BÁO CÁO
Công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 12/6/2020
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT (Theo bản tin của TT DBKTTV QG)
1. Tin bão trên biển Đông
Hồi 04h00, ngày 13/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm, đến 04h00, ngày 14/6, vị trí tâm bão ở khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12; 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12; sóng biển cao 3,0-5,5m; biển động rất mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: Phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông; từ vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc đến 22,0 độ Vĩ Bắc.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.
2. Tin mưa lớn ở Bắc Bộ; cảnh báo lốc, sét, mưa đá, gió mạnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
Từ chiều tối và đêm 13/6 đến ngày 15/6 ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, riêng vùng núi và trung du có mưa to đến rất to (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối, đêm và sáng sớm với lượng mưa phổ biến 40-70mm/24h, có nơi trên 100mm/24h; vùng núi và trung du 50-100mm/24h, có nơi trên 150mm/24h); ở Bắc Trung Bộ có mưa dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/11/6-19h/12/6): khu vực Bắc Bộ, miền Trung Tây Nguyên có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 20mm. Một số trạm có lượng mưa lớn: Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 75mm; Chợ Chã (Thái Nguyên) 143mm; Hiệp Hòa (Bắc Giang) 47mm; Sơn Tây (Hà Nội) 58mm; Lang Chánh (Thanh Hóa) 54mm.
- Mưa đêm (19h/12/6-7h/13/6): khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây nguyên có mưa, lượng mưa phổ biến từ 30-50mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Bắc Quang (Hà Giang) 63mm; LaGi (Bình Thuận) 100mm; Thanh Bình (Lâm Đồng) 72mm; Quỳ Hợp (Nghệ An) 100mm (Hệ thống Vrain).
- Mưa 03 ngày (từ 19h/09/6-19h/12/6): Các khu vực trên cả nước có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 100mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Hà Giang (Hà Giang) 161 mm; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 104mm; Chợ Chã (Thái Nguyên) 200mm; LaGi (Bình Thuận) 114mm; Tà Pao (Bình Thuận) 178mm.
II. THỦY VĂN
- Các sông Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên: Mực nước các sông biến đổi chậm; một số sông dao động theo điều tiết hồ chứa thủy điện hoặc theo triều.
- Mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Đến ngày 16/6, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,05m; tại Châu Đốc ở mức 1,20m.
III. CÔNG TÁC ỨNG PHÓ
- Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN có Công điện số 01/CĐ-TW hồi 6h00 ngày 13/6/2020 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/thành phố khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các Bộ, ngành chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 1.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có Thông báo số 207/TWPCTT-VP ngày 12/6/2020 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội để chủ động ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
- Các địa phương tổ trức trực ban, nghiêm túc triển khai công tác phòng chống với ATNĐ, bão mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất theo chỉ đạo tại văn bản số
202; 207/TWPCTT-VP của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo.
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI DO THIÊN TAI
Theo thông tin của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Cần Thơ: lúc 14h00, ngày 12/6 đã xảy ra mưa kèm theo sấm sét, làm 01 người chết (Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, 39 tuổi, Ấp Thạnh Hưng 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ). Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên.
V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão, thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
2. Tổ chức kiểm đếm và duy trì liên lạc thường xuyên với tàu, thuyền đang hoạt đông trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão;
3. Sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo TW về PCTT và Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN./.
Tải file đính kèm