BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 27/10/2024
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
- Tin cuối cùng về cơn bão số 6
Sáng ngày 28/10, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 6) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền ven biển Quảng Nam-Đà Nẵng; Hồi 4h00, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Đông Bắc suy yếu và tan dần.
- Tin dự báo mưa lớn ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế
Từ ngày 28-29/10 từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 150-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h).
Ngày và đêm 30/10, khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1
- Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển
Ngày và đêm 28/10, khu vực Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-5m; vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-4m; vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông có gió Tây Nam cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-4m; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-4m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2
- Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/26/10-19h/27/10): Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to, phổ biến từ 150-400mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Trường Thủy (Quảng Bình) 514mm; Hồ An Mã (Quảng Bình) 622mm; Hồ Bảo Đài (Quảng Trị) 493mm; TĐ La Tó (Quảng Trị) 462mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 558mm; Thượng Lộ (Thừa Thiên Huế) 537mm.
- Mưa đêm (19h/27/10-07h/28/10): khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-100mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Hồ Sông Rác (Hà Tĩnh) 210mm; Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 224mm; Vạn Trạch (Quảng Bình) 270mm; Lâm Thủy (Quảng Bình) 300mm; Hướng Linh (Quảng Trị) 88mm.
- Mưa 3 ngày (19h/24/10-19h/27/10): Khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to, phổ biến từ 200-400mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Trường Thủy (Quảng Bình) 519mm; Hồ An Mã (Quảng Bình) 623mm; Hồ Bảo Đài (Quảng Trị) 493mm; TĐ La Tó (Quảng Trị) 463mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 627mm; Thượng Lộ (Thừa Thiên Huế) 572mm.
II.TÌNH HÌNH THỦY VĂN
- Các sông khu vực Trung Bộ:
Mực nước lúc 7h/28/10, trên các sông như sau:
- Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 3,63m, trên BĐ3 0,93m (đã đạt đỉnh lúc 0h/28/10 3,74m), đang xuống.
- Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn 4,55m, trên BĐ2 0,05m (đã đạt đỉnh lúc 0h/28/10 5,29m), đang xuống.
- Sông Hương tại trạm Kim Long 0,94m, dưới BĐ1 0,06m (đã đạt đỉnh lúc 12h/27/10 2,31m), đang xuống.
Dự báo: Trong 12-24h tới, lũ trên sông Kiến Giang, Thạch Hãn tiếp tục xuống chậm.
- Các sông khu vực Bắc Bộ: Mực nước lúc 07h00 ngày 28/10 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,60m; sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 0,5m. Dự báo: đến 07h/29/10, mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 1,55m, mực nước tại Phả Lại cao nhất dự báo là 1,5m, thấp nhất là 0,45m.
- Các sông khu vực Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống theo triều. Mực nước lúc 07h/28/10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,49m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,48m. Dự báo: Đến ngày 31/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,47m, tại Châu Đốc ở mức 2,45m.
III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU
- Hồ chứa thuỷ điện (cập nhật đến 06h ngày 28/10/2024 theo báo cáo của Bộ Công Thương)
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Có 03 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả tràn/lưu lượng về hồ (m3/s): A Lưới: 113/156; Đa krong 1: 152/182; La Tó: 105/112;
- Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ: Có 05 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả tràn/lưu lượng về hồ (m3/s): An Điềm 1: 94/94; Đăk Mi 2: 53/108; Sông Côn bậc 1: 51/40; Sông Côn bậc 2: 46/72; Za Hưng: 200/241.
- Hồ chứa thuỷ lợi (cập nhật đến 17h ngày 27/10/2024 theo báo cáo của Cục Thủy lợi)
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Tổng có 2.323 hồ, đạt 52% - 86% dung tích thiết kế, trong đó 04 hồ đang vận hành xả tràn: Cửa Đạt (Thanh Hóa) xả 251 m3/s, Vực Mấu (Nghệ An) xả 4 m3/s; Ngàn Trươi (Hà Tĩnh) xả 6 m3/s, Tả Trạch (TT.Huế) xả 85 m3/s; 145 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp; 52 hồ chứa đang thi công.
- Khu vực Nam Trung Bộ: Tổng có 517 hồ, đạt 33% - 59% dung tích thiết kế, trong đó 04 hồ đang vận hành xả tràn: Long Mỹ (Bình Định) xả 7 m3/s; Sông Cái (Ninh Thuận) xả 27 m3/s; Sông Quao xả 24 m3/s, Cà Giây (Bình Thuận) xả 12 m3/s; 26 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp; 19 hồ chứa đang thi công.
