BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 08/6/2023
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin dự báo mưa lớn ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ; mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở khu vực Trung Bộ
Từ ngày 09/6 đến đêm 10/6, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-90mm, có nơi trên 140mm; Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 120mm.
Chiều tối ngày 09/6, ở khu vực Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Cảnh báo: Từ ngày 11-13/6, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 60-120mm, có nơi trên 180mm; Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 120mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.
2. Tin thời tiết nguy hiểm trên biển
Hồi 01 giờ ngày 09/6, vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc của vịnh Bắc Bộ có vị trí ở vào khoảng 21,5-22,5 độ Vĩ Bắc; 108,5-109,5 độ Kinh Đông. Dự báo: Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục ít di chuyển, có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trên vịnh Bắc Bộ có mưa dông mạnh, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Ngoài ra, trong ngày và đêm 09/6, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2,0-3,0m; biển động.
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/07/6-19h/08/6): Các khu vực trên cả nước rải rác có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến dưới 60mm; một số trạm có lượng mưa lớn như: Thuỷ điện Lao Chải (Lào Cai) 98mm; Thuỷ điện Séo Chông Hô (Lào Cai) 135mm; Thượng Giáp (Tuyên Quang) 75mm; ĐH Nông Lâm (Thái Nguyên) 111mm; TT Sông Cầu (Thái Nguyên) 104mm; Bình Liêu (Bắc Giang) 64mm.
- Mưa đêm (19h/08/6-07h/09/6): Khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 40-80mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Mường Sại (Sơn La) 152mm; Đứa Mòn (Sơn La) 133mm; Đoàn Kết (Hoà Bình) 96mm; Vàng Bó (Lai Châu) 119mm; Sìn Hồ (Lai Châu) 114mm; Mường Lay (Điện Biên) 107mm; Việt Cường (Yên Bái) 98mm; Phú Hộ (Phú Thọ) 144mm; Phú Thọ (Phú Thọ) 109mm; Sơn Tây (Hà Nội) 101mm; Yên Phong (Bắc Ninh) 98mm; Đê biển Hải Hậu (Nam Định) 110mm; Quỳ Châu (Nghệ An) 128mm.
- Mưa 3 ngày (19h/05/6-19h/08/6): Các khu vực trên cả nước có mưa phổ biến từ 60-120mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Thuỷ điện Séo Chông Hô (Lào Cai) 147mm; Phước Ninh (Quảng Nam) 198mm; Quế Phước (Quảng Nam) 185mm; Rờ Kơi (Kon Tum) 166mm; Ia Pnôn (Gia Lai) 222mm; Bảo Lộc (Lâm Đồng) 168mm; Mỏ Cày (Kiên Giang) 171mm.
II. TÌNH HÌNH XÂM NHẬP MẶN KHU VỰC NAM BỘ
Từ nay đến 10/6, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục có xu thế giảm dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Cấp 1-2.
III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo Báo cáo nhanh của VPTT BCH PCTT & TKCN các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, từ ngày 07-08/6, sạt lở đã gây thiệt hại như sau:
- Bạc Liêu: Xảy ra 01 vụ sạt lở tại xã Tân Phong, thị xã Giá Rai với chiều dài 65m, rộng từ 03-07m, làm 13 căn nhà sụp một phần (nhà sau).
- Cà Mau: Xảy ra 12 vụ sạt lở đất ven sông tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển với tổng chiều dài 312m, rộng từ 5-20m; làm hư hỏng 10 căn nhà, 117m đường giao thông nông thôn. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ di dời tài sản, sơ tán người dân đến nơi an toàn, cắm biển cảnh báo, hạn chế người dân qua lại và tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Ngày 08/6/2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT đã ban hành công văn số 204/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các cơ quan liên quan để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Ngày 07/6/2023, ban hành công văn số 203/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang để chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.
2. Địa phương
- Các tỉnh, thành phố[1] đã chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và gió mạnh trên biển theo các công văn số 204/VPTT ngày 08/06/2023 và số 203/VPTT ngày 07/06/2023.
- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn; gió mạnh, sóng lớn, mưa dông trên biển và xâm nhập mặn.
V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện các công văn số 203/VPTT ngày 07/6/2023 và số 204/VPTT ngày 08/6/2023 của VPTT.
2. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
[1] 18 tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện (Hải Phòng; Thái Bình; Nam Định; Ninh Bình; Nghệ An; Hà Tĩnh; Quảng Trị; Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Khánh Hoà; Bình Thuận; Bà Rịa – Vũng Tàu; Tiền Giang; Bến Tre; Sóc Trăng; Cà Mau).