BÁO CÁO
Công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 09/8/2019
- TÌNH HÌNH THỜI TIẾT (Theo bản tin của TT DBKTTV QG)
- Diễn biến lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên
- Lũ trên sông Cam Ly (Lâm Đồng) tại trạm Thanh Bình: đạt đỉnh lúc 18h00/8/8 là 834,25m (trên BĐ3 1,25m) và vượt lịch sử 0,28m; lúc 07h/10/8 là 830,41m (dưới BĐ1 0,59m).
- Lũ trên sông Đồng Nai tại trạm Tà Lài: đạt đỉnh lúc 13h00/09/8/2019 là 114,10m (trên BĐ3 0,60m, dưới mực nước lũ lịch sử 0,21m); lúc 7h00/10/8 là 113,61m (trên BĐ2 là 0,61m).
- Lũ trên sông Srêpốk đang tiếp tục xuống, lúc 07h00/10/8, mực nước tại trạm Bản Đôn là 170,30m ( dưới BĐ1 0,70m).
- Tin mưa lớn
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên trong ngày 10/8, ở Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến 30-60mm/24h); riêng các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai có mưa rất to (lượng mưa 50-120mm/24h). Trong đêm 10/8, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa (lượng mưa phổ biến 10-30mm/12h; riêng Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước có mưa to (lượng mưa 20-50mm/12h). Từ ngày 11/8, mưa lớn ở Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm dần. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
- Tin cảnh báo mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên các vùng biển phía Nam
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ngày 10/8, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan và khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động, sóng biển cao 2.0-4.0m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
- Tình hình mưa
3.1. Mưa ngày (19h/08/8-19h/09/8): Khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 50-80mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Mai Châu (Hòa Bình) 115mm; Bến Hồ (Bắc Ninh) 83mm; Đắk Mốt (Kon Tum) 107mm; Cát Tiên (Lâm Đồng) 89mm; Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) 102mm; Phú Quốc (Kiên Giang) 368mm.
3.2. Mưa 3 ngày (từ 19h/6/8-19h/9/8): Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa từ 100 – 250mm, một số trạm mưa lớn: Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) 374mm; Eakmat (Đắk Lắk) 348mm; Giang Sơn (Đắk Lắk) 312mm; Cát Tiên (Đồng Nai) 258mm; Phú Quốc (Kiên Giang) 592mm.
3.3. Mưa đêm (19h/09/8-07h/10/8): Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ rải các có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến dưới 30mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Bảo Lộc (Lâm Đồng) 43mm; Đắk buksor (Đắk Nông) 40mm; Cao Lãnh (Đồng Tháp) 54mm; Trà Nóc (Cần Thơ) 56mm; Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) 116mm;
- TÌNH HÌNH HỒ CHỨA
- Sự cố hồ chứa thủy điện Đắk Kar
- Nguyên nhân: mưa lớn, hồ đang thi công, cửa van tràn xả lũ bị kẹt, đường ống áp lực bị vỡ;
- Những công việc đã xử lý: Địa phương đã tổ chức di dân (Đắc Nông: 02 hộ vùng hạ du đập và 400 người/ 200 nhà rẫy; Bình Phước: 5.000 dân). Sau khi nước rút, các hộ dân đã về nhà.
- Mực nước hồ đang giảm, đến sáng 10/08 mực nước hồ ở +475,95m (thấp hơn cao trình đỉnh đập 4,55m, trên cao trình MNDBT 0,95m), giảm 2,05m so với thời điểm mực nước cao nhất và 0,72m so với sáng 09/8;
- Công tác chỉ đạo: BCĐ TWPCT đã cử đoàn công tác đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục sự cố.
- Kiến nghị: Tiếp tục theo dõi tình hình mưa, sẵn sàng duy trì lực lượng nếu tiếp tục có mưa lớn và mực nước hồ vượt +479,0m sẽ mở rộng vai phải 3-5m, thả rọ đá chống xói xả lũ về hạ du.
- Sự cố hồ chứa thủy điện Đắk Sin 1
- Nguyên nhân: Do mưa lớn kéo dài, lượng nước về hồ lớn làm lỡ núi gây vỡ đường ống áp lực cần xả lũ để đảm bảo an toàn đập.
- Biện pháp khắc phục: Mở cửa xả nước làm chậm gia tăng mực nước hồ.
- Hiện trạng: Đập an toàn. Mực nước hồ hiện tại/mực nước dâng bình thường: 490,37m/495m.
