Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 43 (tháng 3/2020) về các dự luật

Từ ngày 23-25/3/2020, Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho ý kiến về 07 dự án luật và xem xét, quyết định một số nội dung khác. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 3530/TB-TTKQH ngày 30/3 về thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.


Theo đó, thông báo của Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung của dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo thẩm quyền. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 43

Đối với các dự án đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình dự án và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý các dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp và lưu ý đối với từng dự án cụ thể.

Về dự án Luật Đầu tư sửa đổi 

Về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sửa đổi 10 nội dung trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; cần tiếp tục rà soát các luật khác có liên quan đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi, bổ sung; đồng thời rà soát lại Điều 4 về áp dụng Luật Đầu tư và luật khác có liên quan, bảo đảm có nguyên tắc chung, nguyên tắc ưu tiên luật nào được áp dụng trong trường hợp các luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ các Phụ lục 1, 2, 3 quy định tại dự thảo Luật để bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp. Rà soát, đánh giá tác động để sửa đổi, bổ sung các phụ lục này cho phù hợp với thực tế và khi cần thì sửa đổi theo quy trình thủ tục rút gọn.

Về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa ra 2 phương án (cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện) để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, cần thiết gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để Quốc hội quyết định. Đồng thời cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi bổ sung vào dự thảo Luật về quy định bổ sung các ngành, nghề đầu tư kinh doanh bị cấm theo ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội; rà soát danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhất là việc sửa đổi 19 ngành, nghề và việc bổ sung thêm 6 ngành, nghề cũng cần đánh giá rõ tác động và tiếp tục rà soát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc về quy định Chính phủ quyết định áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho phù hợp với quy định của Hiến pháp, chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền quy định, sửa đổi, bãi bỏ các khoản thuế, các quy định liên quan đến ưu đãi về thuế; cân nhắc quy định về bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng vì vấn đề này đã được quy định ở Luật Quản lý nợ công. Tiếp tục rà soát Điều 27 của dự thảo Luật để không dẫn đến những vướng mắc với các luật hiện hành (Luật Đấu thầu, Luật Đất đai...)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý quy định cụ thể về thời gian quá trình chuyển tiếp giữa các nội dung cũ và mới, tránh gây ra tác động tiêu cực đối với quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.

Về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cần cân nhắc giữa việc xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh hay quy định thành một chương trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình 2 phương án để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu cần bám sát Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII để quy định về khái niệm doanh nghiệp nhà nước và cần khẳng định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần có quyền biểu quyết với tỷ lệ chi phối trong doanh nghiệp.

Không quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để bảo đảm không gây rủi ro, làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và sự an toàn của thị trường tài chính.

Về dự án luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 

Ủy ban Thường cụ Quốc hội nhấn mạnh đây là Luật khó, phức tạp, cần hết sức thận trọng, tiếp tục rà soát bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cần có quy định về cơ chế đặc thù tại dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cần quy định rõ những nội dung mang tính chất đặc thù cho phép áp dụng khác so với các luật liên quan đối với phương thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) ngay tại các điều, khoản của dự thảo Luật.

Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP theo tinh thần việc gì doanh nghiệp, các thành phần kinh tế làm được thì để doanh nghiệp, các thành phần kinh tế làm, chỉ lĩnh vực đầu tư công khó khăn về thu hút vốn cần có sự tham gia, cùng thực hiện của Nhà nước và tư nhân. Làm rõ về các chính sách của Nhà nước đối với các dự án PPP nhất là đối với dự án mà ngân sách nhà nước sẽ tham gia và phải làm rõ mức độ tham gia, như giải phóng mặt bằng, dự án mang tính chất hỗ trợ, dự án có sự đầu tư góp vốn, quá trình quản lý vốn, quản lý tài sản, thu hồi vốn của Nhà nước.

Tiếp tục rà soát lại các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư một cách hợp lý; làm rõ khi nào thì chia sẻ rủi ro và chia sẻ ở mức nào, trường hợp rủi ro nào thì Nhà nước tham gia chia sẻ, trường hợp rủi ro nào thì nhà đầu tư chịu theo cơ chế thị trường. Về điều chỉnh tổng mức đầu tư, phải xem xét chỉ cho điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ở mức độ có thể chấp nhận được sau khi đã sử dụng hết chi phí dự phòng. Cân nhắc thời điểm, giai đoạn kiểm toán đối với dự án PPP; vấn đề giám sát cộng đồng không để tạo ra những thủ tục hành chính không cần thiết và gây khó khăn.

