BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 19/5/2024
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin dự báo mưa lớn ở khu vực phía Tây Bắc Bộ; tin mưa dông và cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Ngày 20/5, khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 80mm; khu vực phía Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến 10-30mm, có nơi trên 50mm. Chiều tối và tối ngày 20/5, khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm.
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
2. Tin cảnh báo mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh trên biển
Ngày và đêm 20/5, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa); khu vực vịnh Bắc Bộ và vùng biển Khánh Hòa đến Cà Mau có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
3. Tình hình xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Xu thế xâm nhập mặn ngày 20/5/2024 với chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: 90-125km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 35-40km; sông Hàm Luông: 42-48km; sông Cổ Chiên: 35-40km; sông Hậu: 32-37km. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 5/2023. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: cấp 2.
4. Tin nắng nóng khu vực Trung Bộ
Ngày 20/5, khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%. Từ ngày 21/5 nắng nóng có khả năng dịu dần.
5. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/18/5-19h/19/5): Các khu vực trên cả nước có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 50-80mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Uông Bí (Quảng Ninh) 156mm; Phong Cốc (Quảng Ninh) 126mm; Cát Bà (Hải Phòng) 134mm; An Thi (Hưng Yên) 108mm; xã Ea Trang (Đắk Lắk) 116mm; Quảng Hoà (Đăk Nông) 110mm.
- Mưa đêm (19h/19/5-07h/20/5): Khu vực Tây Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 40-70mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Chiềng Pha (Sơn La) 106mm; Bó Mười (Sơn La) 93mm; Lay Nưa (Điện Biên) 74mm; Đạ Tẻh (Lâm Đồng) 147mm; Phước Tân (Bình Phước) 124mm; Đa Kai (Bình Thuận) 93mm.
- Mưa 3 ngày (19h/16/5-19h/19/5): Các khu vực trên cả nước có mưa với tổng lượng mưa phổ biến từ 80-120mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Uông Bí (Quảng Ninh) 158mm; Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 156mm; Trung tâm GD-DN (Đà Nẵng) 233mm; Ia Dal (Kon Tum) 147mm.
6. Tin động đất
Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trong ngày 19/5/2024 đã xảy ra 01 trận động đất vào lúc 18h45’ với độ lớn 3,3, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.
II. TÌNH HÌNH THỦY VĂN
1. Các sông khu vực Bắc Bộ:
Lúc 07h/20/5 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,22m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 0,78m.
Dự báo: Đến 07h/21/5 mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 1,6m; trong 36h tới mực nước tại Phả Lại cao nhất có khả năng ở mức 1,2m.
2. Các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên: Mực nước các sông biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo điều tiết hồ chứa và thủy triều.
3. Các sông Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Đến ngày 23/5, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,07m tại Châu Đốc ở mức 1,32m.
III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo thông tin ban đầu (qua điện thoại) của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hoá, ngày 19/5 mưa lớn, dông, lốc, sét đã gây thiệt hại như sau:
- Về người: 02 người chết do sét đánh (bà Lê Thị Nhung, sinh năm 1962, bị sét đánh khi đang làm đồng tại thôn Yên Bằng, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn; bà Bùi Thị Phương, sinh năm 2000 bị sét đánh khi tham gia giao thông tuyến đường nối thành phố Thanh Hoá đi Nghi Sơn, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn).
- Về nhà ở: 08 nhà bị tốc mái
- Về nông nghiệp: 580 ha lúa bị gãy đổ
- Về cơ sở hạ tầng: 01 trạm y tế bị tốc mái, 60 nhà nuôi tôm bị ảnh hưởng.
- Thiệt hại khác: 05 cột điện bị đổ và một số thiệt hại khác.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra chính quyền địa phương đã thăm hỏi động viên gia đình người bị nạn, huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp, vệ sinh, sửa chữa nhà cửa sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục rà soát và xác minh số liệu thiệt hại.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chuyển bản tin cảnh báo thiên tai đến các địa phương.
2. Địa phương
Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
V. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh, thành phố trên cả nước theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
2. Các tỉnh, thành phố trên cả nước chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
3. Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn.
4. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
tải file đính kèm tại đây