Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Phú Yên

Ngày 04/12, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai dẫn đầu đi kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và thăm hỏi các gia đình có người bị thiệt mạng do mưa lũ tại tỉnh Phú Yên.


Tiếp theo chương trình làm việc tại tỉnh Bình Định, sáng nay, Đoàn công tác tiếp tục làm việc tại tỉnh Phú Yên.

Theo đó, Đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã đến thăm hỏi gia đình chị Nguyễn Hồng Thủy và chị Nguyễn Thiện Ý ở thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa). Đây là 2 gia đình có con mất vào đợt mưa lũ vừa qua. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ nỗi đau mất mát người thân với các gia đình; đồng thời chuyển số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho mỗi gia đình và mong các gia đình vượt qua mất mát, sớm ổn định cuộc sống.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ nỗi đau mất mát người thân với các gia đình

Kiểm tra trực tiếp tại đập thủy điện Sông Ba Hạ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, toàn bộ lưu vực sông Ba khoảng 13.000km2, trong đó có 280 hồ chứa lớn nhỏ, tích nước khoảng 1,6 tỷ m3. Tuy nhiên hiện chỉ có có 6 hồ cắt được lũ với tổng dung tích cắt lũ 530 triệu m3, như vậy là rất thấp. Do đó cần có quy trình vận hành để hỗ trợ cắt lũ là yếu tố quyết định, còn việc nâng cao hay nâng dung tích hồ chứa là cực khó.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, để giải quyết được vấn đề cắt lũ ở hạ du, phải có rất nhiều các giải pháp. Trước hết là giải pháp phi công trình, cần phải tính toán lại quy trình xả lũ liên hồ chứa ở toàn bộ lưu vực sông Ba Hạ, trong đó tính toán chi tiết để cắt lũ bớt cho các hồ bậc thang bên dưới và xả xen kẽ nhau, để đạt được cái mục tiêu lớn nhất tại thủy điện Ba Hạ là chốt chặn cuối cùng xả lũ về hạ du, một là không xả lũ vào lúc đỉnh lũ hạ du đang cao, thứ hai là không xả lũ vào lúc triều cường đang cao, có như thế mới đảm bảo không ngập lụt cho hạ du. Đối với giải pháp công trình, tiếp tục nghiên cứu toàn bộ lưu vực này để xem lưu vực nào có thể nâng dung tích được và giao nhiệm vụ cho một số hồ thủy điện, thủy lợi để tăng dung tích cắt lũ thì mới có thể cắt lũ lâu dài và bền vũng được cho hạ du.

Tuy nhiên, để vận hành quy trình hệ thống hiệu quả thì hội đồng vận hành các địa phương cần tính toán kỹ hơn để tham mưu cho Chủ tịch tỉnh quyết định. Thứ trưởng ví dụ, nếu mực nước trên sông Ba Hạ báo động 3 trên 1m. Khi đó cần có quy trình vận hành chi tiết đến mức là hồ nào xả vào giờ nào, xả bao nhiêu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra trực tiếp tại đập thủy điện Sông Ba Hạ

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, trong quá trình vận hành hệ thống lưu vực sông Ba có một số điểm còn chưa chính xác, chưa chuẩn, thứ nhất là từ ngày 15/11-15/12 khi mà toàn bộ vùng này gần như là bắt đầu kết thúc mùa mưa thì các thủy điện được phép tích nước đến MNDBT, đấy là trong trường hợp bình thường, còn khi mà có cảnh báo mưa lũ lớn, thì các hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải giảm về mực nước đón lũ. Ngày 27 tháng 11, Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT có Công điện gửi các địa phương nhưng vẫn một số hồ chưa thực hiện nghiêm việc xả nước trước để có dung tích phòng lũ.

Hơn nữa, hiện nay quy trình vận hành của chúng ta hiện nghiêng về hướng an toàn cho hồ chứa mà chưa nghiêng nhiều về cắt lũ hạ du, chưa tính toán nhiều cho hỗ trợ cắt lũ với nhau, chính vì vậy cho nên là đồng loạt xả, khi mà lũ về cùng một lúc, gây áp lực rất lớn cho thủy điện Ba Hạ. Do đó, việc vận hành hồ chứa cần phải tính toán điều hành so le, để cuối cùng sông Ba Hạ và Sông Hinh dứt khoát không xả nhiều hơn lượng nước đến. Và, nguyên tắc không xả lũ khi hạ du ở đỉnh lũ, cũng như không xả lũ ở triều cường cao.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý tới các địa phương, vùng này là vùng mưa lũ bất thường, nên là không thể cắt lũ tuyệt đối mà chỉ có thể giảm lũ. Để giảm thiểu thiệt hại, thì phải thực hiện việc thông báo cho người dân ở hạ du theo quy định, thực hiện nghiêm thông báo tới bà con trước 6 tiêng trước khi xả. Bên cạnh đó, không được thông báo chung chung mà thông báo rõ cho người dân để chủ động phòng tránh kê cao đồ đạc, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

 "Vừa rồi tỉnh Phú Yên xả lũ tính toán rất kỹ, xả trước 6 tiếng để tránh triều cường lên cao. Còn lại khi hạ du nước đang lên cao thì mình phải tính thêm chỗ đấy. Nhưng để làm được điều này thì vận hành phải chuẩn, kể cả toàn bộ các hồ chứa ở phía Gia Lai thì mới hỗ trợ cho Phú Yên. Chứ vận hành như vừa rồi, Chủ tịch tỉnh Phú Yên không còn cách nào khác buộc phải xả lũ”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá Phú Yên làm tốt xả lũ trước khi triều cường lên cao.

Trước bất cấp trong việc vận hành các hồ chứa ở khu vực sông Ba, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm, sau đợt mưa lũ này sẽ nghiên cứu, có sự tham gia Trung ương để hỗ trợ địa phương bởi Chủ tịch tỉnh Phú Yên dù có tất cả các thông tin nhưng không có thẩm quyền ra lệnh ở trên đóng hay mở xả.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra sạt lở Kênh chính Bắc, hệ thống Thủy nông Đồng Cam, tỉnh Phú Yên

Trong chuyến công tác kiểm tra khắc phục mưa lũ tại Phú Yên, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã trực tiếp kiểm tra sạt lở Kênhh chính Bắc, hệ thống thủy nông Đồng Cam tại huyện Phú Hòa. Qua kiểm tra, Thứ trưởng đề nghị tỉnh thực hiện nhanh các biện pháp sửa chữa kênh mương mang tính chất cấp bách nhằm phục vụ kịp thời lịch gieo sạ vụ Đông Xuân sắp tới.

Vụ TTCĐ