Ngoài ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại các vấn đề về lựa chọn nhà đầu tư; nghiên cứu quy mô đầu tư tối thiểu; làm rõ về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án PPP; rà soát kỹ về các cơ chế, chính sách để phù hợp với từng loại dự án (BOT, BT, BOO...)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu giải trình tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật này tại phiên họp thứ 44 (tháng 4/2020).

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ quy trình hiện hành về trách nhiệm chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý; không quy định cơ quan trình có trách nhiệm đề xuất nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý; bổ sung một điều riêng quy định về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc trong việc tham gia thẩm tra về vấn đề dân tộc trong dự án, dự thảo; thống nhất với quy định về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nguyên tắc chung để xử lý trường hợp giữa các văn bản do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề là áp dụng quy định của văn bản ban hành sau. Trường hợp có nội dung cần ưu tiên áp dụng văn bản ban hành trước thì phải xác định rõ nội dung đó trong văn bản ban hành sau để tránh chồng chéo. Đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan trình khi xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát kỹ các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản đang có hiệu lực và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình của cơ quan thẩm tra và cơ quan trình dự án Luật. Đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với các luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị và các luật có tính chất chuyên ngành liên quan khác và lưu ý đến các dự án luật đang được cho ý kiến như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc bổ sung thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng; tán thành việc không quy định về công trình cấp bách trong Luật mà chỉ quy định là đối tượng của công trình khẩn cấp và thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần có quy định hợp lý về các công trình cải tạo, sửa chữa; nghiên cứu, làm rõ cơ quan chủ trì, đầu mối trong quá trình cấp phép, trong thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư xây dựng để đảm bảo giảm thủ tục hành chính.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, giải trình làm rõ thêm về loại hình thiên tai như gió mạnh trên biển, sương mù để đưa vào Luật cho sát, đúng với tình hình thực tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành việc hình thành Quỹ Phòng, chống thiên tai là cần thiết ở cấp trung ương và địa phương, tuy nhiên cần quy định rõ trong Luật về hình thức quản lý thu chi của Quỹ này, đặc biệt là việc thu Quỹ đối với tổ chức, cá nhân. Đồng thời, rà soát lại các quỹ vận động của các tổ chức chính trị xã hội cho phòng, chống thiên tai để đảm bảo sự thống nhất quản lý một đầu mối, có sự thống nhất trong công tác điều phối.

Về việc thành lập bộ phận chuyên trách giúp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, đề nghị cân nhắc giao nhiệm vụ đó cho cơ quan chuyên môn ở địa phương theo dõi làm đầu mối thống kê, kiểm tra thường xuyên và không tăng thêm biên chế, không tăng thêm bộ máy.

Đối với nội dung sửa đổi Luật Đê điều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định rõ đầu mối trong công tác nạo vét luồng lạch cần để không làm ảnh hưởng đến hệ thống đê, đồng thời tránh gây cản trở đến quá trình triển khai các hoạt động kinh tế tại địa phương.

Đối với dự án Luật Biên phòng Việt Nam dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành và tên gọi của Luật là Luật Biên phòng Việt Nam như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; đồng thời đề nghị nghiên cứu, rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo với quy định có liên quan trong các luật khác, nhất là phạm vi điều chỉnh của Luật Biên giới quốc gia; làm rõ khái niệm “Biên phòng”; rà soát nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng.

Rà soát, bổ sung đầy đủ các quy định về Bộ đội Biên phòng; quy định rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là vai trò nòng cốt, chuyên trách của Bộ đội Biên phòng; xây dựng chế độ, chính sách đặc thù để lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quy định rõ cơ chế phối hợp và phân định chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác, nhất là Công an, Hải quan, Cảnh sát biển…Rà soát quy định về các biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng để phù hợp với tính chất, vai trò của từng lực lượng, những biện pháp liên quan đến quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

 Xem chi tiết nội dung kết luận số 3530

 

Tổng hợp