Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 và Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 – 2025

Sáng 6/7, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 và Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 – 2025. Chủ trì Hội nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, một số cơ đơn vị chức năng n thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn thể cán bộ công chức, viên chức thuộc Tổng cục Phòng chống thiên tai và đại diện một số cơ quan thông tấn báo chí.


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết: Mặc dù đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai và dịch bệnh Covid-19 song 6 tháng đầu năm 2020, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động trong Tổng cục đã nỗ lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt đồng thời cả 2 nhiệm vụ đó là quản lý nhà nước về công tác PCTT và thường trực cho Ban chỉ đạo. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, những tháng đầu năm 2020, tập thể Lãnh đạo Tổng cục và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tổng cục đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng dịch.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tại nước ta đã xảy 16 loại hình thiên tai, trong đó có 186 trận giông, lốc, mưa lớn ở hơn 43 tỉnh, thành phố; trong đó 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ, tình hình mưa đá và giông lốc đặc biệt bất thường, kéo dài và trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 1 cơn bão trên Biển Đông; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc bắt đầu có mưa lũ cục bộ... 

Thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỷ đồng. Cụ thể, thiên tai đã làm 1.765  ngôi nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 9.210 con gia súc, gia cầm chết; 879 tỷ đồng do giông lốc, mưa đá; 2.500 tỷ đồng do hạn hán, xâm nhập mặn; 4 tỷ đồng do thiên tai khác.

Đặc biệt với việc Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và đê điều được Quốc hội thông qua đã được tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn giai đoạn hiện nay, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai và kế hoạch công tác năm, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, hàng đầu là đảm bảo an toàn ở mức cao cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão năm nay, đồng thời theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa, lũ lớn, bão mạnh; bảo vệ công trình đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời, chính xác cho BCĐ để chỉ đạo các địa phương, Bộ ngành chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và  khắc phục hậu quả được kịp thời, hiệu quả.

 

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Trần Công Tuyên, Vụ Phó Vụ Quản lý Đê điều đã chia sẻ tham luận “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đê điều và tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”. Tham luận nêu bật một số kết quả, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đê điều.

Trên cơ sở Luật Đê điều ban hành năm 2006, Vụ Quản lý đê điều đã tham mưu xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Đến nay, hệ thống pháp luật về đê điều đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đối với từng giai đoạn, thời kỳ, tạo hành lang pháp lý quan trọng phục vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển hệ thống đê điều.

Trong thời gian tới, Vụ tiếp tục xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn nội dung về xây dựng cầu qua sông có đê và sửa đổi Thông tư 46 hướng dẫn về trình tự thủ tục việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều, phấn đấu đảm bảo tiến độ ban hành trước 1/7/2021.

Trong tháng 6 vừa qua, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

 Vụ Phó Vụ Quản lý Đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Công Tuyên phát biểu tại Hội nghị

Vụ Phó Vụ nông nghiệp Văn phòng Chính phủ Đào Quang Tuynh phát biểu tại Hội nghị: “Đây là giai đoạn quan trọng trong xây dựng thể chế, chính sách cũng như chiến lược quy hoạch chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai, thủy lợi, là cơ sở cho việc triển khai các kế hoạch sau này. Muốn làm được việc này, điều quan trọng nhất là con người. Về mặt đào tạo thì tốt rồi nhưng tôi đề nghị quan tâm đào tạo hơn cho các anh em trong văn phòng thường trực để viết các tờ trình Chính phủ có chất lượng hơn.

Trong 6 tháng tới nên quan tâm xây dựng văn bản, kết luận, thể chế hướng dẫn ban hành trước 45 ngày trước khi luật được đưa vào thực hiện. Bên cạnh đó cũng nên rà soát , xây dựng các kịch bản, chỉ đạo các địa phương chủ động đối phó với các tình huống thiên tai cho tốt hơn”.

