Công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 11/8/2019
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT (Theo bản tin của TT DBKTTV QG)
- Tin nắng nóng
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp phía Tây kết hợp với đới gió Tây Nam nên Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa có nắng nóng, riêng các tỉnh Bắc và trung Trung Bộ có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
- Tin cảnh báo mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên các vùng biển phía Nam
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên trong ngày 12/8, trên các vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Sóng biển cao 2,0-3,0m. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
- Tình hình mưa
3.1. Mưa ngày (19h/10/8-19h/11/8): Các khu vực trên cả nước có mưa rải rác, phổ biến từ 15-25mm, một số trạm mưa lớn hơn: Bắc Hà (Lào Cai): 28mm; Bảo Lạc (Cao Bằng): 30 mm; Chu Lễ (Hà Tĩnh): 53 mm; Phú Quốc (Kiên Giang): 29 mm.
3.2. Mưa 3 ngày (từ 19h/8/8-19h/11/8): Các khu vực trên cả nước có mưa vừa đến mưa to, riêng Phú Quốc, Kiên Giang có mưa rất to (tập trung chủ yếu vào ngày 09/8), lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, một số trạm mưa lớn: Mai Châu (Hòa Bình) 116mm; Chu Lễ (Hà Tĩnh) 94mm; Đak Mốt (Kontum) 130mm; Bảo Lộc (Lâm Đồng) 93mm; Cát Tiên (Đồng Nai) 156.9mm; Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) 161.2mm; Cai Lậy (Tiền Giang) 100mm; Phú Quốc (Kiên Giang) 412.1mm; Năm Căn (Bạc Liêu) 110mm.
3.3. Mưa đêm (19h/10/8-07h/11/8): các khu vực trên cả nước rải rác có mưa nhỏ dưới 10mm, cục bộ Nà Hừ (Lai Châu) 29mm; Bản Yên (Điện Biên) 50 mm; Cò Nòi (Sơn La) 21mm, Phú Quốc (Kiên Giang) 20mm
II.TÌNH HÌNH HỒ CHỨA
- Sự cố hồ chứa thủy điện Đắk Kar
- Mực nước hồ đang giảm, đến 6h00 ngày 12/08 mực nước hồ ở +471,4m (thấp hơn cao trình đỉnh đập 9,10m, dưới cao trình MNDBT 3,60m), cửa van đã hoạt động bình thường, vẫn giữ khẩu độ mở cửa van; hiện hồ đã ở mức an toàn.
- Công tác chỉ đạo: Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tiếp tục phối hợp cùng các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước để triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý sự cố thủy điện Đắk Kar;
- Hồ chứa thủy điện
- Các hồ chứa cắt lũ sông Hồng: Lưu lượng về hồ Hòa Bình dao động trong ngày, cao nhất đạt 3.435 m3/s hồi 1h00, có xu hướng giảm, lúc 7h00 ngày 12/8 là 2.948m3/s, ở mức 99,81m/101m (MN cho phép); các hồ khác còn ở mức thấp so với quy định;
- Lưu lượng dòng chảy từ Trung Quốc về Việt Nam trên thượng nguồn sông Đà chảy vào hồ thủy điện Lai Châu có xu hướng tăng nhẹ.
(Có phụ lục chi tiết kèm theo).
- Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 14 hồ chứa thủy điện vận hành xả tràn.
- Hồ chứa thủy lợi
Các hồ khu vực Tây nguyên ở mức trung bình 60-80% dung tích thiết kế, cụ thể: Kon Tum 65%, Đăk Nông 85%, Gia Lai 68%, Đắk Lắk: 65%, Lâm Đồng 75%.
III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
- Trung ương
- Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7229/VPCP-NN ngày 11/8/2019 gửi Bộ Công thương thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc kiểm tra, xử lý, khắc phục sự cố các công trình thủy điện Đắk Kar, Đăk Sin 1 trên địa bản tỉnh Đắk Nông;
- Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tiếp tục phối hợp cùng các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước để triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý sự cố thủy điện Đắk Kar;
- Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó;
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục thông tin, truyền thông về thiên tai, công tác chỉ đạo, khắc phục hậu quả;
- Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương PCTT tăng cường công tác trực ban, thường xuyên cập nhật tình hình thiên tai, thông báo và đôn đốc các địa phương tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Địa phương
- VPTT Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ để triển khai kịp thời biện pháp ứng phó;
- Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ sau bão số 03.
