BÁO CÁO NHANH
Công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 13/11/2020
I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI
1. Tin bão số 13 (Vamco)
Hồi 04h/14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế khoảng 390km về phía Đông, cách Quảng Trị khoảng 510km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Gió thực đo 5h/14/11: Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió cấp 7, giật cấp 8; Cồn Cỏ (Quảng Trị) gió cấp 6.
Dự báo: Đến 16h/14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế khoảng 190km về phía Đông, cách Quảng Trị khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Gió cấp 13, giật cấp 15.
Đến 04h/15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3
2. Tin lũ
Hiện nay, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định đang xuống. Mực nước lúc 04h/14/11 trên một số sông như sau:
- Thừa Thiên Huế: trên sông Bồ tại Phú Ốc là 3,48m, dưới BĐ3: 0,86m.
- Quảng Nam: trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,61m, dưới BĐ2: 0,39m.
- Quảng Ngãi: trên sông Vệ tại Sông Vệ là 2,7m, trên BĐ1: 0,2m.
- Bình Định: trên sông Kôn tại Thạnh Hòa là 6,72m, dưới BĐ2: 0,28m.
Dự báo: Từ nay đến 16/11, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3; hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Ngãi ở mức BĐ1 và trên BĐ1, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An còn dưới mức BĐ1.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Cấp 2.
3. Tình hình mưa:
Ngày và đêm 13/11: Các khu vực trên cả nước mưa nhỏ hoặc không mưa, lượng mưa phổ biến dưới 20mm.
Dự báo: Từ nay-16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm/đợt.
II. TÌNH HÌNH NGẬP LỤT, SƠ TÁN DÂN
1. Tình hình ngập lụt:
- Quảng Trị: Trên địa bàn huyện Hải Lăng còn 2.664 hộ bị ngập từ 0,3-0.5m.
- Thừa Thiên Huế: Trên địa bàn các huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền còn 1.500 hộ bị ngập từ 0,2-0,4m.
2. Tình hình sơ tán dân
Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân khi bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến sơ tán: 86.775 hộ/467.603 người (Quảng Bình: 20.290 hộ/76.069 người; Quảng Trị: 24.827 hộ/ 94.689 người; Thừa Thiên Huế: 20.005 hộ/67.674 người; Đà Nẵng: 19.215 hộ/72.316 người; Quảng Nam: 149.715 người; Quảng Ngãi: 2.438 hộ/7.320 người).
Tính đến 21h/13/11/2020 các tỉnh đã sơ tán 910 hộ/3.244 người (Quảng Bình: 108 hộ/438 người; Quảng Trị: 574 hộ/ 1.993 người; Đà Nẵng: 151 hộ/544 người; Quảng Nam: 77 hộ/269 người).
III. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
1. Tình hình tàu thuyền
- Đối với tàu cá: Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đã thông báo, hướng dẫn tổng số 59.752 phương tiện/289.062 người, trong đó neo đậu tại các bến 55.820 phương tiện/262.849 người, hoạt động tại các khu vực khác 3.932 phương tiện/26.213 người. Hiện không còn phương tiện nào trong khu vực nguy hiểm.
- Đối với tàu vận tải: Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đã thông báo, kiểm đếm tại các vùng cảng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có 261 tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa.
2. Nuôi trồng thủy sản:
Khu vực bão dự kiến đổ bộ có hệ thống nuôi trồng thủy, hải sản rất lớn, cụ thể:
- Tổng diện tích 42.822ha, (các địa phương có diện tích lớn: Thanh Hóa 7.704, Nghệ An 5.529, Quảng Bình 8.028, Bình Định 5.081).
- Số lồng bè: 150.609 lồng, bè (các địa phương có số lượng lớn: Thanh Hóa 13.000, Thừa Thiên Huế 6.350, Bình Định 4.591, Phú Yên 120.618).
IV. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU
1. Tình hình hồ chứa
a) Hồ chứa thủy lợi: Các hồ Bắc Trung Bộ cơ bản tích đủ nước; Khu vực Nam Trung Bộ: Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và tỉnh Bình Thuận đạt 76-98% dung tích thiết kế, các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận tích từ 60-80% DTTK; Khu vực Tây Nguyên: Các hồ chứa trong khu vực đã cơ bản đầy nước, dung tích trung bình 89-96% DTTK.
