BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 10/5/2023
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin gió mùa Đông Bắc
Ngày và đêm 11/5, bộ phận không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và BắcTrung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3.
Đêm 11-12/5, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát. Nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 21-23 độ, vùng núi có nơi dưới 20 độ.
Từ chiều và đêm 11/5, ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 5, riêng khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ từ gần sáng ngày 12/5 có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 1,5-2,5m, biển động.
2. Tin dự báo mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
Ngày và đêm 11/5, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm/24h, có nơi trên 80mm/24h và có khả năng kéo dài đến hết ngày 12/5.
Ngoài ra, ngày và đêm 11/5 ở Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối) với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.
3. Tin động đất
Vào hồi 07h53’ ngày 10/5, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 01 trận động đất có độ lớn 2,7, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
II. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/09/5-19h/10/5): Các khu vực trên cả nước có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến dưới 60mm; một số trạm có lượng mưa lớn như: Chiềng Mai (Sơn La) 121mm; Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh) 100mm; Hồ Đông Tiến (Quảng Nam) 77mm; Đơn Dương (Lâm Đồng) 77mm; Tân Uyên (Bình Dương) 93mm; Long Khánh (Đồng Nai) 92mm.
- Mưa đêm (19h/10/5-07h/11/5): Khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa và mưa to lượng mưa phổ biến dưới 50mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Yên Bình (Yên Bái) 76mm; Thanh Thịnh (Bắc Kạn) 66mm; Hoàng Nông (Thái Nguyên) 67mm; Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh) 226mm, Đầm Hà (Quảng Ninh) 166mm; Đồng Giao (Ninh Bình) 69mm; Xuân Lẹ (Thanh Hóa) 102mm; Hòn Khói (Khánh Hòa) 79mm; Ia Lốp (Đắk Lắk) 59mm.
- Mưa 3 ngày (19h/07/5-19h/10/5): Các khu vực trên cả nước có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 70-130mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Linh Phú (Tuyên Quang) 157mm; TP. Thái Nguyên (Thái Nguyên) 144mm; Hồ suối Dầu (Khánh Hòa) 199mm; Thành Sơn (Khánh Hòa) 172mm; Phước Hòa (Ninh Thuận) 167mm.
III. TÌNH HÌNH XÂM NHẬP MẶN KHU VỰC NAM BỘ
- Khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất khoảng 55-60km.
- Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 25-35km.
Dự báo: Từ nay đến ngày 20/5, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế giảm dần, độ mặn phổ biến tại các trạm ở mức tương đương và cao hơn so với độ mặn cao nhất tháng 5/2022.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Cấp 1-2.
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Điện Biên và Cà Mau:
- Điện Biên: Chiều ngày 09/5, trên địa bàn huyện Mường Nhé đã xảy ra dông, lốc làm 24 nhà tốc mái, hư hỏng; ước thiệt hại khoảng 258 triệu đồng.
- Cà Mau: Sáng ngày 10/5, tại xã Tam Giang, huyện Năm Căn xẩy ra 01 vụ sạt lở đất ven sông làm 02 nhà bị sập, 02 nhà bị hư hỏng; ước thiệt hại khoảng 140 triệu đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
1. Trung ương
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.
2. Địa phương
- Các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn cục bộ, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.
- Các địa phương khu vực Nam Bộ chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với xâm nhập mặn.
V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
tải file đính kèm