Buổi lễ có sự tham gia của bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú LHQ, Silvia Danailov -Trưởng đại diện UNICEF, Ngài Ito Naoki - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT, các đại sứ, Trưởng Đại diện các tổ chức LHQ, INGOs. Đặc biệt có sự tham gia của trẻ em đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng trong việc đối phó với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu đối với trẻ em. Chính phủ vẫn kiên định cam kết thúc đẩy các chính sách và quan hệ đối tác nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro liên quan đến khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua những nỗ lực chung, không mệt mỏi, chúng ta có khả năng biến những khó khăn như bão Yagi thành động lực để thúc đẩy phát triển. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng mỗi trẻ em đều có thể hy vọng vào một tương lai không chỉ an toàn và khỏe mạnh, mà còn có thể phát triển hết tiềm năng của mình”.
Tác động tàn phá của thảm họa khí hậu được minh chứng rõ ràng cách đây hai tháng khi cơn bão Yagi đổ bộ vào phần lớn miền bắc Việt Nam gây giông lốc, lở đất và lũ quét đã buộc hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và nơi ở. “Bão Yagi đã cho thấy một sự thật rằng biến đổi khí hậu đang tàn phá các cộng đồng. Đây không phải là vấn đề của thế hệ sau, mà đã là vấn đề của chính chúng ta. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ trẻ em và các gia đình khỏi tác động và sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Mọi trẻ em đều có quyền có một tương lai an toàn và tươi sáng”, bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu.
Báo cáo “Tình hình trẻ em thế giới 2024: Tương lai của trẻ em trong một thế giới” đang thay đổi đưa ra lời cảnh báo rằng tương lai của trẻ em chưa được xác định rõ ràng và cần có những hành động khẩn cấp để bảo vệ quyền trẻ em trong một thế giới đang thay đổi. Báo cáo dự báo ba xu hướng lớn - khủng hoảng khí hậu và môi trường, thay đổi nhân khẩu học và công nghệ đột phá - sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em vào năm 2050 và xa hơn thế.
Trong bài phát biểu của mình, Ngài Ito Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh nỗ lực hợp tác giữa Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam trong nhiều sáng kiến quản lý thiên tai. Ông cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ đang được thực hiện thông qua UNICEF, tập trung vào trẻ em, là nhóm dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai. “Chính phủ Nhật Bản cam kết tiếp tục đóng góp vào công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai cho trẻ em dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Các nỗ lực này bao gồm việc nhân rộng các cuộc diễn tập ứng phó thiên tai tập trung vào trẻ em, đồng thời hỗ trợ tái thiết các trường tiểu học và trung tâm sơ tán bị hư hại do cơn bão vừa qua”, ông tuyên bố.
Tại buổi lễ cũng đã trao chứng nhận cho các tác phẩm đạt giải Nhất, Nhì, Ba của cuộc thi "Một ngày làm phóng viên nhí về phòng, chống thiên tai" do Cục Quản lý đê điều và PCTT phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo với sự hỗ trợ của UNICEF và Chính phủ Nhật Bản tổ chức.