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
- Thiệt hại do ảnh hưởng mưa, lũ tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ
Theo báo cáo của các BCH PCTT &TKCN các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng, thiệt hại do mưa, lũ tính đến 17h00 ngày 11/8, như sau:
- Về người:
+ Người chết: 11 người, tăng 1 người so với báo cáo ngày 10/8 (tìm thấy thi thể 01 người mất tích ở Đồng Nai). Cụ thể như sau: Gia Lai: 01 người; Đắk Lăk: 01 người; Đắk Nông: 05 người; Kom Tum: 02 người; Lâm Đồng: 01 người; Đồng Nai: 1 Người.
+ Bị thương: 05 người (Đắk Lăk: 01 người; Lâm Đồng: 04 người).
- Về nhà ở: 3.883 nhà bị ngập nước (không thay đổi so với báo cáo nhanh ngày 10/8);
- Về nông nghiệp: 22.218 ha lúa, hoa màu bị ngập; 1.110ha cây trồng lâu năm, 2.582ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi;
- Về thủy lợi: 53,13km kênh bị sạt; 04 đập bị hư hỏng;
- Về giao thông: 31,55km đường giao thông bị sạt lở; 06 cống và 26 cầu bị hư hỏng;
- Về thủy sản: 142ha nuôi cá truyền thống, 4.300m3 lồng bè bị thiệt hại;
- Ước tổng thiệt hại 1.073 tỷ đồng.
- Tình hình ngập lụt tại Phú Quốc (Kiên Giang)
Hiện nay không còn mưa, nước đã rút chỉ còn ngập lụt ở một vài điểm thấp trũng, các hộ dân đã trở về nhà.
- Thiệt hại do mưa lũ sau bão số 03 tại tỉnh Thanh Hóa: 10 người chết, 06 người mất tích.
- Thiệt hại khác:
Tại tỉnh Bình Thuận: Theo báo cáo nhanh ngày 11/8/2019 của Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh, lúc 12h30 ngày 10/8/2019 trên địa bàn xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh có xảy ra mưa lớn, kết hợp lốc xoáy cục bộ làm tốc mái 03 căn nhà trên địa bàn xã. Thiệt hại ước tính 20 triệu đồng.
Tại tỉnh Cà Mau: Theo báo cáo nhanh số 111/BC-PCTT ngày 11/8/2019 của Văn phòng TT Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tình hình xử lý sạt lở đê biển Tây (tính đến 17 giờ ngày 11/8/2019), đã xử lý bằng cừ tràm, vải bạt và xếp bao tải đất được 356m, tạm thời giữ ổn định cho đê. Ngoài ra, đối với đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng 356m, lực lượng hộ đê đang tiếp tục gia cố thêm một hàng cừ tràm phía ngoài cách hàng cừ tràm trước đó l,2m và đã thi công được 310m, đồng thời; đắp một con trạch (kích thước 1x1m) bằng bao tải cát trên mặt đê dài 250m để ngăn nước biển tràn vào phía nội đồng, đồng thời đây cũng là vật tư hộ đê trong tình huống cấp bách. Duy trì 80 người túc trực tại hiện trường để đảm bảo ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu.
V.CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
- Tỉnh Đắk Nông khẩn trương phối hợp chặt chẽ Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đập và các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư phía hạ du, trong mọi trường hợp không để xảy ra vỡ đập, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương PCTT theo yêu cầu.
- Tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả ngập lụt do mưa lũ gây ra đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên đảo, huy động lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để tổ chức cứu trợ tại những nơi còn ngập lụt, tổ chức giúp nhân dân dọn dẹp nhà cửa vệ sinh môi trường, không để người dân bị đói rét, dịch bệnh.
- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi đang bị sự cố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.
- Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người mất tích, triển khai các công tác cứu trợ, tiếp tục khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực bị lũ quét, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa; khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân.
- Trung tâm Quốc gia dự báo KTTV tiếp tục cung cấp các bản tin thiên tai, cảnh báo khả năng lũ quét, sạt lở đất và các diễn biến thời tiết nguy hiểm, bất thường./.
Tải file đính kèm