Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 26/10/2021



 

 

BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 26/10/2021

 

Trên cơ sở báo cáo của các bộ phận trực[1], Văn phòng thường trực báo cáo công tác trực ban ngày 26/10/2021 như sau:

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Tin về vùng áp thấp suy yếu từ ATNĐ

Sáng nay, ATNĐ đã suy yếu thành vùng áp thấp và đi vào đất liền tỉnh Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới giảm xuống dưới cấp 6.

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thêm. Ngày 27/10, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận gió giật cấp 6-7. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo mưa lớn: ngày 27/10, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa 50-80mm, có nơi trên 100mm. Từ đêm 27/10 mưa lớn ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giảm.

Từ đêm 27/10 đến ngày 31/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.

2. Tình hình mưa

- Mưa ngày (từ 19h/25/10-19h/26/10): Các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Đắk Lắk, Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, một số trạm có mưa lớn hơn như: Hồ Hoa Sơn (Khánh Hòa) 66mm; Sông Hinh (Phú Yên) 58mm; Ea M’Đoal 56mm; Vạn Thạnh (Khánh Hòa) 46mm; Hòa Vinh (Phú Yên) 41mm.

- Mưa đêm (từ 19h/26/10-06h/27/10): Các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và Đắk Lắk có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 60-80mm; một số trạm có lượng mưa lớn như: Tam Trà (Quảng Nam) 115mm; Sông Hinh (Phú Yên) 243mm; Đập Tràn (Phú Yên) 195mm; Ea Bar (Phú Yên) 136mm; Ea M’Đoal (Đắk Lắk) 226mm; Cư Króa (Đắk Lắk) 137mm; Hồ Hoa Sơn (Khánh Hòa) 99mm.

- Mưa 3 ngày (từ 19h/23/10-19h/26/10): Khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa rất to tập trung chủ yếu vào ngày 24/10, lượng mưa phổ biến từ 200-350mm, một số trạm mưa lớn hơn như: Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 420mm; Tam Trà (Quảng Nam): 401 mm, Trà Giáp (Quảng Nam): 380mm, Trà Hiệp (Quảng Ngãi): 396 mm.

Dự báo: ngày 27/10, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa khoảng 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ đêm nay mưa lớn giảm ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Từ đêm 27/10 đến ngày 31/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.

3. Tình hình lũ:

- Lũ trên các sông Trung Bộ và Tây Nguyên đều xuống dưới BĐ1, riêng tại sông Bồ (Phú Ốc) còn trên BĐ1 là 0,29m.

- Dự báo: từ nay đến ngày 28/10, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và thượng lưu sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ; đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2, sông Kôn (Bình Định), sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa), sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận), sông La Ngà (Bình Thuận), thượng lưu sông Đồng Nai và các sông ở khu vực Nam Tây Nguyên lên trên BĐ2, có sông lên mức BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Đồng Nai và khu vực Tây Nguyên.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1-2

II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN

Các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.192 tàu/261.359 người di chuyển vòng tránh khu vực nguy hiểm của ATNĐ. Hiện chưa ghi nhận thông tin sự cố nào xảy ra.

III. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU, HỒ CHỨA, GIAO THÔNG

1. Tình hình đê điều

Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận hiện có 19 trọng điểm, vị trí xung yếu và 11 công trình đê, kè biển, cửa sông (2 công trình đê cửa sông, 9 công trình kè) đang thi công dở dang.

2. Tình hình hồ chứa

a) Hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên:

- Có 70 hồ thủy điện Trung Bộ và Tây Nguyên đang điều tiết qua tràn (Bắc Trung Bộ 05 hồ, Nam Trung Bộ 14 hồ, Tây Nguyên 37 hồ, Đông Nam Bộ: 14 hồ).

- Một số hồ điều tiết lưu lượng lớn (Qđt/Qvề; m3/s) như: Cần Đơn: 502/813; Srok Phu Miêng: 345/655; Thác Mơ: 249/299; Trị An: 310/1.090; Sông Ba Hạ: 800/1.050; Sông Tranh 2: 208/684; Buôn Kuốp: 221/502; Đăk Srông 3B: 396/544; Đăk srông 3A: 609/676; Đrây HLinh 1: 440/590; Sê San 3: 240/726; Sê San 4: 224/899; Sê San 4a: 374/899.

b) Hồ chứa thủy lợi khu vực miền Trung và Tây Nguyên:

- Khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa – T.T.Huế) có 1.885/2.323 hồ đầy nước (Thanh Hóa 385/610 hồ, Nghệ An 1.029/1.061 hồ, Hà Tĩnh 292/323 hồ, Quảng Bình 128/150 hồ, Quảng Trị 5/123 hồ, TT. Huế 46/56 hồ).

- Khu vực Nam Trung Bộ (Đà Nẵng - Phú Yên): có 185/476 hồ đầy nước (Quảng Ngãi 112/118 hồ đầy nước, Quảng Nam 59/73 hồ, Đà Nẵng 14/19 hồ); 46 hồ xung yếu, 28 hồ đang thi công; trong đó hồ Nước Trong đang điều tiết 552/294 m3/s.

- Khu vực Tây Nguyên: có 94/194 hồ đầy nước (Kon Tum 70/80 hồ, Gia Lai: 24/114 hồ).

3. Giao thông:

- Các sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông đang được khắc phục, hiện đã đảm bảo thông tuyến.

- Đường sắt đã thông toàn tuyến, khu vực đang khắc phục sự cố khai thác với tốc độ 5km/h.

