Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 22/7/2025



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 22/7/2025

 I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

1. Tin cuối cùng về cơn bão số 3

Chiều tối 22/7, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền khu vực Ninh Bình-Thanh Hoá. Đêm ngày 22/7, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

2. Về mưa:

- Mưa ngày (19h/21/7-19h/22/7): Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An mưa to đến rất to từ 200-300mm; Ninh Bình có mưa từ 100-250mm; các nơi khác thuộc đồng bằng Bắc Bộ mưa 50-150mm; một số trạm mưa rất lớn như: Sầm Sơn (Thanh Hóa) 430mm, Thanh Hóa (Thanh Hóa) 358mm; Mường Lống (Nghệ An) 341mm; Châu Nga (Nghệ An) 338mm.

- Mưa đêm (19h/22/7-07h/23/7): Khu vực miền núi phía Bắc đến Nghệ An mưa từ 20-50mm, một số trạm mưa lớn hơn như: Ngũ Chỉ Sơn (Lào Cai) 73mm; Pú Dảnh (Sơn La) 80mm; Keng Đu (Nghệ An) 70mm.

- Mưa đợt (19h/20/7-07h/23/7): Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An mưa to đến rất to từ 200-350mm; Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình có mưa từ 100-250mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Cô Tô (Quảng Ninh) 261mm; Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 316mm; Đa Cốc (Hưng Yên) 205mm; Thái Bình (Hưng Yên) 203mm; Phú Lễ (Ninh Bình) 338mm; Như Tân (Ninh Bình) 351mm; Sầm Sơn (Thanh Hóa) 487mm; Thanh Hóa (Thanh Hóa) 399mm; Mường Lống (Nghệ An) 390mm; Châu Nga (Nghệ An) 378mm.

Dự báo: Ngày 23/7, Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm; ngày 24-25/7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>90mm/3h).

3. Tình hình lũ

Lũ thượng lưu sông Cả, tỉnh Nghệ An tại trạm Mường Xén đã đạt đỉnh, vượt lũ lịch sử và đang xuống, các trạm trung và hạ lưu dang lên; mực nước lúc 07h00 ngày 23/7/2025 như sau:

- Tại trạm Mường Xén là 144,40m, trên BĐ3 là 2,40m; đã đạt đỉnh lúc 2h/23/7 là 145,89m, trên BĐ3 là 3,89m, cao hơn lũ lịch sử năm 1996 (145,49m) là 0,40m;

- Tại trạm Thạch Giám là 76,08m, trên BĐ3 là 7,08m, cao hơn lũ lịch sử (71,83m) là 4,26m và đang lên.

- Tại trạm Con Cuông là 33,20m, trên BĐ3 là 2,70m, cao hơn lũ lịch sử (32,54m) là 0,66m và đang lên.

Dự báo: Lũ sông Cả tiếp tục lên; đỉnh lũ hạ lưu sông Cả ở mức BĐ3; có trạm trên BĐ3.

II. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU

1. Hồ chứa

a) Liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng:

Tên hồ

Thời gian

Htl

(m)

Hhl
(m)

Qvào (m3/s)

Qra (m3/s)

HCNTL(m)

(từ 20/7 ÷ 21/8)

Sơn La

7h

22/7

195,63

116,61

1.702

2.132

197,3

23/7

195,47

117,60

2.720

2.720

Hòa Bình

7h

22/7

100,43

13,34

2.945

3.925

101

23/7

100,40

13,39

3.101

3.934

Tuyên Quang

7h

22/7

103,97

50,63

748

748

105,2

23/7

103,85

50,67

604

750

Thác Bà

7h

22/7

55,87

21,91

340

0

56

23/7

55,91

21,89

290

0

*Hiện hồ Hoà Bình đang mở 01 cửa xả đáy.

b) Hồ chứa thủy điện khác

Khu vực Bắc Trung Bộ có 04 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, trong đó lưu lượng đỉnh lũ về hồ Bản Vẽ đặc biệt lớn lên tới 12.800 m3/s lúc 02h/22/7 (vượt lũ kiểm tra 10.500 m3/s tần suất 5.000 năm); lúc 7h00 ngày 23/7 lưu lượng về hồ là 7.347m3/s, lưu lượng xả là 4.351m3/s; mực nước hồ đạt 199,50m (tăng 9,3m trong 20 giờ và hiện thấp hơn MDNBT là 0,50m); hồ đã vận hành mở cửa xả lũ từ 16h00 ngày 22/7 (thời điểm mực nước thượng lưu hồ ở mức 191,22m).

c) Hồ chứa thủy lợi

Khu vực Bắc Bộ đến Hà Tĩnh có tổng số 4.487 hồ (2 hồ quan trọng đặc biệt, 446 hồ lớn, 817 hồ vừa, 3.222 hồ nhỏ); lượng nước trữ trong các hồ trung bình đạt khoảng từ 56% - 85% dung tích thiết kế, riêng các hồ Nghệ An cơ bản đã đầy nước.

