Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 25/10/2024



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 25/10/2024

 I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

1. Tin bão khẩn cấp (Cơn bão số 6)

Hồi 04 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h. 

 Dự báo:

- Đến 04h/27/10: Vị trí ở 17,0 độ Vĩ Bắc, 109,7 độ Kinh Đông; trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ, cách Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc; di chuyển hướng Tây Tây Nam, khoảng 20km/h; sức gió cấp 11, giật cấp 14. Vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến 15,5-19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,0; RRTT cấp 3: khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ.

- Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Đông, mỗi giờ đi được 10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.

(Chi tiết có bản tin dự báo của TT KTTV Quốc gia kèm theo)

2. Tin dự báo mưa lớn ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định và phía Bắc Tây Nguyên.

Từ chiều tối và đêm 26/10 đến ngày 27/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350mm; khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Bình Định và phía Bắc Tây Nguyên có mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Cảnh báo: Từ đêm 27/10 đến đêm 28/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, cục bộ có nơi trên 350mm; khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Bình Định và phía Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 40-90mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1

3. Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển

Ngày và đêm 26/10, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-9m; khu vực giữa biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 5-7m, phía Đông đêm gió giảm dần; vùng biển từ Quảng Bình đến Quãng Ngãi có gió mạnh cấp 6, đêm gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3-5m; khu vực vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 6, đêm có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4m; khu vực Nam biển Đông, Gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2-4m.

4. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/24/10-19h/25/10): Khu vực Nam Bộ có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 20-40mm; một số trạm có lượng mưa lớn như: Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh): 77 mm, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu): 100 mm, An Ninh KV3 (Kiên Giang): 121 mm.

- Mưa đêm (19h/25/10-07h/26/10): Các khu vực trên cả nước có mưa nhỏ hoặc không mưa.

- Mưa 3 ngày (19h/22/10-19h/25/10): Khu vực Trung Bộ và Nam Bộ có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 40-100mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Lâm Thủy (Quảng Bình) 178mm, Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu): 142 mm, An Ninh KV3 (Kiên Giang): 135 mm, Đất Mũi (Cà Mau): 114 mm.

II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

1. Tình hình tàu thuyền

a) Tàu cá

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PTDS - PCTT, TKCN Bộ đội Biên phòng (tính đến 6h30 ngày 26/10/2024): đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể:

- Hoạt động khu vực khác: 8.143 tàu/45.180 người;

- Neo đậu tại các bến: 59.069 tàu/262.642 người.

Không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.

b) Tàu vận tải

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có 940 tàu, trong đó có 469 tàu biển và 471 phương tiện thuỷ nội địa.

3. Nuôi trồng thủy sản: Theo báo cáo của Cục Thuỷ sản, tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận là 110.625 ha (22.445 ha nuôi tôm nước lợ, 9.644 ha nuôi nhuyễn thể bãi triều, 78.536 ha nuôi thủy sản nước ngọt); 119.356 lồng bè; 1.929 chòi canh nuôi trồng thủy sản.

III.TÌNH HÌNH THỦY VĂN

1. Các sông khu vực Bắc Bộ: Mực nước lúc 07h00 ngày 26/10 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,76m; sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 0,56m. Dự báo: đến 07h/27/10, mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 1,65m, mực nước tại Phả Lại cao nhất dự báo là 1,85m, thấp nhất là 0,55m.

2. Các sông khu vực Trung Bộ: Mực nước các sông biến đổi chậm ở mức thấp, dao động theo điều tiết hồ chứa và thủy triều.

3. Các sông khu vực Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống theo triều. Mực nước lúc 07h/26/10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,50m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,43m. Dự báo: Đến ngày 29/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,45m, tại Châu Đốc ở mức 2,40m.

IV. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU

1. Hồ chứa thuỷ điện (cập nhật đến 06h ngày 26/10/2024 theo báo cáo của Bộ Công Thương)

- Khu vực Bắc Trung Bộ: Các hồ vận hành bình thường.

- Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ: Có 01 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả tràn/lưu lượng về hồ (m3/s): An Điềm: 14/21.

- Khu vực Tây Nguyên: Có 01 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả tràn/lưu lượng về hồ (m3/s): Đrây Hlinh 1: 110/330.

