Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 06/8/2019



 

Thành phần ca trực

Họ và tên

 

Trưởng ca trực

Đặng Văn Dăng

Cán bộ trực ban

Ngô Hữu Huy

 

Tải file đính kèm

                                          BÁO CÁO

      Công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 06/8/2019

     

  1. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT (Theo bản tin của TT DBKTTV QG)

1.1. Tin Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Tối ngày 6/8 vùng áp thấp trên biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Hồi 01h00, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 01h00 ngày 08/8, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 119,3 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Phi-líp-pin) 30km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.    

1.2. Tin cảnh báo vùng áp thấp trên khu vực Bắc biển Đông, mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên vùng biển phía Nam:

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với áp thấp và hoạt động của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh nên trong ngày và đêm nay 07/8, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.   

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao 2.0-4.0m. Biển động mạnh.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

1.3. Tình hình mưa

1.3.1. Mưa ngày (19h/05/8-19h/06/8): Các khu vực trên cả nước rải rác có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Hạnh Lâm (Nghệ An) 119mm, Hương Điền (Hà Tĩnh) 90mm, Hương Sơn (Hà Tĩnh) 80mm, Tà Pao (Bình Thuận) 103mm, Đak Mốt (Kon Tum) 76mm, Ea Kiết (Đắk Lắk) 70 mm, Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) 100mm.

1.3.2. Mưa đêm (19h/06/8-07h/07/8): Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên rải rác có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, một số nới có lượng mưa lớn như: Châu Khê (Nghệ An) 96mm, Ia Lốp (Đắk Lắk) 363mm, Ea Bar (Đắk Lắk) 214mm, Ea Kiết (Đắk Lắk) 197mm, Đăk Ru (Đắk Nông) 231mm, Đăk Drông (Đắk Nông) 172mm, Đăk Wil (Đắk Nông) 147mm.

Dự báo: Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ nay đến ngày 09/8 ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-70mm/24 giờ, miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có nơi trên 120mm/24 giờ).

1.4. Tình hình lũ

Hiện nay, lũ trên sông Thao, sông Bưởi, hạ lưu sông Mã đang xuống dưới mức BĐ1.

Dự báo: Lũ trên sông Thao, sông Bưởi và hạ lưu sông Mã sẽ tiếp tục xuống.

  1. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA

2.1. Hồ chứa thủy điện

- Các hồ chứa cắt lũ sông Hồng: Lưu lượng về hồ Hòa Bình dao động trong ngày, cao nhất đạt 4.311 m3/s hồi 3h00, hiện có xu hướng giảm dần, đến 7h/07/8 là 2.920m3/s, mực nước hồ ở mức 98.45m/101m (MN cho phép); các hồ khác còn ở mức thấp so với quy định. Lưu lượng dòng chảy từ Trung Quốc về Việt Nam trên thượng nguồn sông Đà chảy vào hồ thủy điện Lai Châu có xu hướng giảm so với ngày hôm trước (Có phụ lục chi tiết kèm theo).

- Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 29 hồ chứa thủy điện vận hành xả tràn, trong đó một số hồ trên lưu vực sông Mã xả cụ thể: Bá Thước 1 xả 180 m3/s, Bá Thước 2: 243m3/s, Trung Sơn: 115m3/s;

2.2. Hồ chứa thủy lợi

- Khu vực Bắc Bộ ở mức 60-75% dung tích. Các hồ khu vực Bắc Trung Bộ ở mức thấp, đạt 29-54% dung tích.

- Hiện có 113 hồ xuống cấp, hư hỏng; 56 hồ đang thi công cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn.

  1. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU

3.1. Các tỉnh có đê cấp III đến cấp đặc biệt từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa

Theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều, tính đến 19h00 ngày 06/8/2019, các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa đã xảy ra 09 sự cố đê điều, tăng 02 sự cố tại tỉnh Thanh Hóa so với ngày 05/8, cụ thể:

- Sạt lở bãi sông tương ứng đoạn K37+230 - K37+250 đê hữu sông Mã, xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa. Cung sạt xuất hiện từ cuối tháng 7/2019, đến nay cung sạt phát triển thêm do nước lũ sông Mã lên cao,chiều dài cung sạt 20m.

- Sạt lở bãi sông tương ứng đoạn từ K30+636 - K30+700, đê tả sông Mã, Xã Hoằng Khánh, Huyện Hoằng Hóa, đã có từ trước, nay phát triển thêm với 1 cung sạt dài khoảng 64m.

Hiện các địa phương tổ chức kiểm tra, lập phương án xử lý và theo dõi diễn biến của các sự cố.

3.2. Sự cố sạt lở đê biển Tây, Cà Mau

Tính đến ngày 06/8, đã xử lý được 276m/356m xung yếu nhất (đánh chìm 01 sà lan, xếp 10.000 bao tải đất phụ mái đê bị sạt lở, trải bạt 177m dọc mái đê phía biển, đóng 4.000 cọc cừ).

