
BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 08/10/2023
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin bão trên biển Đông (bão số 4, tên quốc tế là KOINU)
Hồi 04 giờ ngày 09/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,6 độ vĩ bắc; 113,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13, di chuyển chậm theo hướng Tây với tốc độ khoảng 5km/h.
Dự báo trong 24h tới, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ vĩ bắc, 111,0 độ kinh đông, trên vùng ven biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, khoảng 10km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 114,5 độ kinh đông.
Cấp độ rủi ro thiên tai phía Tây Bắc khu vực bắc biển Đông: Cấp 3.
2. Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển
Ngày và đêm 09/10, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-11, giật cấp 14, sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão cao 4,0-6,0m. Gần sáng 10/10, vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2,0-3,0m.
Ngoài ra, ngày và đêm 09/10, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực bắc biển Đông có mưa bão; vùng biển từ Bình Thuận đến đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 3.
3. Tin không khí lạnh tăng cường
Hiện nay (09/10), bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Đêm 09/10, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 21-24 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 18-21 độ, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ.
4. Tin dự báo mưa dông và mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
Ngày và đêm 09/10, khu vực Trung Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 60mm; khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 70mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét: cấp 1.
5. Tin động đất
Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, ngày 08/10 tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 02 trận động đất vào hồi 14h53’, 19h10’ với độ lớn 2,7-3,4, độ sâu chấn tiêu từ 8,1-10km.
6. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/07/10-19h/08/10): Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa phổ biến từ 30-60mm, riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị cục bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 80-150mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Chợ Tràng (Nghệ An) 181mm; Thạch Xuân (Hà Tĩnh) 477mm; Bắc Sơn (Hà Tĩnh) 410mm; Hương Giang (Hà Tĩnh) 303mm; Hồ Sông Thai (Quảng Bình) 309mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 293mm.
- Mưa đêm (19h/08/10-07h/09/10): Khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 40-70mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thương Lộ (Thừa Thiên Huế) 176mm, Suối Đá (Đà Nẵng) 122mm, Ea Ly (Phú Yên) 103mm, Chư Prông (Gia Lai) 169mm, Ia Piơr (Gia Lai) 147mm, Ea M’đoal (Đắk Lắk) 145mm, Ea Sin (Đắk Lắk) 144mm.
- Mưa 3 ngày (19h/05/10-19h/08/10): Các khu vực trên cả nước có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Cao Bồ (Hà Giang) 233mm; Tân Đồng (Yên Bái) 269mm; Chợ Tràng (Nghệ An) 288mm; Thạch Xuân (Hà Tĩnh) 517mm; Bắc Sơn (Hà Tĩnh) 410mm; Hồ Sông Thai (Quảng Bình) 309mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 293mm; Tiên Lãnh (Quảng Nam) 211mm.
II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN
Theo báo cáo số 344/BC-CQTT của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng hiện đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.989 phương tiện/225.572 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh, cụ thể:
+ Hoạt động ở khu vực Bắc Biển đông và Hoàng Sa: 270 tàu/2.107 người.
+ Hoạt động ở khu vực khác: 6.321 tàu/37.132 người.
+ Neo đậu tại các bến: 45.398 tàu/186.333 người.
+ Không có phương tiện nằm trong khu vực nguy hiểm.
III. TÌNH HÌNH THUỶ VĂN
1. Các sông khu vực Bắc Bộ
- Mực nước sông Hồng tại Hà Nội và mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Lúc 07h/09/10 mực nước trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là +1,44m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là +0,53m.
- Dự báo: Đến 07h/10/10 mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức +1,6m; trong 36 giờ tới, mực nước tại Phả Lại cao nhất có khả năng ở mức +1,50m và thấp nhất ở mức +0,45m.
2. Các sông khu vực Trung Bộ
Các sông ở Trung Bộ, mực nước thượng lưu biến đổi chậm, mực nước hạ lưu dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.
3. Các sông Nam Bộ
- Mực nước sông Cửu Long đang xuống theo triều, mực nước cao nhất ngày 08/10 trên sông Tiền tại Tân Châu là +2,79m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là +2,62m.
- Dự báo: Mực nước sông Cửu Long tiếp tục xuống theo triều. Đến ngày 12/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức +2,65m và tại Châu Đốc ở mức +2,50m.
IV. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU
Trong ngày trực ban không nhận được thông tin về sự cố đê điều.
V. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất từ ngày 06-08/10 đã gây thiệt hại:
- Về người: 03 người chết tại Yên Bái do sạt lở đất (ông Nguyễn Quyết Tiến, sinh năm 1959, bà Phạm Thị Viên, sinh năm 1962 và cháu Hoàng Thu Trang, sinh năm 2011); 01 người mất tích tại Thái Nguyên do lũ cuốn (anh Lâm Trung Đức, sinh năm 1994).
- Về nhà: 02 nhà sập hoàn toàn, 53 nhà bị ảnh hưởng, hư hại (Yên Bái).
- Về nông nghiệp: 128ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại (Yên Bái 92,5ha, Tuyên Quang 35,4ha), 45,5 ha cây công nghiệp bị hư hại và 88 con gia súc, gia cầm bị chết (Yên Bái).
- Về thuỷ sản: 64,4ha ao cá bị tràn (Yên Bái).
- Về giao thông: sạt lở đất đá nhiều điểm đường giao thông với khối lượng đất đá trên 12.300m3; 02 cầu bị cuốn trôi; 03 ngầm tràn bị gãy sập (Yên Bái).
VI. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Ngày 08/10/2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai có văn bản số 375/VPTT gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế về việc ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
- Ngày 05/10/2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 12/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà về việc chủ động ứng phó với bão số 4.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.
2. Địa phương
- Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó bão số 4 theo Công điện số 12/CĐ-QG ngày 05/10/2023, trong đó 11 tỉnh/thành phố[1] đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương.
- Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
- Tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên tiếp tục chủ động huy động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
VII. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà chủ động triển khai các biện pháp ứng phó bão số 4 theo Công điện số 12/CĐ-QG ngày 5/10/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
2. Các tỉnh/thành phố Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa dông và mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.
3. Tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên tiếp tục khắc phục hậu quả do mưa lũ và tìm kiếm nạn nhân còn mất tích do lũ cuốn.
4. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
Tải file tại đây