- Hồ chứa thủy điện
- Các hồ chứa cắt lũ sông Hồng: Lưu lượng về hồ Hòa Bình dao động trong ngày, cao nhất đạt 4.884 m3/s hồi 21h00, có xu hướng giảm, lúc 7h00 ngày 10/8 là 3.425m3/s, ở mức 99,73m/101m (MN cho phép); các hồ khác còn ở mức thấp so với quy định.
- Lưu lượng dòng chảy từ Trung Quốc về Việt Nam trên thượng nguồn sông Đà chảy vào hồ thủy điện Lai Châu ổn định.
(Có phụ lục chi tiết kèm theo).
- Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 25 hồ chứa thủy điện vận hành xả tràn.
- Hồ chứa thủy lợi
Các hồ khu vực Tây nguyên ở mức trung bình 60-75% dung tích thiết kế, cụ thể: Kon Tum 55%, Đăk Nông 85%, Gia Lai 60%, Đắk Lắk: 70%, Lâm Đồng 75%.
* Sự cố hồ chứa nước:
- Hồ chứa Đội 6, xã Ia Lốp, huyện Ea Soup (dung tích 0,575 triệu m3), từ 3h30-7h30 ngày 7/8/2019 nước tràn qua đỉnh đập (lúc cao nhất 30cm) làm xói lớp đất mặt mái hạ lưu đập. Mực nước hồ đã hạ; xuất hiện 2 lỗ thấm ở vai trái đập, hiện địa phương đang xử lý 2 lỗ thấm này.
- Hồ 201 xã Cư Bur, TP. Buôn Ma Thuột (dung tích 0,3 triệu m3, đập cao 8m) cũng bị nước tràn qua đỉnh đập 20cm lúc 14h ngày 7/8, hiện nước đã rút (thấp hơn đỉnh đập 50cm); địa phương đã khơi thông cửa vào tràn, gia cố đỉnh đập.
- Hồ Ea Nao 2, TP. Buôn Ma Thuột (dung tích 0,2 triệu m3, đập cao 5m); ngày 08/8 nước thấm qua mang cống (cống hộp có kích thước 80x80cm) làm sạt 3m mái đập hạ lưu tại vị trí cống. Địa phương đã đắp bao tải đá dăm và cấu kiện bê tông vào vị trí sạt, đồng thời hạ thất mặt đập tại vị trí cống, phủ bạt để nước tràn qua tránh vỡ đập. Hiện tại mực nước hồ đã rút, đập an toàn.
- Đập Ông Hứa (Đắk Nông) cống thoát không kịp đã tràn qua mặt đập. Ngày 08/8, công ty dã mở rộng cống, trải bạt, lắp đặt 02 đường ống thay thế. Hiện taị đập an toàn.
III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
- Trung ương
- Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT có Công văn số 104/TWPCTT ngày 09/8/2019 gửi UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ Công Thương triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du hồ thủy điện Đắk Kar; Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT có Công văn số 371/TWPCTT-VP ngày 09/8/2019 gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước đề nghị báo cáo về sự cố thủy điện Đắk Kar;
- Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT có công điện số 12/CĐ-TW hồi 20h ngày 09/8/2019 điện Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kiên Giang triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho dân và du khách, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ;
- Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tiếp tục phối hợp cùng các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước để triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý sự cố thủy điện Đắk Kar.
- Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó;
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục thông tin, truyền thông về thiên tai, công tác chỉ đạo, khắc phục hậu quả.
- Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương PCTT tăng cường công tác trực ban, thường xuyên cập nhật tình hình thiên tai, thông báo và đôn đốc các địa phương tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Địa phương
- VPTT Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ để triển khai kịp thời biện pháp ứng phó.
- Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đắk Nông đã cử đoàn công tác do đồng chí chủ tịch UBND tỉnh phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Phước thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đập Đắk Kar và tài sản, tính mạng của nhân dân khu vực hạ du.
- Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Bình Phước đã có công văn chỉ đạo di dời nhân dân ra khỏi vùng trũng những nơi nguy hiểm, hạ lưu thủy lợi Đắk Kar, tổ chức đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng để triển khai ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
- Sáng 10/8/2019, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ngập;
- Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ sau bão số 03.
- TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
- Thiệt hại do ảnh hưởng mưa, lũ tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ
Theo báo cáo của các BCH PCTT &TKCN các tỉnh: Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kom Tum, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận thiệt hại do mưa, lũ tính đến 23h00 ngày 09/8, như sau:
- Về người:
+ Người chết: 10 người, tăng 02 người so với báo cáo ngày 08/9 tại Đắk Nông. Cụ thể như sau: Gia Lai: 01 người; Đắk Lăk: 01 người; Đắk Nông: 05 người; Kom Tum: 02 người; Lâm Đồng: 01 người;
+ Người bị mất tích: 01 người (Đồng Nai);
+ Bị thương: 04 người (Lâm Đồng).
- Về nhà ở: 3.717 nhà bị ngập nước (Đắk Lắk: 913 nhà; Đắk Nông: 60 nhà; Bình Phước: 04 nhà; Đồng Nai: 32 nhà; Bình Thuận: 252 nhà; Gia Lai: 26 nhà; Lâm Đồng: 2.430 nhà); 789 nhà phải di dời (Đồng Nai: 250 nhà; Lâm Đồng: 548 nhà).
- Về nông nghiệp:18.382ha lúa, hoa màu bị ngập; 703ha cây trồng lâu năm, 2.558ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
- Về thủy lợi: 207m kênh bị sạt; 03 đập bị hư hỏng.
- Về giao thông: 10 tuyến đường giao thông bị sạt lở; 05 cống bị hư hỏng.
- Về thủy sản: 125ha nuôi cá truyền thống, 4.300m3 lồng bè bị thiệt hại.
- Ước tổng thiệt hại 992,5 tỷ đồng.
- Thiệt hại do mưa lớn tại Phú Quốc (Kiên Giang)
Mưa lớn tại Phú Quốc ngày 09/8/2019 đã gây thiệt hại như sau: 8.424 nhà bị ngập; 1.985 người phải sơ tán; 63km đường bị ngập. Ước tổng thiệt hại 107 tỷ.
- Thiệt hại do mưa lũ sau bão số 03 tại tỉnh Thanh Hóa: 09 người chết, 07 người mất tích.
- Thiệt hại khác:
- Tại tỉnh Cà Mau: Theo Báo cáo nhanh số 108/BC-BCH ngày 09/8/2019 của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, ngày 08-09/8/2019 mưa lớn kèm theo dông, lốc và triều cường đã gây thiệt hại như sau: 01 người chết (bà Đoàn Thị Thu Thảo, sinh năm 1965 tại ấp Dinh Cu, xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển, do lốc xoáy làm sập nhà); 10 nhà và 01 trường học bị sập; 154 nhà và 02 trường học bị tốc mái; 320 nhà bị ngập do triều cường.
- Tại tỉnh Lào Cai: Theo báo cáo nhanh số 229/BC-VPTT ngày 09/8/019 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai, mưa lớn ngày 09/8 tại huyện Văn Bàn, Bảo Yên đã gây thiệt hại như sau: gãy 10m kênh thủy lợi; sạt lở ta luy dương tại K145+530 gây ách tắc cục bộ. Ước thiệt hại khoảng 45 triệu.
- Tại tỉnh Hà Giang: Theo Báo cao nhanh ngày 09/8/2019 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Giang, chiều ngày 09/8/2018 trên địa bàn thôn Quán Xí, xã Lũng Pù, huyện Mèo vạc đã xảy ra mưa to cục bộ kèm sấm sét làm 01 người chết (Giàng Minh Và, sinh năm 2016) và 02 người bị thương.
- CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
Do diễn biến mưa lũ còn phức tạp nên đề nghị các tỉnh tập trung triển khai các công việc sau:
- Các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt là tình hình xả lũ đảm bảo an toàn hạ du.
- Tỉnh Đắk Nông khẩn trương phối hợp chặt chẽ Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đập và các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp công trình cần thiết để đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư phía hạ du, trong mọi trường hợp không để xảy ra vỡ đậ; báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương PCTT theo yêu cầu.
- Tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên đảo, tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, canh gác, hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua các những nơi nguy hiểm, ngập sâu, chia cắt; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, huy động lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để tổ chức cứu trợ tại những nơi bị ngập lụt, chia cắt, không để người dân bị đói rét, dịch bệnh.
- Tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai chủ động tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
- Tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi đang bị sự cố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.
- Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người mất tích, triển khai các công tác cứu trợ, tiếp tục khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa; khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân.
- Trung tâm Quốc gia dự báo KTTV tiếp tục cung cấp các bản tin thiên tai, cảnh báo khả năng lũ quét, sạt lở đất và các diễn biến thời tiết nguy hiểm, bất thường./.
- Tải file đính kèm