BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 13/5/2022
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT
1. Tin gió mùa Đông Bắc
Ngày 15/5, không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ; từ chiều và đêm 15/5 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển mát, vùng núi có nơi chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20-22 độ, vùng núi có nơi từ 17-19 độ.
Từ chiều ngày 15/5, trên đất liền gió Đông Bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4. Từ chiều tối ngày 15/5, ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2,0-3,0m. Từ ngày 16/5, khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao từ 2,0-4,0m.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
2. Tin mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ; cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Bắc Bộ và Trung Bộ
Ngày 14/5, khu vực Bắc Bộ mưa có xu hướng giảm. Từ đêm 14/5 đến hết ngày 15/5, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi trên 120mm/đợt.
Từ đêm 14/5 đến ngày 15/5, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 40-70mm/24h, có nơi trên 80mm/24h.
Từ chiều 15/5 đến ngày 16/5, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 40-80mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt.
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét và mưa đá: Cấp 1.
3. Tin cảnh báo lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ
Từ ngày 14/5 đến 16/5, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Chảy và sông Hoàng Long có khả năng lên mức BĐ1, thượng lưu hệ thống sông Thái Bình và các sông suối nhỏ thuộc khu vực Bắc Bộ có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 1.
4. Tình hình mưa:
- Mưa ngày (từ 19h/12/5-19h/13/5): Các khu vực trên cả nước có mưa vừa, mưa to lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Quyết Tiến (Hà Giang) 76mm, Tam Trà (Quảng Nam) 89mm, Ninh Loan (Lâm Đồng) 101mm, Thủ Đức (Hồ Chí Minh) 63mm.
- Mưa đêm (từ 19h/13/5-07h/14/5): Khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 20-50mm, một số trạm mưa lớn như: Pha Long (Lào Cai) 113mm; Cẩm Giàng (Bắc Kạn) 57mm; Đông Cửu (Phú Thọ) 92mm; Hương Sơn (Hà Nội) 80mm; Ba Sao (Hà Nam) 85mm; Cư Króa (Đắc Lắk) 95mm.
- Mưa 03 ngày (từ 19h/10/5-19h/13/5): Khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 50-100mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Bắc Quang (Hà Giang) 124mm, Kim Loan (Cao Bằng) 165mm, Minh Quang (Tuyên Quang) 131mm, Quảng Trực (Đăk Nông) 121mm, Hồ Trà Tân (Bình Thuận) 105mm.
II. TÌNH HÌNH THỦY VĂN
1. Hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình: Mực nước các sông biến đổi chậm và dao động theo triều, lúc 07h/14/5 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,90m, trên sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 0,88m. Dự báo: đến 7h/15/5 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,90m; 19h/14/5 trên sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 0,60m.
2. Các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên: Mực nước các sông biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.
3. Các sông Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều. Mực nước cao nhất ngày 12/5 trên sông Tiền tại Tân Châu 1,31m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,42m. Dự báo: mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên theo triều. Đến ngày 17/5 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,47m, tại Châu Đốc ở mức 1,62m.
III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên, thiệt hại do mưa lũ, sét và sạt lở đất xảy ra từ ngày 09-13/5 như sau:
- Về người: 09 người chết (Lạng Sơn 03: bà Triệu Thị Lan, sinh năm 1982, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn do sạt lở đất; ông Vi Văn Sao, sinh năm 1987 thôn Nà Mìn, xã An Sơn, huyện Văn Quan và ông Linh Văn Sơn, sinh năm 1976 thôn Khòn Nhừ, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan do lũ cuỗn trôi; Bắc Kạn 01: cháu Đinh Thành Nam, sinh năm 2017, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì bị lũ cuốn trôi; Cao Bằng 01: cháu Dương Văn Chinh, năm sinh 2016 xóm Pác Cai, xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình bị cuốn trôi; Thái Bình 03: chị Nguyễn Thị Quy, sinh năm 1986 và cháu Nguyễn Công Đức, sinh năm 2006, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, ông Đinh Bá Trọng, sinh năm 1972, xã Song An, huyện Vũ Thư bị sét đánh khi đang đi trên đường; Hưng Yên 01: chị Tô Thị Liên, sinh năm 1968, huyện Tiên Lữ bị sét đánh khi đi làm đồng), tăng 03 người (Lạng Sơn bổ sung thêm 02 người bị lũ cuốn trôi từ ngày 10/5; Cao Bằng tìm thấy thi thể người mất tích) so với báo cáo ngày 12/5; 04 người bị thương (Bắc Kạn: 03, Lạng Sơn: 01).
- Về nhà ở: 04 nhà bị đổ sập (Bắc Giang 02; Hà Giang 01, Yên Bái 01); 96 nhà bị hư hỏng, thiệt hại (Bắc Giang 01; Lạng Sơn 34; Bắc Kạn 56; Hà Giang 01; Cao Bằng 04).
- Về nông nghiệp: 5.658,95 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập (Bắc Kạn 218ha; Bắc Giang 300ha; Lạng Sơn 4.962ha; Thái Nguyên 72,5ha; Hà Giang 07 ha; Điện Biên 01ha; Cao Bằng 98,45ha).
- Về chăn nuôi và thủy sản: 6.529 con gia súc (Lạng Sơn 6.256, Bắc Kạn 33, Cao Bằng 11, Thái Bình 229) và 8.055 con gia cầm (Lạng Sơn 7.685, Bắc Kạn 120, Cao Bằng 250) bị chết; 46,99ha thủy sản (Lạng Sơn 46, Hà Giang 0,7, Cao Bằng 0,29) bị thiệt hại.
- Về thủy lợi: 02 đập tạm bị trôi (Bắc Kạn); 08 đập, hồ chứa nước bị ảnh hưởng (Lạng Sơn); 05 trạm bơm bị ngập (Lạng sơn); 1.200m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp (Lạng Sơn).
- Về giao thông: Sạt lở một số tuyến đường giao thông với khối lượng 140.983m3 đất đá (Bắc Giang 1.173m3; Lạng Sơn 99.250m3, Điện Biên 350m3; Bắc Kạn 40.120m3); 01 ngầm tạm bị hư hỏng (Điện Biên); 02 cầu bị sập mố (Bắc Kạn), 08 cầu bê tông dân sinh bị trôi (Lạng Sơn).
- Về điện lực: 60 cột điện gãy, đổ (Lạng Sơn).
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 415/CĐ-TTg ngày 13/5/2022 về việc chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã ban hành: Công điện số 02/CĐ-VPTT và văn bản số 250/VPTT ngày 10/5 đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và các Bộ ngành chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; văn bản số 254/VPTT ngày 11/5 đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố Bắc Bộ chủ động ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.
- Văn phòng Bộ Công an đã có Công điện số 05/CĐ-V01 ngày 13/5/2021 về việc chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ.
- Từ ngày 10/5-13/5, Văn phòng TT BCĐ tổ chức 03 đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo tới các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
2. Địa phương
- Đã có 11 tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo các Sở ngành, địa phương triể khai thực hiện Công điện số 415/CĐ-TTg ngày 13/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai; rà soát, thống kê thiệt hại, thường xuyên có báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT.
V. CÔNG VIỆC TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ thực hiện nghiêm túc Công điện số 415/CĐ-TTg ngày 13/5 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 02/CĐ-VPTT, văn bản số 250/VPTT ngày 10/5 và số 254/VPTT ngày 11/5 của VPTT Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống.
2. Các tỉnh/thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
3. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN./.