xả tràn: Long Mỹ (Bình Định) xả 7 m3/s; Sông Cái (Ninh Thuận) xả 27 m3/s; Sông Quao xả 24 m3/s, Cà Giây xả 12 m3/s, Sông Phan xả 9,6 m3/s (Bình Thuận); 26 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp; 19 hồ chứa đang thi công.
3. Tình hình đê điều
Do ảnh hưởng của sóng lớn và mưa lũ sau bão số 6, ngày 28/10/2024 xảy ra 03 sự cố đê điều (Hà Tĩnh 02, Quảng Trị 01), cụ thể:
- Hà Tĩnh: Trên các tuyến đê biển tả Nghèn, huyện Lộc Hà (đê cấp IV) và đê biển Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (đê cấp V) xảy ra sự cố lún, sụt cấu kiện lát mái kè phía biển.
- Quảng Trị: Trên tuyến đê hữu Thạch Hãn, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Bắc Phước - đê cửa sông, cấp IV) bị sạt lở mái đê phía sông một số vị trí với tổng chiều dài sạt lở khoảng 600m.
Các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi được thiết kế, nâng cấp đảm bảo chống bão cấp 9-10, triều tần suất 5%; các tuyến đê sông, đê cửa sông có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ tiểu mãn, lũ sớm (khi lũ chính vụ ở mức cao sẽ tràn đê).
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, tính đến 07h/29/10, bão số 6 và mưa lũ hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại như sau:
- Về người: 01 người chết tại Quảng Bình (do nước cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ), 01 người mất tích tại Quảng Bình (bị nước cuốn mất tích trong lúc di chuyển tài sản tránh lũ, thuyền bị lật), 05 người bị thương (Quảng Trị 01; Quảng Nam 04).
- Về nhà ở: 318 nhà hư hỏng, tốc mái (Quảng Trị 05, TT Huế 235, Quảng Nam 18, Đà Nẵng 60); 34.201 nhà ngập (Quảng Bình 32.767, Quảng Trị 1.336, TT Huế 47, Đà Nẵng 51). Đến nay còn 34.020 nhà ngập (Quảng Bình 32.767, Quảng Trị 1.253).
- Về nông nghiệp: 622 ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại (Quảng Bình 291; Quảng Trị 309,5; TT Huế 05; Quảng Nam 6,5; Đà Nẵng 10); 2.784 cây xanh đô thị bị gãy đổ (Quảng Bình 15, Quảng Trị 14, TT Huế 1.807, Quảng Nam 95, Đà Nẵng 853); 531 con gia súc (Quảng Trị 530, Quảng Nam 01), 17.552 con gia cầm bị chết, cuốn trôi (Quảng Bình 4.000, Quảng Trị 13.482, Quảng Nam 70); 1.091 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Hà Tĩnh 02, Quảng Bình 410, Quảng Trị 681).
- Về giao thông: 53 vị trí đường Quốc lộ 9B, 9C, 12A, 9E, 15 (Quảng Bình), 15D, 9D (Quảng Trị), 49B (TT Huế) bị sạt lở, hư hỏng; 89 vị trí đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng với tổng khối lượng 25.914 m3 đất đá. Sự cố đường sắt Bắc - Nam tại khu gian Sa Lung - Tiên An đang tiếp tục xử lý và bố trí ô tô chuyển tải hành khách giữa ga Đông Hà và ga Đồng Hới; dự kiến thông đường trước 15h ngày 29/10.
- Về thủy lợi: 6,5km kè, kênh mương bị hư hỏng tại Quảng Trị; 16,8km bờ biển bị sạt lở (Quảng Bình 1,5km; Quảng Trị 5km; Thừa Thiên Huế 10,3km).
Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Sáng ngày 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 6.
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Phú Yên và các Bộ ngành ứng phó với bão số 6.
- Ngày 28/10, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã cử đoàn công tác đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị để kiểm tra, phối hợp chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, lũ.
2. Địa phương
Các tỉnh, thành phố chủ động triển khai ứng phó với mưa lũ sau bão theo Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Để ứng phó với mưa lũ, đến nay đã tổ chức di dời 11.432 hộ/33.740 người, trong đó: Quảng Bình: 10.372 hộ/31.050 người (sơ tán tại chỗ 9.123 hộ/27.300 người); Quảng Trị: 1.030 hộ/2.603 người; Quảng Nam: 30 hộ/156 người); các địa phương đã tổ chức rà soát, triển khai ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão, nhất là sơ tán dân khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
VI. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão theo Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 ngày 27/10/2024.
2. Các tỉnh, thành phố tổ chức khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống.
3. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế (đặc biệt là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đang còn lũ, ngập lụt) tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn để chủ động ứng phó.
4. Tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai./.
Tải file tại đây