Vụ Phó Vụ nông nghiệp Văn phòng Chính phủ Đào Quang Tuynh phát biểu tại Hội nghị

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài Phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chúc mừng cá nhân và tập thể được tuyên dương lần này. Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả các cơ quan báo chí đã hỗ trợ rất nhiều cho Tổng cục Phòng chống thiên tai nói riêng và công tác phòng chống thiên tai trên cả nước nói chung. Thứ trưởng nhấn mạnh trong công tác phòng, chống thiên tai nếu không có sự chung tay góp sức của các cơ quan báo chí thì không thể thành công được như ngày nay.

Đánh giá về công tác 6 tháng đầu năm của Tổng cục phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp: Tổng cục hoàn thành cơ bản các nội dung đề ra và đặc biệt đã có nhiều điểm nhấn trong công tác 6 tháng. Đó là đã thông qua được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTT; Luật Đê điều; chống sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Lần đầu tiên trong lịch sử Ban Bí thư có chỉ thị riêng về phòng chống thiên tai và các địa phương đang thực hiện rất tốt.

Điểm nhấn tiếp theo trực ban chuyên nghiệp hơn, chỉ đạo sát sao hơn; chủ động theo dõi diễn biến không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và trên thế giới, tham khảo nhiều dự báo để có tính toán, chỉ đạo kịp thời, chính xác.

Yếu tố tương lai đã được tính đến nhiều hơn. Thiên tai là sự vụ, nhưng để phòng ngừa thì cần tính đến tương lai, bảo đảm phòng ngừa, ứng phó và khắc phục phải đồng bộ.

Thứ 4 là đã tổ chức được nhiều hoạt động, đây là nỗ lực vượt khó của Tổng cục trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn.

Kết quả về hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ. Có thể nói, Tổng cục là đơn vị đi đầu trong các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT về hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ, điển hình về tình hình hạn mặn của đồng bằng sông Cửu Long; Đặc biệt là các chương trình phối hợp hỗ trợ ứng phó, khắc phục.

Sự cần cù, chuyên nghiệp và hi sinh cá nhân của các cán bộ phòng, chống thiên tai. Đây là đơn vị vất vả nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bởi thiên tai không có kế hoạch, phải hoạt động dai dẳng, liên tục”…

Đối với 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng cho rằng đây là giai đoạn trọng điểm của thiên tai. Vì vậy, khối lượng công việc sẽ rất lớn. Do đó, đề nghị Tổng cục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tham mưu kịp thời để ứng phó với thiên tai.

Thứ trưởng đề nghị Tổng cục tập trung nguồn lực, lập kế hoạch chi tiết để xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện 9 chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch, dự án. Trong đó, tập trung vào đề án Chiến lược quốc gia Phòng chống giảm nhẹ thiên tai đến 2030, tầm nhìn 2050.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh phòng ngừa là câu chuyện dài, yếu tố tương lai. Tại thời điểm hiện nay, ứng phó là quyết định. Khi phòng ngừa tốt thì ứng phó được giảm nhẹ, do đó, cần tập trung cho ứng phó. Theo đó, cần hoàn thiện, bổ sung kịch bản lũ lớn, các kịch bản ngập lụt hạ du. Muốn ứng phó tốt phải có kịch bản tốt, dự báo tốt. Ngoài các kịch bản, Tổng cục cần hoàn thiện hệ thống quan trắc, đặc biệt là quan trắc chuyên ngành rất quan trọng cho ứng phó.

Về khoa học công nghệ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng không thể "ăn đong" mãi, thay vào đó muốn đi vào chuyên nghiệp thì phải tập trung nhiều hơn cho khoa học công nghệ, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính như: lưu lượng hồ chứa, đánh giá lượng mưa và tác động gây lũ quét, sạt lở đất…

Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và nhận thức cộng đồng. Chú trọng truyền thông đa phương tiện. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, phải tính toán để thông tin đến được với hai đối tượng rất cần: Lãnh đạo các cấp để ra quyết định và người dân yếu thế, vùng có nguy cơ cao. Tăng cường phổ biến kiến thức cho cộng đồng để chủ động công tác ứng phó.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Cuc trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyên Đức Quang phát biểu tại Hội nghị 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trao cơ thi đua cho Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong công tác phòng chống thiên tai

  

Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài trao Bằng khen cho các các nhân có thành tích trong công tác phòng chống thiên tai

Bùi Dịu