
BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 17/10/2023
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông
Sáng ngày 17/10, vùng áp thấp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 07 giờ ngày 18/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Tây Tây Bắc, cách đất liền khu vực Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 5-10km/h.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, khoảng 10 km/h, có khả năng mạnh lên thành bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Từ 15,0 -–21,0 độ vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 111,5.
2. Tin dự báo mưa lớn ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Kon Tum
Từ ngày 18/10 đến ngày 19/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến từ 50-150mm, có nơi trên 200mm. Khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến từ 20-60mm, có nơi trên 100mm.
Ngày 19/10, khu vực phía Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Ngoài ra, ngày và đêm 18/10 ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Cảnh báo: mưa lớn trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 20-21/10.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế: cấp 2; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An: cấp 1.
3. Tình hình lũ
Mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang ở mức BĐ1, BĐ2, các sông khác từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi còn dưới mức BĐ1.
Từ ngày 18-19/10, các sông ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1,2.
4. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/16/10-19h/17/10): Khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa phổ biến từ 100-150mm, có nơi trên 200mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thượng Lộ (Thừa Thiên Huế) 293mm, Hồ Đồng Nghệ (Đà Nẵng) 211mm, Bình Lâm (Quảng Nam) 226mm, Tiên Phong (Quảng Nam) 225mm.
- Mưa đêm (19h/17/10-07h/18/10): Khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa phổ biến từ 20-40mm, riêng tỉnh Thừa Thiên Huế cục bộ có mưa to đến rất to, phổ biến từ 70-110mm, một số trạm có lượng mưa lớn ở Thừa Thiên Huế: Hồ Thọ Sơn 240mm, Hồ Hoà Mỹ 189mm, Tà Lương (A Lưới) 188mm, Hương Nguyên (A Lưới) 154mm.
- Mưa đợt (19h/10/10-07h/18/10): Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam mưa rất to, phổ biến 600-800mm, có nơi trên 1.000mm; các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và Quảng Ngãi có mưa 350-500mm, cụ thể:
+ Thành phố Đà Nẵng: Hồ Hoà Khê 1.354mm, Suối Đá 1.303mm, Đà Nẵng 1.242mm.
+ Tỉnh Thừa Thiên Huế: Quan Tượng Đài 1.121mm, Thượng Lộ 1107mm.
+ Tỉnh Quảng Nam: Đại Hiệp 1.175mm, Duy Trung 1.148mm.
II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 06h00 ngày 18/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 53.329 phương tiện/226.037 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh, cụ thể:
+ Hoạt động ở khu vực vùng biển Nghệ An đến Quảng Ngãi: 185 tàu/732 người.
+ Hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến: 53.918 tàu/245.928 người.
Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam đã cấm biển (Quảng Bình 0h00/18/10, Quảng Trị 17h00/17/10, Quảng Nam 16h00/17/10).
III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU
1. Hồ chứa thuỷ điện
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Có 04 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): A Lưới: 503/530; Bình Điền: 47/1777; Đa krông 1: 134/168; Hương Điền: 611/3098
- Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ: Có 04 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): Đak Mi3: 358/427; Sông Ba Hạ: 200/635; Thượng Sông Ông: 29/64; Za Hưng: 431/456.
2. Hồ chứa thuỷ lợi
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Tổng số có 2.323 hồ (3 hồ chứa quan trọng đặc biệt, 171 hồ chứa lớn, 460 hồ chứa vừa, 1.689 hồ chứa nhỏ); đạt trung bình khoảng 42% - 89% dung tích thiết kế; 141 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, 49 hồ đang thi công.
- Khu vực Nam Trung Bộ: Tổng số có 517 hồ (175 hồ chứa lớn, 129 hồ chứa vừa, 214 hồ chứa nhỏ); đạt trung bình khoảng 36% - 93% dung tích thiết kế; 25 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, 35 hồ đang thi công.
3. Tình hình đê điều
- Tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi: Tổng chiều dài 511km (278km đê biển, 233km đê cửa sông).
+ Trọng điểm đê điều: 34 trọng điểm
+ Công trình đang thi công: 07 công trình.
- Trong ngày trực ban không nhận được thông tin về sự cố đê điều xảy ra đối với các tuyến đê đã được Bộ quyết định phân loại, phân cấp.
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
1. Thiệt hại do mưa lớn từ ngày 10/10-17/10:
- Về người: 02 người chết (không thay đổi so với báo cáo ngày 16/10/2023).
- Về ngập lụt:
+ Đà Nẵng: Các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang còn ngập úng cục bộ tại một số vị trí.
+ Thừa Thiên Huế: Các khu dân cư cơ bản hết ngập.
+ Quảng Ngãi: Mưa đã giảm, nước đang rút, huyện Bình Sơn còn một số điểm bị ngập lụt, chia cắt cục bộ.
- Giao thông:
+ Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (Km392+100) sạt lở khoảng 6.300m3 gây tắc đường.
+ QL.15D ( Km0+307) hiện đang ngập 0,8m gây ách tắc giao thông.
- Các thiệt hại khác không thay đổi so với báo cáo ngày 16/10/2023.
2. Thiệt hại về tàu thuyền trên biển:
a) Tỉnh Quảng Nam: Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, lốc xoáy, sóng lớn trên biển trong đêm 16/10, rạng sáng 17/10 đã làm 02 tàu cá/93 lao động của Quảng Nam (QNa 90927 TS; QNa 90129 TS) bị chìm, cụ thể:
- Lúc 01h00' ngày 17/10, tàu QNa 90927TS/ 39 LĐ bị sóng đánh chìm (cách Bắc Tây Bắc đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý); hiện 01 LĐ mất tích, 38 ngư dân còn lại đã được tàu Qna 91782 TS cứu vớt.
- Lúc 19h30’ ngày 16/10, tàu QNa 90129TS/54 LĐ bị chìm do lốc xoáy (cách Đông Bắc đảo Song Tử Tây khoảng 120 hải lý); 40 người được các tàu cứu vớt, 02 người chết và 12 ngư dân mất tích.
Các lực lượng chức năng đang tích cực triển khai tìm kiếm 13 người còn mất tích.
b) Tỉnh Quảng Bình: Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, tàu QNg 98087 TS/10 LĐ vào tránh trú gió ở khu vực cửa Gianh thì bị mắc cạn, chìm; đến 23h/16/10, lực lượng chức năng đã tiếp cận, cứu 10 ngư dân an toàn.
V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 970/CĐ-TTg ngày 17/10/2023 về việc tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân trên 02 tàu cá của Quảng Nam bị chìm tại khu vực đảo Song Tử Tây.
- Thủ tướng chính phủ đã ban hành công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023; Ban Chỉ đạo QGPCTT đã ban hành 02 văn bản, công điện chỉ đạo từ rất sớm chủ động ứng phó với mưa lũ khu vực miền Trung (văn bản số 35/QGPCTT ngày 09/10/2023; Công điện số 13/CĐ-QG ngày 11/10/2023).
- Ngay từ ngày 13/10 khi vùng áp thấp hình thành trên biển, Ban Chỉ đạo đã có văn bản số 379/VPTT chỉ đạo các địa phương; sau đó tiếp tục ban hành 03 công điện, văn bản chỉ đạo các địa phương khi vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (văn bản 382/VPTT ngày 16/10/2023; Công điện số 14/CĐ-QG ngày 16/10/2023; Công điện 15/CĐ-QG ngày 17/10/2023).
- Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.
2. Địa phương
- Các địa phương đã triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, trong đó 11 tỉnh, thành phố[1] đã ban hành công điện chỉ đạo.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Kỳ Hà để triển khai công tác tìm kiếm các ngư dân mất tích trên 02 tàu cá.
- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ đạo các lực lượng triển khai ứng phó với mưa lũ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường. Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo cơ quan trực thuộc tiến hành cấp phát 2.000 thùng mì tôm cho người dân trên địa bàn 05 quận, huyện bị thiệt hại.
- Ngày 17/10/2023, học sinh các tỉnh đã đi học trở lại, riêng Đà Nẵng tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 18/10.
- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
VI. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Nghiêm túc thực hiện Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng chính phủ và Công điện số 15/CĐ-QG ngày 17/10/2023 của Ban Chỉ đạo QGPCTT về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ khu vực miền Trung.
2. Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, lưu ý 185 tàu đang hoạt động ven bờ Nghệ An - Quảng Ngãi.
3. Tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân trên 02 tàu cá của tỉnh Quảng Nam bị chìm tại khu vực đảo Song Tử Tây theo Công điện số 970/CĐ-TTg ngày 17/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
5. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
[1] Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.