Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 13/7/2023



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 13/7/2023

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

1. Tin dự báo nắng nóng ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên

Ngày 14/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ; khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Ngày 15/7, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Ngày 14/7, nắng nóng ở Bắc Bộ có xu hướng giảm dần, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ. Ngày 15/7, nắng nóng diện rộng có khả năng kết thúc ở Bắc Bộ.

Cảnh báo: Nắng nóng ở khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên tiếp tục duy trì nhưng không gay gắt.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.

2. Tin dự báo mưa lớn ở vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ; mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hoá, Tây Nguyên và Nam Bộ

Từ chiều tối ngày 14/7 đến sáng 15/7, ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 40-70mm, có nơi trên 150mm; khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 70mm; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.

3. Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển

Hiện nay, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 15-18 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Philippin, kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên ngày và đêm 14/7, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa), vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.

Cảnh báo: Ngày và đêm 15/7, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam khu vực giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển 2,0-4,0m; biển động mạnh.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.

4. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/12/7-19h/13/7): Các khu vực trên cả nước có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Việt Minh (Hà Giang) 78mm; Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) 64mm; Sơn Nguyên (Phú Yên) 111mm; Đạ Huoai (Lâm Đồng) 81mm; Thuận Hà (Đắk Nông) 75mm; Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) 64mm.

- Mưa đêm (19h/13/7-07h/14/7): Khu vực miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 30mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Việt Lâm (Hà Giang) 77mm; Hua Bum (Lai Châu) 51mm; Thôn 9, Ia Tơi (Kon Tum) 79mm; TĐ Sê San 4A (Gia Lai) 69mm; Biên Hoà (Đồng Nai) 56mm; Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) 101mm; Tân Trụ (Long An) 50mm.

- Mưa 3 ngày (19h/10/7-19h/13/7): Các khu vực trên cả nước rải rác có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 60-100mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Bắc Quang (Hà Giang) 137mm; Na Sầm (Lạng Sơn) 111mm; Sơn Nguyên (Phú Yên) 127mm; TP Đà Lạt (Lâm Đồng) 127mm; Đạ Chais (Lâm Đồng) 134mm; Tân Thành (Đắk Nông) 162mm; Cái Bè (Tiền Giang) 110mm.

5. Tin động đất

Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, ngày 13/7 trên địa bàn huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 03 trận động đất vào hồi 11h17’, 21h16’ và 22h08 với độ lớn là 2,6-3,2; độ sâu chấn tiêu khoảng từ 8,2-10,2km.

II. TÌNH HÌNH THUỶ VĂN

1. Các sông khu vực Bắc Bộ

- Mực nước sông Hồng tại Hà Nội và mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Lúc 07h/14/7 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,38m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 0,27m.

 - Dự báo: Đến 07h/15/7 mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 1,20m; trong 36h tới mực nước tại Phả Lại cao nhất có khả năng ở mức 0,75m và thấp nhất ở mức 0,15m.

2. Các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên

Mực nước các sông Trung Bộ biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.

3. Các sông Nam Bộ

- Mực nước lúc 07h/14/7 trên sông Mê Kông tại Kratie là 10,5m; nhỏ hơn TBNN cùng kỳ 3.54m.

- Mực nước cao nhất ngày 13/7/2023 trên sông Tiền tại Tân Châu 1,14m (thấp hơn mực nước TBNN cùng kỳ 0,56m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,32m (thấp hơn  mực nước TBNN cùng kỳ 0,26m). Mực nước 07h/14/7 tại Tân Châu 1,00m, Châu Đốc 1,14m.

- Dự báo: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo triều. Đến ngày 17/7 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,50m tại Châu Đốc ở mức 1,65m.

III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU

1. Hồ chứa trên hệ thống sông Hồng

Tên hồ

Thời gian

Htl (m)

Hhl (m)

Qvào (m3/s)

Qra (m3/s)

HCP(m)

(từ 15/6 ÷ 19/7)

Sơn La

7h

13/7

194,37

114,48

1.742

909

200

14/7

194,37

112,63

2.057

263

Hòa Bình

7h

13/7

95,08

8,10

1.986

206

105

14/7

95,45

8,96

2.294

514

Tuyên Quang

7h

13/7

100,29

49,77

282

500

105,2

14/7

99,97

48,50

244

244

Thác Bà

7h

13/7

48,58

22,90

160

258

56

14/7

48,52

20,75

208

0

2. Tình hình đê điều

Trong ngày trực ban không nhận được thông tin về sự cố đê điều xảy ra đối với các tuyến đê đã được Bộ quyết định phân loại, phân cấp.

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bắc Giang, đêm ngày 12/7/2023 trên dịa bàn thành phố Bắc Giang đã xảy ra mưa kèm theo dông, lốc làm tốc mái khoảng 400m2 nhà thi đấu thể thao tỉnh, 200m2 nhà để xe trụ sở xã Đồng Sơn; 30 cây xanh và 04 cột điện bị nghiêng, đổ.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương thu dọn cây gãy, đổ và sửa chữa công trình bị hư hỏng.

V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã có công văn số 262/VPTT ngày 13/7/2023 gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau đề nghị chủ động ứng phó với mưa lớn và gió mạnh trên biển.

- Ngày 13/7/2023, 03 đoàn công tác do các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương, trong đó Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo kiểm tra tại tỉnh Điện Biên; thành viên Ban Chỉ đạo - Bộ Công an kiểm tra tại tỉnh Phú Thọ; thành viên Ban Chỉ đạo - Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra tại tỉnh Đắk Lắk.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.

2. Địa phương

- Các tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn và gió mạnh trên biển theo công văn số 262/VPTT ngày 13/7/2023; trong đó 08 tỉnh, thành phố[1] đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương.

- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

VI. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Thực hiện Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.

2. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; các tỉnh khu vực miền núi Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau triển khai thực hiện công văn số 262/VPTT ngày 13/7/2023 của Văn phòng thường trực BCĐQG về PCTT

3. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

 

[1] Các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Thuận, Cà Mau.

Tải file đính kèm