A. Làm gì khi gặp cơn giông tại một nơi trống trải?
1. Những điều cần làm:
- Cần phải tránh xa tất cả những thiết bị hay những trụ kim loại: chúng ta có khả năng bị điện giật khi tiếp xúc với một vật dẫn điện nếu bị sét đánh trúng;
- Chúng ta có thể trú ẩn dưới một toà nhà bằng đá/gạch: nếu toà nhà đá/gạch không có cột thu lôi, tốt hơn hết là bạn không nên đụng tay chân hay tì lưng vào tường hoặc cột nhà;
- Khi không tìm thấy nơi trú ẩn, bạn phải cúi rạp người xuống đất: để tránh bị sét đánh, chúng ta không được đi sải bước, cũng không được đứng dạng chân. Tư thế tốt nhất là bó gối rạp người xuống đất.
- Một chiếc xe ô tô đôi khi là nơi trốn sét tốt: nếu ô tô của bạn không phải là loại mui trần, cũng không phải là loại có mái bằng nhựa thì nó đích thị là một CAGE DE FARADAY (nơi trú ẩn an toàn theo định luật FARADAY) vì chiếc ô tô đó sẽ tạo thành một vòng bao kim loại kín cho phép cách ly một khoảng không gian với trường nhiễm điện. Tất nhiên, với điều kiện ta phải tắt động cơ xe và thu ăng-ten radio xuống.
- Bạn có thể dùng điện thoại di động: miễn là không để điện thoại cao quá đầu mình, vì tuy có thể vỏ điện thoại làm bằng kim loại, nó quá bé để bị sét đánh;
2. Những điều không được làm:
- Nếu là cả một nhóm đi cùng nhau, không được túm năm tụm ba: ít nhất người nọ đứng cách người kia 3 mét (5 mét thì càng tốt), để nếu một người trong nhóm có bị sét đánh thì cũng không truyền ngang cho người kia được;
- Không được giương ô lên: không được để bất cứ vật gì nhất là khi vật đó làm bằng kim loại lên quá đầu người. Tất cả những vật dẫn điện (ô, bộ gậy gôn, thắt lưng, đồ trang sức, cái cào cỏ...) phải được tháo ra gập gọn và để cạnh người;
- Không được tránh giông trong bốt điện thoại: khi đường dây bị sét đánh, điện sẽ truyền đi rất nhanh, lan tới cabine điện thoại và gậy hại cho người đang trú trong đó. Đặc biệt không sử dụng điện thoại trong cabine.
- Không được tránh giông dưới gốc cây hoặc lùm cây: nguy cơ bị sét đánh trúng khi ta đứng trú dưới gốc cây hoặc lùm cây sẽ tăng gấp 50 lần. Nếu bạn đang ở trong rừng mà gặp giông, hãy tránh càng xa càng tốt các thân cây hay những cành cây sà xuống thấp.
B. Làm gì khi gặp giông trên núi?
- Đôi khi chúng ta có thể trú mình dưới một mỏm đá chìa ra với điều kiện mỏm đá đó phải cao ít nhất gấp 5 lần chiều cao của bạn, và cần phải tránh chạm hay dựa vào thành đá;
- Ta có thể nép mình ở trong một hang động nào đó: không được đứng gần cửa hang mà phải di chuyển vào sâu trong lòng hang, cách xa đáy hang, trần hang và thành hang;
- Không được đứng ở chỏm núi: đỉnh núi mỏm núi là những nơi có nguy cơ bị sét đánh cao;
C. Làm gì khi gặp giông ở cạnh nơi có nước (hồ nước, bãi biển) hoặc đang ngâm nước ngoài trời?
- Cần phải ra khỏi nước ngay lập tức khi thấy dấu hiệu đầu tiên của cơn giông đang tràn tới. Nếu không có đủ thời gian để chạy, tốt hơn hết là đợi giông tan bằng cách dầm mình xuống nước;
- Nếu bạn đang cắm trại, không được chui trốn ở trong lều: tốt hơn hết là chạy tới những nơi cấp cứu hoặc những nơi trú ẩn bằng bê tông. Nếu bạn không tìm thấy nơi trú ẩn quanh đó, nên ra xa khỏi lều và gập người xuống đất;
- Không được đi dạo trên biển khi giông bão: gần nước nguy cơ sét đánh cao, nhất là khi bạn để chân ngập nước;
D. Làm gì khi cơn giông tới và bạn đang ở trong nhà?
- Phải rút ngay ăng-ten vô tuyến: nếu nhà bạn không có cột thu lôi, phải rút ngay dây ăng-ten và dây cắm vô tuyến ra, vì điện áp cao sẽ khiến vô tuyến nhà bạn có thể bị nổ tung;
- Cột thu lôi của tháp chuông gần nhà không bảo vệ được các nhà xung quanh đâu: vùng bảo vệ của cột thu lôi khá là hạn chế, với một cột thu lôi lắp tại một nơi có chiều cao 30m, khoảng cách ngăn sét an toàn chỉ là một vòng tròn đường kính 60m mà thôi;
- Cắt cầu dao khi có giông không đảm bảo tránh được 100% điện giật, tốt hơn hết là nhà bạn nên lắp cột thu lôi;
- Phải tránh động vào những vật kim loại trong nhà: nếu nhà không có cột thu lôi, tốt nhất là tránh đụng vào ống nước, vòi nước, không đi tắm vòi sen hoặc tắm bồn, cấm dùng đồ điện tử khi có giông;
- Hạn chế dùng đường điện thoại cố định, tuy nhiên bạn có thể dùng điện thoại di động trong nhà khi mưa giông;
(Theo http://dantri.com.vn)