Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhiều tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập do triều cường

Ủy ban sông Mekong Việt Nam dự báo từ nay đến hết tháng 11/2024, nhiều khu vực ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang,... nguy cơ cao sẽ bị ngập.


Nước ngập trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Theo thông tin mới nhất từ Ủy ban sông Mekong Việt Nam, trong khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 11/2024, nhiều khu vực ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập do triều cường. Do vậy các địa phương trong vùng cần chủ động phương án bảo vệ sản xuất ở các chân ruộng trũng, vùng không có đê bao dễ ngập triều để giảm rủi ro.

Dẫn số liệu qua trắc, dự báo xu thế thủy văn và nguồn nước từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Ủy hội sông Mekong quốc tế và các tổ chức quốc tế, đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết tổng lượng mưa trong những ngày cuối tháng 11/2024 trên lưu vực sông Mekong sẽ ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1-5%.

Hiện nay, các hồ trên sông Lan Thương đang chứa ở mức khoảng 95% tổng dung tích hữu ích. Các hồ ở hạ lưu vực sông Mekong cũng đang chứa ở mức khoảng 80% dung tích hữu ích và có thể sẽ tiếp tục phát điện như hiện nay.

Dự kiến dòng chảy về đến Kra-chê (Campuchia) sẽ giảm dần do lưu vực bước vào giai đoạn mùa khô. Do đó tổng lượng dòng chảy qua trạm Kra-chê trong nửa cuối tháng 11/2024 được dự báo biến động trong khoảng từ 6,8 tỷ m3 đến 8,7 tỷ m3; trong khi lượng nước trữ ở Biển Hồ hiện tại là 34,2 tỷ m3 tiếp tục chảy ra đóng góp vào dòng chính sông sông Mekong.

Kết hợp các thông tin trên với dự báo thủy triều, tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) trong nửa cuối tháng 11/2024 sẽ biến động theo thủy triều trong khoảng từ từ 1,8 m đến 2,4m.

Lưu lượng dòng chảy trung bình ngày qua trạm Tân Châu trong cuối đầu tháng 11 sẽ biến động trong khoảng 11.000 m3/s đến 14.500 m3/s. Tổng lượng dòng chảy qua trạm này được nhận định sẽ ở mức từ 16,3 tỷ m3 đến 17,7 tỷ m3, ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm và có thể thấp hơn so với cùng kỳ 2023.

Tại trạm Châu Đốc (ở tỉnh An Giang), mực nước lớn nhất ngày trong nửa cuối tháng 11 được nhận định sẽ biến động trong khoảng từ 2,0 m đến 2,4 m ở mức thấp hơn so với cùng kỳ 2023. Lưu lượng trung bình ngày qua trạm Châu Đốc được dự báo sẽ biến động trong khoảng 2.100 m3/s đến 3.000 m3/s.

Tổng lượng dòng chảy trong nửa cuối tháng 11/2024 qua trạm Châu Đốc được nhận định sẽ ở mức từ 3,3 tỷ m3 đến 3,6 tỷ m3 ở mức cao hơn với giá trị trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn so với năm 2023.

Với xu thế trên, Ủy ban sông Mekong Việt Nam cảnh báo nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập do triều cường ở các địa phương như thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, khu vực trung tâm vùng Bán đảo Cà Mau (thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang; các huyện Phước Long, Hồng Dân, thành phố Bạc Liêu của tỉnh Bạc Liêu; huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng; các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau).

Thông tin thêm về xu thế triều cường trong thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) Hoàng Phúc Lâm cho biết tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ, từ nửa cuối tháng 11/2024 đến tháng 2/2025, dự báo xuất hiện 7 đợt triều cường.

Trong đó đợt 1 triệu cường xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày 15-19/11; đợt 2 từ ngày 1-6/12; đợt 3 từ ngày 13-17/12; đợt 4 từ ngày 29/12-4/1/2025; đợt 5 từ ngày 13-16/1/2025; đợt 6 từ ngày 29/1-5/2/2025; đợt 7 từ ngày 28/2-5/3/2025.

Mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu trong giai đoạn từ nửa cuối tháng 11/2024 đến tháng 2/2025 có thể đạt 4,3m trong khoảng thời gian từ 14-16 giờ ngày 17/11; các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng./.