Hiện có 91 hồ đang sửa chữa, nâng cấp (Tuyên Quang 16, Điện Biên 3, Lào Cai 4, Thái Nguyên 11, Lạng Sơn 3, Phú Thọ 6, Bắc Ninh 2, Ninh Bình 2, Thanh Hóa 33, Nghệ An 7, Hà Tĩnh 4) và 05 hồ xây dựng mới (Cao Bằng 3, Lai Châu 1, Tuyên Quang 1).

2. Tình hình đê điều

Bão số 3, mưa lũ sau bão gây ra 06 sự cố đê điều, cụ thể như sau:

- Nứt dọc mặt đê đoạn từ K25+630-K25+680 đê hữu Cầu (cấp III), xã Đa Phúc, Hà Nội, chiều dài 20m; địa phương đã lập chốt hạn chế người, cấm phương tiện đi qua.

- Sự cố nứt dọc mặt đê đoạn từ K33+200-K33+800 đê hữu Hồng (cấp I), xã Phúc Lộc, Hà Nội, chiều dài 600m, đã xảy ra năm 2024, hiện có xu hướng phát triển, mở rộng thêm; địa phương đã rào chắn cấm các phương tiện di chuyển qua tuyến đê.

- Sạt 02 đoạn mái phía đồng đê Tây sông Cùng đoạn từ K5+858-K5+905 và K5+958-K5+976 (cấp IV), xã Hoằng Châu, Thanh Hóa, tổng chiều dài 65m; địa phương đã tổ chức xử lý.

- Sự cố lùng mang cống Vực Bưu đê hữu sông Nhơm (cấp IV), xã Tân Ninh, Thanh Hóa; cống bị lùng mang, gây ra 02 hố tụt trên đỉnh cống và tụt sâu xuống mang cống; địa phương đã bịt cửa vào lùng mang bằng bao tải đất và xử lý lọc ngược tại vị trí hố tụt tường chắn đất hạ lưu cống.

- Sạt mái phía sông đê kênh Tam Điệp (cấp IV), phường Quang Trung, tỉnh Thanh Hóa, dài 150m; địa phương đã xử lý giờ đầu, đóng cọc tre và đắp bao tải hộ chân.

- Sạt mái đê bối Nam Quần Liêu dài 5m tại K1+850 (cấp V), xã Nghĩa Sơn, Ninh Bình; địa phương đã xử lý giờ đầu phủ bạt và đắp gia cố bằng bao tải đất.

III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

 - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 22/7/2025 chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và các Bộ ngành tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên sông Cả và đảm bảo an toàn thủy điện Bản Vẽ.

- Ngày 22/7/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão và mưa lũ tại tỉnh Thanh Hóa.

- Ngày 22/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công điện số 4679/CĐ-BNNMT gửi UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các Bộ về việc ứng phó khẩn cấp với mưa lũ; văn bản số 4681/BNNMT-ĐĐ gửi UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đề nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều; văn bản số 4680/BNNMT-ĐĐ gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị xử lý các sự cố lún, nứt mặt đê hữu Cầu, xã Đa Phúc và đê hữu Hồng, xã Phúc Lộc.

- Sáng ngày 23/7/2025, đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp phối hợp với tỉnh Nghệ An chỉ đạo ứng phó với mưa lũ và bảo đảm an toàn hồ chứa.

- Đoàn công tác của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên phối hợp với tỉnh Ninh Bình ứng phó với bão.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có Thông báo số 604/TB-UBND ngày 22/7/2025 chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các sở ngành, UBND các xã triển khai phương án hạ du thủy điện bản vẽ; Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 121/BCH-PCTT ngày 22/7/2025 gửi Công ty thủy điện Bản Vẽ về lệnh vận hành giảm lũ cho hạ du.

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại ban đầu do bão số 3 và mưa lũ như sau:

- Về người: 01 người mất tích do lũ cuốn, 01 người bị thương (Nghệ An).

- Về nhà ở: 420 nhà ở bị hư hỏng, tốc mái (Phú Thọ 08 nhà, Thanh Hóa 251 nhà, Nghệ An 161 nhà).

- Về nông nghiệp: 119.408ha lúa bị ngập (Hưng Yên 26.000ha; Ninh Bình 74.017ha, Thanh Hóa 19.391ha; các tỉnh khác đang thống kê). Hiện các tỉnh đang vận hành máy bơm tiêu nước, chống úng.

- Về chăn nuôi: 09 con gia súc, 3.276 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Hiện các tỉnh đang tiếp tục rà soát, thống kê./.

Tải file tại đây