- Tình hình đê điều
Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên còn tồn tại 38 trọng điểm đê điều xung yếu (Hà Tĩnh 05, Quảng Bình 10, Quảng Trị 05, Thừa Thiên Huế 08, Đà Nẵng 03, Quảng Nam 01, Quảng Ngãi 03, Bình Định 02, Phú Yên 01) và 04 công trình kè biển đang thi công (Quảng Nam: 01, Quảng Trị: 01, Phú Yên: 02). Trong ngày, không ghi nhận thông tin sự cố đê điều xảy ra do ảnh hưởng của bão số 6 và mưa lũ sau bão.
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN các địa phương, tính đến 06h/28/10, bão số 6 và mưa lũ hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại như sau:
- Về người: 01 người mất tích tại Quảng Bình (do nước cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ), 04 người bị thương tại Quảng Nam.
- Về nhà ở: 295 nhà hư hỏng, tốc mái (Quảng Trị 01, Thừa Thiên Huế 214, Quảng Nam 18, Đà Nẵng 62); 15.199 nhà ngập (Quảng Bình 15.032, Quảng Trị 69, Thừa Thiên Huế 47, Đà Nẵng 51), đến nay còn 15.032 nhà ngập tại Quảng Bình.
- Về nông nghiệp: 431ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng (Quảng Bình 374, Quảng Trị 38, Quảng Nam 7, Đà Nẵng 12); 1.018 cây xanh đô thị bị gãy đổ (Quảng Trị 14, Quảng Nam 95, Đà Nẵng 909); 71 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi (Quảng Nam); 332 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Quảng Bình 100, Quảng Trị 232).
- Về giao thông: 37 vị trí trên quốc lộ 9B (Quảng Bình), đường Hồ Chí Minh (Quảng Trị) bị sạt lở; ngập một số vị trí ngầm tràn trên các quốc lộ 9B, 9C, 15 (Quảng Bình), 15D (Quảng Trị) và nhiều tuyến đường tỉnh, đường liên xã trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đến sáng 28/10, các tuyến đường, ngầm tràn tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cơ bản đã rút nước, giao thông bình thường.
- Về thủy lợi: 950m kè, kênh mương bị hư hỏng (Quảng Trị); 8,6km bờ biển bị xói lở (Quảng Bình 1,5km; Quảng Trị 5km; Thừa Thiên Huế 2,1km).
Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
- Trung ương
- Sáng ngày 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 6.
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Phú Yên và các Bộ ngành ứng phó với bão.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 02 công điện (công điện số 7966/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 22/10/2024 và số 7930/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 21/10/2024); chiều ngày 25/10 đã tổ chức họp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và các Bộ ngành để rà soát công tác ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.
- Các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã có Công điện về việc ứng phó với bão; Bộ Ngoại giao đã có Công hàm từ ngày 22/10/2024 gửi các quốc gia, vùng lãnh thổ đề nghị tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân tránh trú.
- Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm ngừng khai thác tại 04 Cảng Hàng không từ Quảng Bình - Quảng Nam. Đến chiều ngày 27/10, các Cảng Hàng không đã hoạt động trở lại bình thường.
- Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia đã liên tục cập nhật, cung cấp bản tin dự báo mưa lớn, bão, áp thấp nhiệt đới đến các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan, đơn vị liên quan.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng cập nhật, phát các bản tin dự báo mưa lớn, bão, áp thấp nhiệt đới để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và cảnh báo cho người dân.
- Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tăng cường công tác trực ban 24/24h (bộ phận tại Hà Nội và khu vực miền Trung tại Đà Nẵng); tham mưu chỉ đạo ứng phó khi bão, mưa lũ; đã có văn bản gửi các tỉnh, TP ven biển từ Thanh Hoá - Phú Yên đề nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều; tổ chức nhắn 13,9 triệu tin Zalo hướng dẫn ứng phó với bão, mưa lũ sau bão.
- Địa phương
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động triển khai ứng phó với ứng phó với bão, mưa lũ theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Ngãi đã cấm biển; tổ chức sơ tán 9.709 hộ/33.181 người (Quảng Bình: 151 hộ/546 người; Quảng Trị: 937 hộ/2.423 người; TT. Huế: 2.469/7.085 người; Đà Nẵng: 1.719 hộ/6.171 người; Quảng Nam: 4.243 hộ/ 16.268 người; Quảng Ngãi: 190 hộ/688 người), đến nay, còn 1.118 hộ/3.125 người đang di dời (Quảng Bình: 151 hộ/546 người; Quảng Trị: 937 hộ/2.423 người; Quảng Nam: 30 hộ/156 người); các địa phương đã tổ chức rà soát, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão, nhất là sơ tán dân khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
VI. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
- Các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão theo Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 7966/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 22/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 ngày 27/10/2024.
- Các tỉnh, thành phố tổ chức khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống.
- Tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai./.
Tải file đính kèm.