Tình hình một số hồ chứa (MN/MNDBT, Qxả) như sau: Cửa Đạt (Thanh Hóa) 109,37m/110m, Qxả 212 m3/s; Ngàn Trươi (Hà Tĩnh) 48,9m/52m, hiện không xả; Kẻ Gỗ: 30,78m/32,5m, Qxả 10m3/s; Tả Trạch (T.T.Huế) 42,19m/45m, Qxả 459 m3/s.
b) Hồ chứa thủy điện:
Theo báo cáo của Bộ Công thương, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ giảm, Tây Nguyên, Duyên Hải miền Trung dao động nhẹ, các hồ vận hành cụ thể: Các Hồ xả qua tràn (BắcTrung Bộ 07 hồ; Khu vực Tây Nguyên: 26 hồ).
Tình hình một số hồ chứa (MN/MNDBT, Qxả) như sau: Bình Điền 82,38m/85m, Qxả 879 m3/s; Hương Điền 55,73m/58m, Qxả 833 m3/s; A Lưới 552,79m/553m, Qxả 142 m3/s.
2. Tình hình đê điều
Tổng chiều dài các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên là 747,34 km (193,24km đê biển; 554,11km đê cửa sông).
Có 60 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 135km (Thanh Hóa 06; Nghệ An 04; Hà Tĩnh 05; Quảng Bình 05; Quảng Trị 15; Thừa Thiên Huế 20; Quảng Ngãi 04; Bình Định 01).
Có 27 công trình đê, kè đang thi công dở dang với tổng chiều dài 34,84km (Thanh Hóa 01; Nghệ An 06; Hà Tĩnh 02; Quảng Bình 05; Quảng Trị 03; Thừa Thiên Huế 02; Đà Nẵng 01; Quảng Ngãi 03; Bình Định 01; Phú Yên 03).
V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ VỚI BÃO SỐ 13
1. Trung ương
- Ngày 13/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì họp trực tuyến với các địa phương chỉ đạo ứng phó với bão số 13.
- Ngày 13/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có văn bản số 184/TWPCTT gửi Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên về việc triển khai các giải pháp chính ứng phó với bão số 13.
- Bộ Giao thông vận tải có công điện số 41/CĐ-BGTVT ngày 13/11/2020 về việc ứng phó với cơn bão số 13 đảm bảo hoạt động bay, người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay trong đó tạm dừng khai thác một số sân bay Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài, Đồng Hới, Vinh trong ngày 14-15/11.
- Bộ Công Thương có công điện số 8721/CĐ-PCTT ngày 13/11/2020 về việc triển khai ứng phó với bão VAMCO.
- Tổng cục Thủy lợi có công điện số 2157/CĐ-TCTL-QLCT ngày 13/11/2020 về việc tăng cường đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập, úng, đề phòng mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 13 khu vực Trung Bộ.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên cập nhật, cung cấp các thông tin cảnh báo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, mưa lũ và ngập lụt.
2. Địa phương
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, lồng bè, nuôi trồng thủy sản.
- Các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên đã tổ chức cấm biển từ ngày 13/11/2020.
- Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định đã có công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với bão số 13.
- Thành phố Đà Nẵng đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 14/11/2020.
- Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam đã rà soát, tổ chức di dời, sơ tán người khỏi các khu vực nguy hiểm.
- Tổ chức, duy trì lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, khu vực đã và đang có nguy cơ xảy ra sạt lở.
- Tổ chức các đoàn công tác, huy động lực lượng ứng phó với bão và tình hình mưa lũ sau bão; rà soát, thống kê thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả.
VI. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO:
Thực hiện chỉ đạo, công điện của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản, công điện của Ban Chỉ đạo TWPCTT, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
1. Đối với khu vực trên biển và các đảo:
- Khẩn trương rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú, kể cả tàu vận tải, tàu vãng lai, không để tình trạng các tàu thuyền chủ quan, bị sự cố như trong bão số 9; đảm bảo an toàn cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển.
- Tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú. Kiểm soát chặt chẽ việc cấm biển.
- Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển, ven biển; trên tàu thuyền khi bão đổ bộ.
2. Đối với trên đất liền:
- Tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tháp cao,… để hạn chế thiệt hại do bão.
- Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét, đặc biệt giao cơ quan chức năng kiểm tra, xác định cụ thể các khu vực dự kiến sơ tán người dân đến phải đảm bảo an toàn.
- Bảo vệ đê điều, vị trí sạt lở ven biển, nhất là đối với các tuyến đê, kè biển đang thi công; khu vực đang sạt lở ảnh hưởng đến dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; triển khai lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Tổ chức vận hành linh hoạt hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình; đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn.
- Tăng cường thời lượng thông tin tới người dân về diễn biến của bão, hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ. Tổ chức phương án kiểm soát, điều tiết giao thông, hạn chế các phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng./.
Tải File đính kèm tại đây