2. Hồ chứa thuỷ lợi (cập nhật đến 15h ngày 25/10/2024 theo báo cáo của Cục Thủy lợi)

- Khu vực Bắc Trung Bộ: Tổng có 2.323 hồ, đạt 47% - 80% DTTK, trong đó vận hành xả tràn: Cửa Đạt (Thanh Hóa) Qxả = 251 m3/s, Tả Trạch (Thừa Thiên Huế)  Qxả = 198 m3/s; các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp nặng: 145 hồ; các hồ chứa đang thi công: 52 hồ.

- Khu vực Nam Trung Bộ: Tổng có 517 hồ, đạt 31% - 58% DTTK, trong đó vận hành xả tràn: Long Mỹ (Bình Định) Qxả =7 m3/s; Sông Cái (Ninh Thuận) Qxả =27 m3/s; Hồ Sông Quao Qxả = 24 m3/s, Cà Giây Qxả = 13 m3/s, Phan Dũng Qxả = 6 m3/s, Sông Móng Qxả = 8 m3/s; Sông Phan Qxả = 5 m3/s, Cẩm Hang Qxả = 5 m3/s (Bình Thuận); các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp nặng: 26 hồ; các hồ chứa đang thi công: 19 hồ.

3. Tình hình đê điều

Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên còn tồn tại 38 trọng điểm đê điều xung yếu (Hà Tĩnh 05, Quảng Bình 10, Quảng Trị 05, Thừa Thiên Huế 08, Đà Nẵng 03, Quảng Nam 01, Quảng Ngãi 03, Bình Định 02, Phú Yên 01) và 04 công trình kè biển đang thi công (Quảng Nam: 01, Quảng Trị: 01, Phú Yên: 02).

V. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Lúa vụ Mùa khu vực Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã thu hoạch 45.424ha/116.677ha; hiện còn 71.253 ha chưa thu hoạch tập trung tại các tỉnh: Bình Thuận 43.253ha, Ninh Thuận 15.091ha, Khánh Hoà 6.191ha, Phú Yên 3.581ha, Bình Định 2.763ha.


VI. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Phú Yên và các Bộ ngành ứng phó với bão.

- Chiều ngày 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về công tác triển khai ứng phó với bão số 6.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện số 7966/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 22/10/2024 và số 7930/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 21/10/2024 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về việc ứng phó với bão TRAMI gần biển Đông.

- Ngày 25/10, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai có văn bản số 1142/ĐĐ-QLĐĐ gửi các tỉnh/ thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 6 (TRAMI).

- Các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã có Công điện về việc ứng phó với bão; Bộ Ngoại giao đã có Công hàm từ ngày 22/10/2024 gửi các quốc gia, vùng lãnh thổ đề nghị tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân tránh trú.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng cập nhật, phát các bản tin dự báo bão để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và cảnh báo cho người dân.

- Ngày 20/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn số 7878/BNN-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển.

- Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến các địa phương để chủ động ứng phó.

2. Địa phương

- Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động triển khai ứng phó với ứng phó với bão theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn[1], trong đó Quảng Bình cấm biển từ 0h00 ngày 27/10; Quảng Trị dự kiến cấm biển ngày 26/10; Thừa Thiên Huế tàu thuyền đã vào neo đậu và không cho ra khơi từ 25/10; Đà Nẵng cấm biển 17h00 ngày 25/10; Quảng Nam cấm biển từ 10h00 ngày 25/10; Quảng Ngãi cấm biển từ 10h00 ngày 26/10 và dự kiến hoàn thành việc sơ tán người dân trên đảo Lý Sơn trước 22h00 ngày 26/10; các địa phương từ Quảng Bình - Quảng Ngãi tổ chức rà soát, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn sau bão, nhất là sơ tán dân khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.

- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để triển khai các biện pháp ứng phó.

VII. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Các tỉnh, thành phố ven biển chủ động ứng phó với với bão TRAMI theo Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 7966/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 22/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành, địa phương ngày 25/10/2024.

2. Tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai./.

 

[1] Tất cả các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Cà Mau đã có công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó.