Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thiên tai gây thiệt hại 150 tỷ USD trên toàn cầu trong năm 2019

Theo thống kê của Công ty tái bảo hiểm hàng đầu Munich Re: Siêu bão ở Nhật Bản gây thiệt hại hàng tỷ USD là thiên tai lớn nhất, hơn 1.000 người chết do lốc xoáy ở Mozambique là thảm khọa thương tâm của nhất nhân loại trong năm 2019.


(nguồn số liệu: Munich Re NatCatService)

Theo Công ty tái bảo hiểm Munich Re của Đức, trong năm 2019, thế giới đối mặt với 820 thảm họa tự nhiên, với tổng thiệt hại là 150 tỷ đô la Mỹ và khoảng 9.000 người mất mạng do thiên tai. Con số này so với 15.000 người chết vào năm 2018 đã cho thấy sự đi lên trong công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai trên toàn cầu. Trung bình trong 30 năm qua, mỗi năm ước tính có 52.000 người thiệt mạng do thiên tai.

Thành viên Hội đồng Quản trị Munich Re, Torsten Jeworrek cho rằng những trận lốc xoáy nghiêm trọng trong năm 2019 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức con người trước rủi ro thiên tai. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến thiên tai từ năm này sang năm khác. Hiện nay con người có lẽ đã dần cảm nhận rõ rệt những tác động dài hạn do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Thiệt hại do siêu bão Hagibis tại Nhật Bản (ảnh: Asahi)

Năm 2019, Nhật Bản lại một lần nữa hứng chịu những cơn bão rất nghiêm trọng. Hagibis và Faxai là hai siêu bão nhiệt đới có mức độ tàn phá khủng khiếp tương đương xảy ra ở khu vực Tokyo. Trong khi bão Faxai quét qua Vịnh Tokyo với tốc độ gió 170 km/h và đổ bộ vào thành phố Chiba, bão Hagibis đã tiến xa hơn về phía Tây Bắc, trực tiếp qua khu đô thị Yokohama-Tokyo. Một điểm đặc biệt của siêu bão Hagibis là lượng mưa cực lớn, thậm chí cách xa tâm bão. Ở những khu vực, có tới 1000mm mưa rơi trong vòng hai ngày (tức là khoảng 1000l/m3). Ở nhiều thành phố, con số này chiếm tới 40% lượng mưa hàng năm thông thường, đập trên nhiều con sông đã bị phá vỡ, vô số tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng, và nhiều công trình công nghiệp chìm trong nước.

Hai siêu bão này là thảm họa tự nhiên gây tổn thất kinh tế lớn nhất trong năm 2019. Theo ước tính sơ bộ, tổng thiệt hại từ bão Hagibis là 17 tỷ USD, và bão Faxai gây ra tổng thiệt hại ước tính khoảng 9 tỷ USD.

Tương tự như năm 2018, năm 2019 vẫn chịu sự tác động của hiệu ứng El Nino Modoki, hiện tượng biến động dị thường giữa hệ thống đại dương và khí quyển, gây ra biến động của nhiệt độ bề mặt nước biển (STT) ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương và lạnh đi ở khu vực phía đông và phía tây Thái Bình Dương. Nhật Bản là đất nước hứng chịu nhiều thiên tai do hiện tượng này gây ra.

Mozambique sau lốc xoáy Idai (ảnh: AP)

Thảm họa nhân đạo lớn nhất trong năm là trận lốc xoáy kinh hoàng Idai tại Mozambique và các nước láng giềng vào tháng 3/2019. Hơn 1.000 người đã chết và hàng triệu người dân ở Mozambique, Zimbabwe và Malawi cần viện trợ nhân đạo. Idai đánh vào cảng ven biển Beira, thành phố lớn thứ hai của Mozambique (500.000 dân). Với tốc độ gió xấp xỉ 170 km/h, cơn bão đã phá hủy một số lượng lớn các công trình hạ tầng thiết yếu. Ngoài ra, sóng lũ và mưa lớn đã gây ra lũ lụt lan rộng kéo dài, phá hủy mùa màng. Tổng thiệt hại lên tới 2,3 tỷ USD. Những thiệt hại ở Mozambique tương ứng với khoảng một phần mười GDP của quốc gia này - một tác động nặng nề đối với một đất nước nghèo. Mozambique còn bị một cơn bão khác, Kenneth, chỉ vài tuần sau đó tấn công. Những hậu quả cực đoan này cho thấy rõ ràng, đặc biệt ở các quốc gia nghèo, cuộc sống của con người và tăng trưởng kinh tế phải được bảo vệ tốt hơn. Các tổ chức của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, các công ty (bao gồm Munich Re) và các tổ chức khác đã thành lập Diễn đàn Phát triển Bảo hiểm (IDF) vào năm 2016, hỗ trợ các giải pháp bảo hiểm cho các nước đang phát triển thông qua sáng kiến ​​Đối tác Toàn cầu G7, InsuResilience.

 

Các đám cháy rừng lan rộng tại bang Victoria, Australia ngày 31/12/2019 (Ảnh: AFP/TTXVN)

So với những thiệt hại nặng nề trong năm 2018 gây ra bởi cháy rừng, thảm họa này tại California tuy vẫn diễn ra nhưng đã giảm hơn về mức độ thiệt hại. Vẫn còn nhiều đám cháy, nhưng khu vực cháy nhỏ hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm. Một số vụ hỏa hoạn đe dọa các thành phố và hàng triệu người bị mất điện trong nhiều ngày. Tổng thiệt hại do cháy gây ra là 1,1 tỷ USD. 

Khác với Mỹ, thảm họa cháy rừng tại Australia đã và đang trở nên nghiêm trọng, có nguy cơ gây thiệt hại rất khủng khiếp. Nhiệt độ cao và không khí khô, kết hợp với rất nhiều nhiên liệu dễ cháy do thiếu mưa trong mùa lạnh, dẫn đến một những đám cháy cực độ bao trùm nước Úc trong làn khói, tàn phá môi trường sống của nhiều loài động vật.

Munich Re nhấn mạnh rằng các thảm họa riêng lẻ có thể không phải là do tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy sẽ có những yếu tố dài hạn về môi trường khiến cháy rừng dễ xảy ra hơn, đặc biệt là ở phía Nam và phía Đông Australia. Tại châu Âu, các đợt nắng nóng và cơn dông mưa đá trong mùa hè 2019 là nguyên nhân khiến nhiều nước tại khu vực này chịu tổn thất nặng nề. Một thời kỳ khô hạn kéo dài dẫn đến mất mùa ở nhiều quốc gia khu vực này. Các trận bão xảy ra vào mùa hè ở châu Âu gây thiệt hại 2,5 tỷ USD trong năm 2019. Theo chuyên gia Ernst Rauch của Munich Re, mưa đá gây thiệt hại nghiêm trọng và có thể đe dọa tới tính mạng con người. Một nghiên cứu mới đây dự báo các trận mưa đá sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở một vài khu vực do hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.

Đại diện Munich Re cho rằng để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới cần triển khai những biện pháp ứng phó hiệu quả hơn như hệ thống cảnh báo sớm hay sử dụng các vật liệu xây dựng có sức chống chịu tốt hơn trước thiên tai.

Ngọc Hà tổng hợp