Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 10/10/2021



 

BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 10/10/2021

Trên cơ sở báo cáo của các bộ phận trực, Văn phòng thường trực báo cáo công tác trực ban ngày 10/10 như sau:

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Tin cuối cùng về bão số 7:

Sáng ngày 10/10, Bão số 7 đã suy yếu thành Áp thấp nhiệt đới. Gió thực đo mạnh nhất lúc 08h/10/10 tại: Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) gió Cấp 8; Cô Tô gió cấp 8, Móng Cái gió cấp 8 (Quảng Ninh). Chiều 10/10, Áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định và suy yếu thành vùng áp thấp.

2. Tin bão gần biển Đông (Bão Kompasu):

Hồi 01h/11/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 124,8 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) 300km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và mạnh thêm.

3. Tin gió mùa Đông Bắc:

Hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Bắc.

Dự báo: Ngày 11/10, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Đông Bắc Bộ; sau đó là Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Bắc Bộ và Thanh Hóa trời lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-22 độ, vùng núi có nơi dưới 18 độ; Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.

4. Tình hình mưa:

- Mưa ngày (từ 19h/09/10-19h/10/10): Khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to, mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 60-120mm; một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Nậm Xây Luông 3 (Lào Cai) 195mm; Tà Si Láng (Yên Bái) 189mm; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 177mm; Độc Lập (Hòa Bình) 134mm; Tân Minh (Phú Thọ) 128mm; Vĩnh Bảo (Hải Phòng) 123mm; Phủ Dực (Thái Bình) 123mm; Nam Định 123mm; Ba Sao (Hà Nam) 120mm.

- Mưa đêm (từ 19h/10/10-06h/11/10): Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, các tỉnh miền núi phía bắc có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 30-80mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Tà Si Láng (Yên Bái) 177mm, Láng Nhì (Yên Bái) 132mm; Bản Khoang (Lào Cai) 102mm; Nậm Xây Luông 3 99mm, Sapa 94mm (Lào Cai); Tân Minh (Phú Thọ) 111mm, Tân Pheo (Hòa Bình) 99mm; Lâm Đồng 92mm.

- Mưa 3 ngày (từ 19h/07/10-19h/10/10): Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Nậm Xây Luông 3 (Lào Cai) 195mm; Tà Si Láng (Yên Bái) 189mm; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 188mm; Cô Tô (Quảng Ninh) 183mm; Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) 206mm; Dân Hóa (Quảng Bình) 160mm; Thượng Lộ (Thừa Thiên Huế) 161mm; Thành Mỹ (Quảng Nam) 196mm.

Dự báo:

- Ngày 11/10: Khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 40-80mm, riêng Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai có nơi trên 120mm; Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, tổng lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm.

- Từ 11-13/10: khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.

II. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA

1. Hồ thủy điện: các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế; hiện có 43 hồ trên các lưu vực hiện nay đang xả tràn. Các hồ trước khi xả lũ đều có thông báo việc xả lũ theo quy trình. 06 hồ thủy điện đã đầy như: Chi Khê; A Lưới; An Khê; Sê San 4A; Đồng Nai 2; Srok Phu Miêng.

2. Hồ chứa thủy lợi:

Khu vực miền núi phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ: 1.855/3.044 hồ đã đầy nước (Hà Giang: 46/60 hồ; Tuyên Quang: 46/374 hồ;  Thái Nguyên: 26/198 hồ; Phú Thọ: 17/230 hồ; Quảng Ninh: 23/146 hồ; Ninh Bình: 35/42 hồ; Thanh Hóa: 370/610 hồ; Nghệ An: 1.031/1.061 hồ; Hà Tĩnh: 261/323 hồ).

Khu vực tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị: 196 hồ đang thi công, cụ thể: Hà Giang 14, Tuyên Quang 13, Yên Bái 7, Điện Biên 1, Bắc Cạn 5, Thái Nguyên 13, Lạng Sơn 13, Bắc Giang 10, Sơn La 2, Phú Thọ 3, Hòa Bình 22, Quảng Ninh 7, Ninh Bình 3, Thanh Hóa 17, Nghệ An 29, Hà Tĩnh 14, Quảng Bình 10, Quảng Trị 13. Các địa phương đã có phương án đảm bảo an toàn.

3. Về đê điều: sạt lở 30m mái phía đồng đê cửa sông Tả Hồng Hà tại K4+200 xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Hiện chính quyền địa phương đã tổ chức xử lý sự cố đảm bảo an toàn.

III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tính đến 06h/11/10, chưa ghi nhận thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương:

- Sáng ngày 10/10, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 7/áp thấp nhiệt đới và bão Kompasu. Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1323/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.

- Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có Công văn số 108/QGPCTT ngày 10/10 gửi Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để chỉ đạo hỗ trợ cũng như thông tin tới các lực lượng lao động di chuyển từ một số tỉnh phía nam qua vùng có thiên tai.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai gửi Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam để tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng các công điện, công văn, bản tin và hoạt động chỉ đạo, ứng phó với bão, mưa lũ.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên theo dõi và chỉ đạo các cơ quan liên quan ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới, mưa lũ.

- Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo điều hành ứng phó.

2. Địa phương:

- Các tỉnh/thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; kiểm tra công trình đê điều, hồ chứa, công trình xung yếu, đang thi công và triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất. chuẩn bị sẵn sàng phương án trong bối cảnh dịch Covid-19.

- Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có công điện chủ động ứng phó với bão Kompasu và mưa lũ.

V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

Trước diễn biến của mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và bão Kompasu vào biển Đông, nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm (bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cần tập trung các công việc sau:

  1. Theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết, Ban chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ trong 10 ngày tới.
  2. Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin sớm về mưa lũ sau bão số 7 và cơn bão Kompasu; xác định khu vực nguy hiểm trên biển để hướng dẫn tàu thuyền.
  3. Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng tình huống bị chia cắt; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, khu vực khai thác khoáng sản.
  4. Tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch Covid-19
  5. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban PCTT 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo QGPCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN khi có tình huống xảy ra./.

Tải file đính kèm tại đây

[1] Trực tổng hợp và 06 bộ phận trực: Trực điều hành liên hồ chứa; Trực đê điều; Trực cung cấp thông tin thiên tai quốc tế; Trực cơ sở dữ liệu; Trực thông tin, truyền thông; Trực hành chính, văn thư, hậu cần.