4. Tình hình ngập lụt: hiện các tỉnh không còn ngập nhà ở khu dân cư.

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo cáo của các tỉnh, tình hình thiệt hại do mưa, lũ tính đến 07h/27/10/2021 như sau:

1. Về người:

- 05 người chết, tăng 04 người (03 người tại Quảng Ngãi mất tích đã tìm thấy thi thể; 01 người tại Quảng Nam mất tích từ 23/10 đã tìm thấy thi thể).

- 01 người mất tích tại Quảng Trị (nhảy khỏi tàu mắc cạn ở đập tràn Nam Thạch Hãn bị nước cuốn trôi)

2. Về nhà: 12 nhà bị hư hại (Quảng Nam: 08, Bình Định 01, Quảng Ngãi 03).

3. Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản:

- 262 ha lúa và 549 ha rau màu bị thiệt hại.

- 1,2 tấn cá và 11.254 con tôm, gia súc, gia cầm các loại bị chết; 153 ha thủy sản bị thiệt hại.

4. Tình hình sạt lở:

Tổng chiều dài các đoạn sạt lở 9.670m, bao gồm:

a) Thừa Thiên Huế: Bờ biển thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, thành phố Huế với chiều dài khoảng 250m; bờ sông Bồ tại 7 vị trí với tổng chiều dài 2.720m (thuộc thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền); bờ sông Hương tại 3 vị trí với tổng chiều dài 1.200m (TP Huế, huyện Phú Vang); sạt lở mái taluy đường vườn Quốc gia Bạch Mã khoảng100m (huyện Phú Lộc).

b) Quảng Nam: Sạt lở, hư hỏng, ngập lụt cục bộ các tuyến đường QL 40b, QL 14H, ĐT606, ĐT 617, ĐT618, ĐT 611 (thuộc các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh, Quế Sơn, Nông Sơn, Tây Giang).

c) Quảng Ngãi: Sạt lở bờ biển tại xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ dài 2.500m, ăn sâu vào đất liền khoảng 50m, nguy cơ ảnh hưởng đến 1.200 hộ/ 4.300 khẩu; sạt lở bờ sông Trà Bồng, Phước Giang, Trà Khúc dài 2.900m.

5. Về giao thông và thủy lợi:

- 2.564m kênh mương bị sạt lở; 04 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sạch bị hư hỏng; 28 đập dâng bị bồi lấp, sạt lở 160m bờ sông.

- Đường Quốc lộ: 34 vị trí trên 03 tuyến quốc lộ (24, 24B, 24C), 30 vị trí đường tỉnh hư hỏng, sạt lở (Quảng Ngãi) tổng khối lượng sạt lở 12.687m3.

- Đường tỉnh, huyện, xã: 106 vị trí bị sạt lở với tổng khối lượng sạt lở 7.623m3.

V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Thủ tướng Chính phủ đã có 02 công điện: số 1420/CĐ-TTg ngày 23/10/2021 về việc chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ miền Trung; số 1426/CĐ-TTg ngày 25/10/2021 về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã có Công điện số 16/CĐ-TW ngày 24/10/2021 chỉ đạo các tỉnh chỉ đạo ứng phó với vùng áp thấp.

- Ngày 26/10, Ban Chỉ đạo đã họp trực tuyến với các tỉnh từ T.T.Huế đến Bình Thuận rà soát, triển khai công tác ứng phó với ATNĐ và diễn biến mưa lũ những ngày tới.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã cử đoàn công tác đến các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa kiểm tra, phối hợp chỉ đạo công tác ứng phó với ATNĐ; ngày 27/10 đoàn tiếp tục đi kiểm tra, phối hợp chỉ đạo công tác ứng phó tại Quản Ngãi, Quảng Nam).

2. Các Bộ ngành:

- Ủy ban Quốc gia TKCN, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo.

- Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, đê điều, hồ chứa và thu hoạch lúa đã đến thời kỳ thu hoạch.

- Các Bộ ngành theo nhiệm vụ triển khai ứng phó với mưa lũ theo nội dung công điện số 1420/CĐ-TTg và 1426/CĐ-TTg.

- Bộ đội biên phòng đã tổ chức bắn pháo hiệu tại 29 điểm từ Bình Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu.

- Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.

3. Địa phương

- Các tỉnh/thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ; triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo; trong đó có 10 tỉnh, thành phố đã có công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó (Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Hồ Chí Minh, Tiền Giang).

- Đôn đốc, kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; bảo đảm an toàn công trình đang thi công.

- Chỉ đạo quản lý đảm bảo an toàn về người tại các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển;

- Bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ chứa, công trình xung yếu, đang thi công; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất;

- Tổ chức tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ.

VI. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

Các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành tiếp tục triển khai Công điện số 1420/CĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nội dung:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trong những ngày tới để chủ động các biện pháp ứng phó.

- Tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ, sạt lở, tìm kiếm người mất tích.

- Vận hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du, đảm bảo an toàn công trình đang thi công.

- Tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thiên tai, thời tiết, đảm bảo an toàn.

- Cử lực lượng thường trực khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

- Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra./.

 

Tải file đính kèm tại đây

[1] Trực tổng hợp và 07 bộ phận trực: Trực điều hành liên hồ chứa; Trực đê điều; Trực ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Trực cung cấp thông tin thiên tai quốc tế; Trực cơ sở dữ liệu; Trực thông tin, truyền thông; Trực hành chính, văn thư, hậu cần.