  1. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

4.1. Trung ương

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT đã có Thông báo số 362/TWPCTT-VP ngày 06/8/2019 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định và các Bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền Thông, Tài nguyên và Môi trường đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ trên biển Đông.

- Đoàn công tác của Ban chỉ đạo TW PCTT do Phó Chánh văn phòng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn tiếp tục phối hợp với địa phương kiểm tra hiện trường sạt lở, nắm bắt tình hình và hỗ trợ địa phương xử lý sự cố.

- Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục thông tin, truyền thông về thiên tai, công tác chỉ đạo, khắc phục hậu quả.

4.2. Địa phương

- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ trên biển Đông, mưa lũ sau bão và triển khai các biện pháp ứng phó.

- Tại Thanh Hóa: Đoàn công tác do ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh ủy đã kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ tại Quan Sơn và Mường Lát; Đoàn công tác do ông Đỗ Trọng Hưng – Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ tại Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Bá Thước. Địa phương đã huy động 4.462 cán bộ, chiến sỹ/60 phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

- UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo duy trì lực lượng 24/24 để tiếp tục theo dõi, hộ đê biển Tây. Tính đến 17h ngày 06/8, đã huy động 02 xe cuốc, 10.000 bao tải cát, đất, đá; trải 177m vải bạt; đóng 4.000 cọc cừ tràm để gia cố 276m/356m đê biển Tây; đánh chìm 01 xà lan để ngăn sóng. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục tập kết 2.000 bao đất và 1.000 cừ tràm để tiếp tục gia cố đoạn còn lại.

  1. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

5.1. Thiệt hại do mưa lũ sau bão số 3

Theo báo cáo nhanh của các BCH PCTT &TKCN các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Sơn La, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang,  Hòa Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nghệ An và Thanh Hóa, một số thiệt hại do mưa bão như sau:

- Người chết: 12 người, trong đó: Thanh Hóa 7 người (Mường Lát: 03 người, Quan Sơn: 04 người); Bắc Kạn 1 người; Điện Biên 1 người; Lào Cai 1 người; Sơn La 1 người; Phú Thọ 1 người.

- Người mất tích: 9 người, trong đó: tại Thanh Hóa 8 người (huyện Quan Sơn) và Điện Biên: 01 người;

Ngoài ra, bão còn gây ra các thiệt hại khác về giao thông, sản xuất nông nghiệp,…

(Có phụ lục chi tiết kèm theo)

5.2. Thiệt hại do ảnh hưởng mưa, dông lốc và triều cường do gió mùa Tây Nam ở Nam Bộ

Theo báo cáo nhanh của các BCH PCTT &TKCN các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, thiệt hại do mưa, dông lốc và triều cường tính đến ngày 6/8, như sau:

- Tỉnh Sóc Trăng: 01 người chết (Ông Châu Văn Thơ, sinh năm 1975, ở ấp Bình Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, bị chết do gió lốc làm tốc mái nhà rơi vào đầu); 04 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng.

- Tỉnh Cà Mau: Mưa lớn kèm theo giông lốc từ 02/8 đến 06/8/2019 đã làm 01 người bị thương; sập 134 căn nhà, tốc mái 665 căn, 01 trường học bị hư hỏng; triều cường làm ngập 1.781 căn nhà, 01 trường học, 471m bờ bao vuông tôm và 2.540 m đường giao thông và 107.75ha lúa Hè Thu (hiện nước đã cơ bản rút hết).

- Tỉnh Kiên Giang: Từ ngày 02-05/8/2019, trên địa bàn huyện Phú Quốc đã xảy ra mưa lớn làm 01 xưởng sửa xe và 02 căn nhà bị sập; 10 nhà tốc mái; 3.874 nhà ngập nước; 10,12ha hoa màu bị ngập hư hỏng; 1.675 con gia cầm bị chết; 16,7 tấn thủy sản và 10 tấn muối bị thiệt hại; 33,6 km đường giao thông bị ngập.

  1. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

- Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ trên biển Đông để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

- Các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục triển khai sẵn sàng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.

- Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người mất tích, triển khai các công tác cứu trợ, tiếp tục khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa; khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân.

- Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo khôi phục điện, giao thông đến các khu vực bị ảnh hưởng tại tỉnh Thanh Hóa.

- Trung tâm Quốc gia dự báo KTTV tiếp tục cung cấp các bản tin thiên tai, cảnh báo khả năng lũ quét, sạt lở đất và Tải file đính kèmcác diễn biến thời tiết nguy hiểm, bất thường.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở khu vực biển Tây đồng bằng sông Cửu Long. Huy động các lực lượng xử lý sự cố đê biển tại Cà Mau./.