BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 07/5/2023
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới
Chiều 07/5, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Giữa Biển Đông. Hồi 16 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
2. Tin gió mùa Đông Bắc
Ngày 08/5, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 21-24 độ, vùng núi có nơi dưới 21 độ.
3. Tin cảnh báo mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
Ngày 08/5, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-50mm/24h, có nơi trên 80mm/24h.
Từ ngày 08/5 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to (thời gian xảy ra mưa dông tập trung vào chiều và tối), với lượng mưa 10-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.
4. Tin động đất
Vào hồi 05h44 ngày 07/5/2023, tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 01 trận động đất có độ lớn 2,6 tại vị trí có tọa độ 14,760 độ vĩ Bắc, 108,227 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,0 km.
5. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/06/5-19h/07/5): Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến 20-40mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Thủy điện Đồng Văn (Nghệ An) 51mm, Phước Hòa (Ninh Thuận) 69mm, Sông Lũy (Bình Thuận) 161mm, Sông Ray (Đồng Nai) 51mm.
- Mưa đêm (19h/07/5-07h/08/5): Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 30-70mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Linh Phú (Tuyên Quang) 151mm, Nam Hòa (Thái Nguyên) 114mm, Cống Lân (Thái Bình) 111mm, Thạch Xuân (Hà Tĩnh) 110mm.
- Mưa 3 ngày (19h/04/5-19h/07/5): Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 20-50mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Thủy điện Đa Nhim (Ninh Thuận) 82mm, Sông Lũy (Bình Thuận) 200mm, Thạnh Mỹ (Lâm Đồng) 100mm, Hương Mỹ (Kiên Giang) 69mm.
II. TÌNH HÌNH XÂM NHẬP MẶN KHU VỰC NAM BỘ
- Khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất khoảng 45-55km.
- Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 20-30km.
Dự báo: Từ nay đến 10/5, độ mặn tại hầu hết các trạm trên các sông Nam Bộ tăng chậm ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022; riêng trạm Sông Đốc nhỏ hơn năm 2022.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Cấp 2.
III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo BCN của VPTT BCH PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, chiều 07/5 trên địa bàn huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương đã xảy ra mưa dông kèm lốc, gió giật mạnh gây ra thiệt hại như sau:
- Về người: 01 người bị thương.
- Về nhà: 75 nhà bị tốc mái, 06 nhà bị sập.
- Về giáo dục: 01 trường học bị tốc mái.
- Về công trình: 03 cột điện chiếu sáng bị gãy đổ.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
1. Trung ương
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó:
- Trước 17h00 ngày 07/5/2023, tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện Công điện số 01/CĐ-VPTT ngày 05/5 gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang chủ động ứng phó với ATNĐ và công văn số 152/VPTT ngày 06/5 gửi các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên về đảm bảo an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm.
- Đôn đốc các địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ứng phó với mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.
2. Địa phương
Các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
2. Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh.
3. Tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
tải file đính kèm