Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 12/9/2021



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng chống thiên tai ngày 12/9/2021

 

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

  1. Tin cuối cùng về cơn bão số 5

Tối 12/9, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
        Hồi 22 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Vùng áp thấp này hầu như ít dịch chuyển và tiếp tục suy yếu.

  1. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h11/9-19h/12/9): khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, phổ biến từ 150-250mm, một số trạm mưa lớn như: Triệu Ái (Quảng Trị) 318mm; Thượng Lộ (Thừa Thiên Huế) 312mm; Tam Trà (Quảng Nam) 353mm; Hòa Khê (Đà Nẵng) 323mm; Bình Tân (Quảng Ngãi) 482mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 351mm. Khu vực Tây Nguyên và Bình Định mưa từ 40-70mm; Quảng Bình mưa từ 50-100mm. Chiều 12/9 mưa cơ bản đã giảm, chỉ còn tập trung ở khu vực ven biển từ Đà Nẵng đến phía bắc Quảng Ngãi.

- Mưa đêm (19h12/9-07h/13/9): các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị có mưa phổ biến 40-70mm, một số trạm có mưa lớn hơn như: Gia Vòng (Quảng Trị) 101mm; Kiến Giang (Quảng Bình) 97mm; Trường Thủy (Quảng Bình) 95mm; Lâm Thủy (Quảng Bình) 78mm. Các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên mưa phổ biến 20-50mm, một số trạm có mưa lớn hơn như: Giang Hải (T.T.Huế) 64mm, Suối Đá (Đà Nẵng) 97mm, Bình Phú và Trà Kót (Quảng Nam) 61mm.

- Mưa đợt (19h/10/9-07h/13/9):

+ Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi mưa phổ biến 400-650mm, đặc biệt một số trạm mưa lớn như: Bình Tân (Quảng Ngãi) 908mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 807mm; Thượng Lộ (Thừa Thiên Huế) 772mm; Tam Trà (Quảng Nam) 772mm; Trà Kót (Quảng Nam) 685mm; Hòa Khê (Đà Nẵng) 611mm.

+ Các tỉnh Quảng Trị, Kon Tum mưa 200-300mm, một số trạm mưa lớn như: Triệu Ái (Quảng Trị) 421mm; Nam Thạch Hãn (Quảng Trị) 373mm; Đắk Na (Kon Tum): 340mm; Đắk Choong (Kon Tum): 333mm. Các tỉnh Quảng Bình, Bình Định mưa từ 100-200mm.

Dự báo:

Ngày 13/9, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, phổ biến 20-50mm. Từ đêm 13/9 đến 14/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.  

  1. Tình hình lũ

- Mực nước các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã xuống dưới BĐ1. Riêng sông Trà Bồng (Quảng Ngãi) tại Châu Ổ lúc 05h/13/9 là 3,26, trên BĐ2: 0,16m và đang xuống.

- Mực nước trên các sông thuộc Quảng Bình, Quảng Trị lên lại từ đêm 12/9 và hiện đang xuống. Mực nước lúc 05h/13/9 trên các sông như sau: sông Kiến Giang tại Kiến Giang là 8,17m, trên BĐ1: 0,17m, tại Lệ Thủy là 1,98m, trên BĐ1: 0,69m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 3,81m, trên BĐ1: 0,81m.

II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

  1. Trung ương

- Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc số 6384/VPCP-NN ngày 12/9 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và chủ động ứng phó mưa lũ.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thường xuyên nắm bắt diễn biến của bão, mưa lũ, đôn đốc các địa phương triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả.

  1. Địa phương

Các tỉnh/thành phố tiếp tục triển khai phương án ứng phó với mưa lũ sau bão, và tổ chức khắc phục hậu quả.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Các Bộ, ngành, địa phương đã hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho 71.500 tàu, thuyền/349.000 người.

- Kịp thời tổ chức cứu nạn 18 người/02 phương tiện bị chìm trên biển (tàu QNg 95058 TS/05 người; tàu xà lan ĐNa 0494/13 người).

- Triển khai phương án đảm bảo an toàn thiên tai, phòng chống dịch bệnh cho 11.166 hộ/32.561 người tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

- Đảm bảo an toàn hồ chứa và các vị trí đê điều xung yếu (hiện mực nước các hồ chứa ở Trung Bộ còn ở mức thấp, dung tích từ 13-75% DTTK; khu vực Tây Nguyên từ 69-85% DTTK. Hệ thống đê điều khu vực chịu ảnh hưởng của bão không xảy ra sự cố).

 - Tổ chức nhắn tin đến 5,8 triệu thuê bao và 2,9 triệu tin nhắn zalo cho người dân khu vực chịu ảnh hưởng của bão; tuyên truyền về diễn biến của bão và công tác triển khai ứng phó trên 50 báo với 150 bài viết; hướng dẫn các kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ trên các trang web, facebook của Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

- Chỉ đạo tạm dừng thi công các công trình trong thời gian xảy ra bão, mưa lũ (tránh xảy ra sự cố như thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020), trong đó có 27 dự án điện gió ở Quảng Bình, Quảng Trị.

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai, tình hình thiệt hại như sau:

- Về người: 02 người chết do nước cuốn trôi (bà YBen SN 1958, thôn Kon Hia 3, xã Đak ra ông, huyện Tu mơ rông, tỉnh Kon Tum và anh Lê Ngọc Anh 20 tuổi, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).

- Về tàu thuyền: 05 tàu thuyền bị chìm (Quảng Ngãi 04 tàu, Đà Nẵng 01 tàu); 02 tàu bị mắc cạn (Quảng Ngãi 01 tàu, Đà Nẵng 01 tàu); 07 ghe nhỏ bị chìm trong khu neo đậu (Quảng Nam: 02; Quảng Ngãi: 05).

- Về nhà: 131 nhà tốc mái, hư hại (Quảng Trị 50 nhà; Thừa Thiên Huế 29 nhà, Quảng Ngãi 43 nhà, Quảng Nam: 04; Kon Tum 02 nhà, Gia Lai 03 nhà); 792 nhà bị ngập (Quảng Trị 10 nhà, Quảng Ngãi 775 nhà, Kon Tum 07 nhà, Gia Lai 03 nhà); 07 điểm trường, nhà văn hóa bị tốc mái.

 - Về nông nghiệp: 8.160ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại (Quảng Bình 291ha, Quảng Trị 303ha, Quảng Nam: 3.169ha; Quảng Ngãi: 4.008ha; Kon Tum 389ha); 28ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Quảng Trị 8ha; Quảng Nam: 9ha; Quảng Ngãi: 11ha).

- Một số thiệt hại khác: sạt lở 1,5 km kênh mương và 1,8km bờ sông, bờ biển; 01 đập tràn bị hư hỏng; 01 cầu tạm, 04 ngầm tràn bị cuốn trôi; 38 điểm giao thông bị sạt lở nhỏ; 01 trạm biến áp bị hư hại; 128 cây xanh bị gãy đổ.

V. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại nội dung văn bản số 6384/VPCP-NN ngày 12/9/2021, cụ thể:

- Khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, tốc mái; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân, trong đó cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời dân cư khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra “lũ chồng lũ”.

- Trong quá trình triển khai công tác ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả thiên tai, các bộ, ngành, các địa phương phải đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, dự báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

- Chủ động tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, ứng phó với bão số 5.

2. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có tình huống. Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN./.

tải file đính kèm!